Hàn Quốc: Phụ huynh sẵn sàng chi 45 triệu/tháng để con học tiếng Anh từ lúc 2 tuổi

Phương Linh
27/03/2023 - 00:04
Hàn Quốc: Phụ huynh sẵn sàng chi 45 triệu/tháng để con học tiếng Anh từ lúc 2 tuổi
Nhiều bậc cha mẹ mong muốn con mình “vượt qua những người khác” nên sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn từ khi con học mẫu giáo.

Chấp nhận chi gấp nhiều lần để con học mẫu giáo tiếng Anh

Những đứa trẻ 5 tuổi tại mẫu giáo Edible Village, quận Gangnam, Seoul (Hàn Quốc) vừa hoàn thành buổi lễ diễn thuyết bằng tiếng Anh cuối tháng trước. Edible Village là một trong hơn 800 trường mẫu giáo tiếng Anh trên toàn quốc. Nghịch lý là số trường mẫu giáo tiếng Anh đang tăng lên chóng mặt trong khi các trường mẫu giáo bình thường phải đóng cửa ở mức báo động vì tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm từ năm 2015.

Tại các trường mẫu giáo như Edible Village, trẻ nhỏ sẽ nói chuyện với giáo viên nước ngoài bằng tiếng Anh, tạo ra một môi trường học tập kỳ lạ- điều khiến các bậc cha mẹ Hàn Quốc không ngần ngại trả số tiền cao hơn gấp nhiều lần so với các trường mẫu giáo khác.

Một số trẻ chỉ mới 2 tuổi nhưng vẫn được yêu cầu nói tiếng Anh vài giờ mỗi ngày. Theo luật Hàn Quốc, các trường mẫu giáo tiếng Anh thường được phân loại là “học viện ngoại ngữ dành cho trẻ em” và tuân theo các quy định tương tự như viện giáo dục tư nhân, thay vì các luật liên quan đến trường mẫu giáo. Vậy nên họ không bị kiểm soát chương trình giảng dạy.

Phụ huynh sẵn sàng chi 45 triệu/tháng để con học tiếng Anh từ... 2 tuổi, liệu có cần thiết? - Ảnh 1.

Không phải tất cả các trường mẫu giáo kiểu này đều có chương trình dạy giống nhau nhưng điểm chung là họ đều quảng cáo chương trình giảng dạy của mình “dựa trên nghiên cứu” hoặc “học tập thông qua vui chơi”.

Eum Won-sun, giám đốc điều hành của Edible Edu, công ty điều hành Edible Village, cho biết: “Một số phụ huynh hài lòng với việc con cái họ sử dụng tiếng Anh một cách thoải mái, nhưng một số phụ huynh lại muốn nhiều hơn thế. Nhóm thứ 2 muốn con mình đạt trình độ cao nhất có thể trước khi chúng vào tiểu học.”

Bên cạnh ngôn ngữ, điều khiến các trường mẫu giáo tiếng Anh khác biệt với các trường mẫu giáo thông thường là học phí. Học phí trung bình 1 tháng các trường mẫu giáo tiếng Anh ở thủ đô Seoul năm 2021 là 1,1 triệu won (~20 triệu đồng) còn 5 trường đắt đỏ nhất đều có học phí hơn 2,5 triệu won (~45 triệu đồng) và nằm ở quận Gangnam hoặc Seocho. Mức phí phụ huynh chi trả cho một tháng học ở Edible Village là 1,92 triệu won chưa bao gồm phí hoạt động ngoại khóa và phương tiện đưa đón.

Trong khi đó, học phí trung bình tại các trường mẫu giáo tư thục không nói tiếng Anh ở Seoul năm 2022 là 270.000 won/tháng (~5 triệu đồng) còn các trường công lập thấp hơn nhiều.

Phụ huynh sẵn sàng chi 45 triệu/tháng để con học tiếng Anh từ... 2 tuổi, liệu có cần thiết? - Ảnh 2.

Những năm qua, khi khả năng nói ngoại ngữ bắt đầu trở nên cần thiết, các trường mẫu giáo tiếng Anh nở rộ ở Gangnam - nơi các bà mẹ háo hức tìm cách giúp con mình đạt thành tích tốt nhất. Số lượng trường mẫu giáo kiểu này đã tăng từ 474 trường vào năm 2017 lên 811 trường trong năm ngoái. Gần một nửa trong số 311 trường mẫu giáo tiếng Anh nằm ở các “khu nhà giàu” Gangnam, Seocho, Songpa hoặc Gangdong.

Học tiếng Anh sớm để “không bị bỏ lại phía sau”

Hiệu quả của các trường mẫu giáo tiếng Anh này thường bị đặt câu hỏi và vẫn tiếp tục là chủ đề nóng của các bà mẹ khi không thể quyết định cho con vào trường mẫu giáo nào.

Nghiên cứu “Song ngữ trong những năm đầu đời: Khoa học nói gì,” của các giáo sư tại Đại học Concordia (Canada) và Đại học Princeton (Mỹ) đã chỉ ra trẻ học song ngữ có nhiều khả năng thể hiện lợi thế nhận thức và hiểu biết xã hội tốt hơn, không có nhiều khả năng tiếp thu chậm hay mắc chứng rối loạn ngôn ngữ so với trẻ bình thường.

Tuy nhiên, các chuyên gia địa phương lập luận rằng không phải trường mẫu giáo tiếng Anh nào ở Hàn Quốc cũng giúp trẻ có khả năng vượt trội, thay vào đó lại khiến học sinh có xu hướng bị căng thẳng không cần thiết, tạo gánh nặng học tập quá mức cho trẻ.

Viện Chăm sóc và Giáo dục Trẻ em Hàn Quốc đã khuyến nghị phụ huynh nên cho trẻ em học tiếng Anh từ bậc tiểu học sau khi chúng đạt đủ “sự trưởng thành về nhận thức và thành thạo tiếng mẹ đẻ”.

Phụ huynh sẵn sàng chi 45 triệu/tháng để con học tiếng Anh từ... 2 tuổi, liệu có cần thiết? - Ảnh 3.

Ngoài vấn đề tài chính, nhiều phụ huynh e ngại nếu gửi con đến các trường mẫu giáo tiếng Anh, trẻ sẽ bỏ lỡ chương trình học tiếng Hàn truyền thống và khó thích nghi với việc học ở tiểu học sau này.

Kim Hyeon-jung, cha của một cậu bé 4 tuổi ở Seoul, cho biết anh quyết định gửi con đến trường mẫu giáo bình thường vì muốn con học tiếng Hàn trước. “Con tôi mới bắt đầu biết nói. Tôi thậm chí không biết liệu cháu có hứng thú với tiếng Anh hay không và tôi không muốn làm con mình căng thẳng bằng cách ép cháu học một ngôn ngữ mới”, anh Kim nói.

Cô Lee là người gửi cả 2 con mình đến một trường mẫu giáo tiếng Anh. Khi giới thiệu với người quen về kiểu trường này, cô không quên nhắc họ xem xét tính cách của con cái mình trước khi đưa ra lựa chọn bởi cô từng chứng kiến nhiều đứa trẻ gặp khó khăn trong việc thích nghi. May mắn thay, sau 1 năm, Lee nhận thấy các con của mình tiếp cận tiếng Anh như một công cụ giao tiếp chứ không phải một môn học nhàm chán ở trường.

“Hai đứa trẻ của tôi thậm chí còn nói chuyện bằng tiếng Anh khi chúng chơi với nhau. Đó là những khoảnh khắc mà tôi tự nghĩ các con đã thực sự hiểu được ngôn ngữ này”, cô Lee cho biết.

Phụ huynh sẵn sàng chi 45 triệu/tháng để con học tiếng Anh từ... 2 tuổi, liệu có cần thiết? - Ảnh 4.

Dựa trên xu hướng hiện tại, sẽ có nhiều trường mẫu giáo tiếng Anh “mọc lên” trong tương lai ở Hàn Quốc. Byun Soo-yong, giáo sư giáo dục, nhà nhân khẩu học và nghiên cứu châu Á tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết: “Các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp thượng lưu (hoặc có học thức cao và thu nhập cao) muốn gửi con cái của họ đến các trường mẫu giáo tiếng Anh vì họ biết cách để con mình vượt lên trên những người khác”.

“Mặt khác, các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu và thậm chí cả những gia đình lao động bình thường cũng muốn gửi con đến kiểu trường đó nếu họ đủ khả năng chi trả. Đó là bởi họ coi trình độ tiếng Anh là một phương tiện quan trọng để con cái họ ‘vươn lên’ trong xã hội và không bị bỏ lại phía sau”, giáo sư Byun nói thêm.

Nguồn: Koreajoongangdaily
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm