6 mục tiêu đến năm 2027 trong tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ

PV
02/07/2021 - 18:35
6 mục tiêu đến năm 2027 trong tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ

Mô hình "Ngôi nhà bình yên" hỗ trợ các chị em phụ nữ và trẻ em có được kiến thức, kỹ năng để tự tin và chủ động đưa ra những quyết định cho cuộc sống

Chiều nay (2/7), TƯ Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN tỉnh Hà Giang tổ chức hội thảo trực tuyến “Đánh giá giai đoạn I, tham vấn định hướng giai đoạn II Đề án 938”.

Hội thảo trao đổi, thảo luận về việc thực hiện Đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" (theo Quyết định 938/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng chính phủ) giai đoạn 2017-2021 và tham vấn định hướng hoạt động giai đoạn 2022-2027.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Trưởng ban Gia đình xã hội, TƯ Hội LHPN Việt Nam - cho biết, giai đoạn II đến năm 2027, đề án hướng đến 6 mục tiêu cụ thể: 30 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức, trong đó 60% chuyển đổi hành vi; 95% cán bộ được nâng cao năng lực; tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 80 ngàn phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật; 10 triệu phụ nữ sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; các mô hình hiệu quả được duy trì và nhân rộng; hàng năm, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời.

6 mục tiêu đến năm 2027 trong tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ - Ảnh 1.

Hội thảo trực tuyến "Đánh giá giai đoạn I, tham vấn định hướng giai đoạn II Đề án 938" với các điểm cầu Hà Nội và Hà Giang

Theo kế hoạch năm 2021, TƯ Hội phối hợp với các bộ ngành và 63 tỉnh thành tiến hành đánh giá sơ kết giai đoạn I đề án, trong đó sẽ tổ chức hội thảo tại 4 tỉnh thành: Hà Giang, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh. Hội thảo trực tuyến hôm nay nhằm tìm hiểu sâu hơn về kết quả, thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện Đề án của tỉnh Hà Giang.

Báo cáo kết quả việc thực hiện đề án tại Hà Giang với Hội LHPN tỉnh (cơ quan chủ trì) cùng với 14 đầu mối là sở, ban, ngành của tỉnh, bà Hoàng Thị Vần - Trưởng ban GĐXH, Hội LHPN tỉnh Hà Giang - cho biết, dù gặp khó khăn khi nguồn kinh phí để triển khai các hoạt động của đề án đối với cấp tỉnh được cấp rất thấp, cấp huyện không được cấp nhưng tỉnh đã hoàn thành 5/6 mục tiêu đề án.

Tại Hội thảo, các đại biểu ở Trung ương và các đại biểu từ Hội LHPN tỉnh, các sở ngành, cũng đã tập trung thảo luận về những khó khăn trong thực hiện giai đoạn I, đề xuất, kiến nghị nội dung hoạt động, cơ chế, định hướng giai đoạn II của tỉnh Hà Giang.

Đánh giá cao về những ý kiến, thảo luận được đưa ra, bà Nguyễn Thị Kim Oanh mong muốn Hà Giang sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả những kết quả thực hiện đề án, cần cụ thể hóa về các nội dung can thiệp chính của đề án, lựa chọn đối tượng trọng tâm phù hợp với tỉnh… Bà Nguyễn Thị Kim Oanh nhấn mạnh, Hội thảo giúp TƯ Hội có thông tin, minh chứng cụ thể cho những nhận định, đánh giá về quá trình thực hiện đề án giai đoạn I tại các địa phương, từ đó xác định định hướng giai đoạn tiếp theo để Báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đề án 938 "Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2017 với hai giai đoạn thực hiện 2017-2021 và 2022-2027, trên phạm vi toàn quốc. 3 nội dung can thiệp chính của đề án gồm An toàn thực phẩm, giáo dục cha mẹ nuôi dạy chăm sóc bảo vệ con và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. Và 2 nội dung xuyên suốt là tuyên truyền phổ biến pháp luật và tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm