TPHCM: Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Thanh Vũ
09/03/2021 - 11:27
TPHCM: Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới

Ảnh minh họa: Shutterstock.com

TPHCM đang phải tập trung giải quyết các vấn đề: bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có quấy rối tình dục nơi công cộng như công viên, nhà vệ sinh công cộng, xe buýt...

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt, có nền kinh tế sầm uất và năng động nhất nước với tổng dân số hơn 8,9 triệu người, trong đó nữ chiếm 51,3%.

Do đó, lãnh đạo thành phố luôn chú trọng phát triển kinh tế song hành với giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội, đồng thời triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm giảm khoảng cách giới trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội.

Những năm gần đây, Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng và phát triển các ngành dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao góp phần giải quyết việc làm, tăng trưởng sản xuất kinh doanh trên địa bàn thành phố.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế là thách thức lớn mà Thành phố phải tập trung giải quyết như: vấn đề về bình đẳng giới, bạo lực trên cơ sở giới, trong đó có quấy rối tình dục nơi công cộng như: công viên, nhà vệ sinh công cộng, xe buýt...

Thực tiễn nhiều khó khăn

Theo kết quả nghiên cứu đầu vào Chương trình Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) năm 2017 cho thấy trong 12 tháng có 40,9% nam giới và 38,6% nữ giới được hỏi đã chứng kiến về các vụ việc quấy rối tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái ở nơi công cộng.

Kết quả nghiên cứu khẳng định tỷ lệ nạn nhân bị quấy rối tình dục nơi công cộng tại thời điểm này đáng báo động. Cụ thể, 18,5% phụ nữ được phỏng vấn cho biết họ đã từng bị quấy rối tình dục hay bạo lực tình dục. Ngược lại, 11,7% nam giới trả lời phỏng vấn cho biết họ đã thực hiện hành vi quấy rối tình dục hoặc bạo lực tình dục.

Nhiều bậc phụ huynh cho rằng dù các cấp chính quyền, cơ quan, các tổ chức xã hội và cộng đồng quan tâm, nhưng các vụ, bạo lực, quấy rối, xâm hại tình dục vẫn xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và an toàn nơi công cộng khiến nhiều phụ huynh e ngại, nhất là phụ nữ và trẻ em gái. Nhiều phụ huynh nhận định, trẻ em gái khi đi ra ngoài sẽ gặp nhiều nguy hiểm hơn so với con trai...

Theo bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố hiện thiếu an toàn và thân thiện đối với phụ nữ, trẻ em tập trung phần lớn ở các nhà chờ, nhà vệ sinh công cộng, nhất là vấn đề về vệ sinh, độ sáng, không gian và sự thuận tiện trong nhà vệ sinh.

Bà Trần Thị Kim Thanh cho rằng trong quá trình xây dựng, ít người tính đến những yếu tố rủi ro và an toàn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tiêu chí về việc sử dụng nhà vệ sinh an toàn, bảo đảm sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái thường bị bỏ quên trong quá trình lên kế hoạch và xây dựng.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Ngọc Thanh Trang, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Quận 3, cho biết đôi khi phụ nữ và trẻ em còn là nạn nhân của bạo hành trong gia đình khiến nhiều người bức xúc. Nhiều phụ nữ vì sợ hãi, xấu hổ nên không dám lên tiếng tố cáo với các cơ quan chức năng; trẻ em không ít trường hợp bị tổn thương tâm lý, trầm cảm, trở nên cộc cằn, lầm lì, ít nói, thậm chí bỏ học...

Báo cáo đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2016-2020 của Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới thành phố cho thấy, tổng tỷ suất sinh giảm (số con trên một phụ nữ năm 2010 từ 1,45 giảm xuống 1,24 vào năm 2016) và tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam và nữ có xu hướng tăng (28,5 và 24,8 tuổi năm 2010 đến năm 2016 là 29,1 và 25,7 tuổi) tiềm ẩn nguy cơ lựa chọn giới tính khi sinh.

Ngoài ra, vấn đề già hóa dân số (tuổi thọ trung bình của cả nam và nữ có xu hướng tăng từ 76,4 tuổi năm 2010 tăng lên 76,5 tuổi)... cũng là những thách thức về giới và cần phải có lộ trình để xây dựng các giải pháp đảm bảo bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

Hành trình đi tìm tiếng nói chung

Theo Tiến sỹ Phan Thị Lan Hương, Trường Đại học Luật Hà Nội, bạo lực trên cơ sở giới nói chung hay quấy rối tình dục ở nơi công cộng đối với phụ nữ và trẻ em gái có thể không nhìn thấy những hậu quả hay thiệt hại ngay trước mắt, nhưng có thể có những ảnh hưởng lâu dài.

Đây là vấn đề khó và mới do có nhiều hành vi quấy rối tình dục chưa được pháp luật quy định và chưa có các biện pháp chế tài nhằm trợ giúp pháp lý nạn nhân bảo vệ quyền lợi của mình.

TPHCM: Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới - Ảnh 1.

Minh họa: timesofindia.indiatimes.com

Dưới góc độ quản lý, bà Trần Thị Kim Thanh nhìn nhận bạo lực trên cơ sở giới chưa có định nghĩa rõ ràng, khó tiếp cận thông tin; chưa có số liệu đầy đủ về bạo lực trên cơ sở giới mà chỉ thống kê được số liệu về bạo lực gia đình. Bên cạnh đó, các chuẩn mực về văn hóa truyền thống vẫn còn nặng nề nên bạo lực trên cơ sở giới đã len lỏi trong đời sống người dân, diễn biến phức tạp, khó xác định.

"Nhiều người không biết mình đang chịu bạo lực nên thường bỏ qua các hành vi bạo lực, không khai báo hoặc không tìm đến sự hỗ trợ của tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương," bà Trần Thị Kim Thanh khẳng định.

Cũng theo kết quả nghiên cứu đầu vào của thành phố cho thấy, các hành vi quấy rối tình dục theo chuẩn mực quốc tế được coi là một biểu hiện của bạo lực trên cơ sở giới.

Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam chưa có quy định cụ thể nên rất khó xử lý khi các vụ việc xảy ra trên thực tế.

Nhìn nhận vấn đề này, ông Lê Minh Tấn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết Trung ương chưa hướng dẫn cụ thể về tiêu chí đánh giá, đo lường nên thành phố gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện xây dựng Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em.

Riêng các hoạt động, mô hình Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em đang thực hiện thí điểm đều do các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam hỗ trợ sẽ mất nhiều thời gian để lấy ý kiến, thảo luận, hiệu đính, vận hành thử nghiệm và điều chỉnh phù hợp với văn hóa Việt Nam.

Bên cạnh đó, cơ chế phối hợp liên ngành, liên lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, bất cập về trách nhiệm, quan điểm; đội ngũ cán bộ gặp nhiều thách thức trong tham mưu, triển khai thực hiện các hoạt động bình đẳng giới, mô hình Thành phố an toàn.

Một số đơn vị, ngành cho rằng công tác bình đẳng giới là trách nhiệm của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội nên thiếu chủ động trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ Ủy ban nhân dân thành phố phân công...

Theo Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới, Thành phố đã ban hành nhiều văn bản, xây dựng các giải pháp phòng ngừa bạo lực, xâm hại và quấy rối tình dục với phụ nữ và trẻ em ở nơi công cộng. Tuy nhiên, đây là vấn đề rộng, mới và khó đối với đô thị đặc thù như Thành phố Hồ Chí Minh.

Vì vậy rất cần sự hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật từ các bộ, ngành Trung ương, các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cần có tiếng nói chung nhằm giúp thành phố xây dựng các giải pháp cụ thể đối với từng ngành, lĩnh vực, đảm bảo việc triển khai đồng bộ các quy định, chính sách về Thành phố an toàn với phụ nữ và trẻ em.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm