pnvnonline@phunuvietnam.vn
Lý do thực sự khiến người Hàn Quốc không muốn sinh con
Vào những ngày có chút "thiện cảm" với đàn ông - chẳng hạn như vô tình nhìn thấy một anh chàng đẹp trai trên phố - Helena Lee có thể tạm gác sự chán ghét của mình sang một bên và coi họ như “những viên kẹo bắt mắt”. Cô nói: “Tôi không quan tâm và cũng chẳng muốn biết điều gì đang hiện hữu bên trong bộ não của cánh mày râu”. Nói chung, cô không muốn làm bất kỳ điều gì dính líu tới đàn ông.
Helena Lee (24 tuổi), đang học để thi công chức, có sở thích đọc Andrea Dworkin, Carl Sagan, và thỉnh thoảng đọc tiểu thuyết lãng mạn, tỏ ra chẳng mặn mà khi nói chuyện về nửa kia của thế giới: "Tôi đã cố gắng đặt niềm tin vào các chàng trai, không đến mức ghét cay ghét đắng họ đâu. Nhưng xin lỗi, tôi hơi nghiêng về phía đó - tức là, về phía cực đoan”.
Tuổi thơ của Lee không mấy hạnh phúc khi cha mẹ không hòa thuận. Cha thường xuyên đánh đập cô, đến năm 6 tuổi thì ông bỏ đi, để Lee sống với mẹ và bà ngoại. Gia đình 3 thế hệ, không có đàn ông, đã duy trì như thế cho đến tận bây giờ, khi cô trưởng thành.
Những nỗ lực để tăng tỷ lệ sinh
Lee là một phần của phong trào đang rất "thịnh hành" ở Hàn Quốc - những phụ nữ chọn cuộc sống độc thân thay vì kết hôn và sinh con. Phong trào này ước tính có thể lên tới hàng chục nghìn người. Nó còn được gọi là “4B” hay “4 Không” - không hẹn hò, không quan hệ tình dục với nam giới, không kết hôn và không sinh con.
Theo một ước tính, hơn 1/3 đàn ông Hàn Quốc và 1/4 phụ nữ Hàn Quốc, hiện đang ở độ tuổi từ 25-30, lựa chọn không bao giờ kết hôn. Thậm chí, nhiều người tuyên bố sẽ không bao giờ có con.
Năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ Hàn Quốc có 6 con. Năm 2022, con số ấy chỉ còn 0,78. Ở Seoul, mức trung bình là 0,59. Nếu xu hướng đi xuống này tiếp tục, sẽ không lâu nữa, cứ 2 phụ nữ ở thủ đô thì sẽ có 1 người không bao giờ sinh con.
Dân số của nhiều quốc gia đang già đi và một số nơi thậm chí còn giảm. Vào tháng 1/2023 mới đây, Trung Quốc đã ghi nhận sự sụt giảm dân số lần đầu tiên kể từ những năm 1960. Tỷ lệ sinh của Mỹ đã giảm kể từ cuộc Đại suy thoái (mặc dù 86% phụ nữ Mỹ vẫn có ít nhất 1 con khi họ ở độ tuổi 40). Nhưng tỷ lệ sinh của Hàn Quốc ở mức thấp nhất trên thế giới.
Hôn nhân và trẻ em có mối liên hệ chặt chẽ ở Hàn Quốc hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, với chỉ 2,5% trẻ em sinh ra ngoài hôn nhân vào năm 2020, so với mức trung bình hơn 40% của các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).
Trong gần 2 thập kỷ qua, chính phủ Hàn Quốc luôn cố gắng khuyến khích người trẻ kết hôn và sinh con. Năm 2005, nước này đã thừa nhận mức sinh thấp là một vấn đề có tầm quan trọng quốc gia và ban hành Đạo luật về Tỷ lệ sinh thấp trong một xã hội già hóa.
Các nhà chức trách cũng cố gắng tạo điều kiện để người dân sinh con bằng nhiều biện pháp như: kéo dài thời gian nghỉ thai sản, thưởng tiền và ở Seoul, các cặp vợ chồng mới cưới được hỗ trợ về nhà ở.
Thị trưởng thành phố này đã đề xuất nới lỏng các hạn chế về thị thực để có thêm nhiều bảo mẫu từ nước ngoài đến với mức lương rẻ hơn, trong khi một số chính quyền ở các khu vực nông thôn khuyến khích đàn ông kiếm vợ ngoại quốc.
Năm 2016, chính phủ đã công bố một "bản đồ sinh" cho thấy có bao nhiêu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sống ở các khu vực khác nhau - một nỗ lực nhằm khuyến khích phụ nữ ở các thị trấn và thành phố sinh nhiều con hơn. Nhưng không ngờ, nó làm dấy lên một cuộc biểu tình ủng hộ nữ quyền. Những người phụ nữ cầm biểu ngữ có nội dung "tử cung của tôi không phải là món hàng công cộng và máy bán hàng tự động 'nhả ra' trẻ sơ sinh".
Trong suốt thời gian qua, quốc gia này đã chi hơn 150 tỷ USD với hy vọng có thêm nhiều em bé chào đời. Nhưng tất cả các phương án đều thất bại. "Nhiều hệ thống tàu điện ngầm của Hàn Quốc có ghế màu hồng dành riêng cho phụ nữ mang thai. Nhưng khi tôi đến Seoul vào tháng 11, bản thân đang mang thai 6 tháng và dễ mệt mỏi, tôi hiếm khi có thể giành được một chỗ ngồi, vì quá nhiều người người già cũng cần nhường chỗ", phóng viên của tờ The Atlantic cho biết.
Có rất nhiều lý do khiến người ta quyết định không sinh con. Giới trẻ Hàn Quốc cho rằng những trở ngại bao gồm: chi phí nhà ở tại Seoul quá cao (nơi sinh sống của khoảng một nửa trong số 52 triệu dân của Hàn Quốc), chi phí nuôi dạy con cái, các tiêu chuẩn nơi làm việc mệt mỏi không phù hợp với cuộc sống gia đình, phụ nữ vẫn phải làm phần lớn công việc nhà và chăm sóc con cái.
Nhưng tất cả những lý do đó vẫn chưa nhắm đúng gốc rễ vấn đề. Bởi còn có một động lực căn bản hơn, chính là sự xấu đi trong quan hệ giữa phụ nữ và đàn ông - điều mà truyền thông Hàn Quốc gọi là "chiến tranh giới tính".
Nỗi ám ảnh mang tên bạo lực
Chang Kyung-sup, một nhà xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, đã đặt ra thuật ngữ "hiện đại nén" để mô tả sự kết hợp giữa chuyển đổi kinh tế nhanh như chớp của Hàn Quốc và sự phát triển chậm chạp, không đồng đều của các thể chế xã hội như gia đình.
Năm 2015, số lượng nữ giới vào đại học đã vượt cả nam giới. Nhưng những phụ nữ có học thức vẫn thường được cho là sẽ ở nhà nội trợ sau khi kết hôn hoặc làm mẹ. Gia đình vẫn là đơn vị cơ bản của xã hội, để rồi, cả trật tự cũ và trách nhiệm gia đình mới đều đổ lên đầu những người phụ nữ. Tham vọng của phụ nữ đã lớn hơn, nhưng quan niệm về việc làm vợ và làm mẹ ở Hàn Quốc thì không. Kết quả là, sự phân chia giới tính ngày càng sâu sắc.
Cô Cho Young-min, 49 tuổi, chủ một doanh nghiệp tạo ra những khu vườn trong đô thị. Với những kinh nghiệm của bản thân, Cho coi "cuộc chiến giới tính" một phần là kết quả của sự mất kết nối giữa kỳ vọng và một thực tế là lần đầu tiên trong lịch sử đàn ông - phụ nữ đang phải cạnh tranh để có việc làm.
Tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc tương đối thấp, dưới 4%, nhưng tỷ lệ này cao hơn đáng kể đối với những người ở độ tuổi 20. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới mang lại cho phụ nữ lợi thế trên thị trường lao động, tức họ có thể đi làm và tích lũy kinh nghiệm sớm hơn nam giới, ít nhất là 18 tháng đến 2 năm. Phụ nữ đáp lại thực tế này bằng dữ liệu về chênh lệch lương giữa 2 giới, lớn nhất trong khối các quốc gia OECD ở mức 31%.
“Trong suy nghĩ của phụ nữ, trước đây, họ chỉ là một phần rất nhỏ trong chiếc bánh, như thế này”, Cho nắm ngón cái và ngón trỏ sát vào nhau. “Bây giờ họ đang ngày càng mở rộng, từng chút một. Nó vẫn còn rất nhỏ so với phần của nam giới. Nhưng đàn ông có vẻ đang thua cuộc”.
Trước đây, Cho Jung-min luôn có kế hoạch kết hôn vào năm 23 tuổi. Mẹ cô lấy chồng từ khi còn trẻ và sinh cô ở tuổi 22. Cho thích có một người mẹ trẻ; hai người sẽ có thể xem cùng một chương trình truyền hình và hâm mộ cùng một ca sĩ. “Tôi muốn làm điều tương tự cho con mình”, Cho nói.
Nhưng vào năm 18 tuổi, cô đã đề cập kế hoạch kết hôn của mình với một người bạn. Để rồi, cô nhận lại một câu hỏi: “Vậy thì tại sao bạn lại phải vất vả học tập và nỗ lực vào đại học như vậy?”. Đó là câu hỏi hay, Cho nghĩ. “Nó đã tạo ra bước ngoặt trong cuộc đời của tôi”, Cho khẳng định. Thế nên, Cho hiện 32 tuổi và... vẫn độc thân.
Cho từng học tập và làm việc ở Pháp trong nhiều năm, nhưng đại dịch Covid-19 khiến cô quyết định trở về quê hương. Cô hiện là chiến lược gia cho một nhà bán lẻ đồ điện tử cao cấp. Cho bận rộn với công việc đến mức một ngày làm nhiều khi kéo dài đến 10 hoặc 11 giờ tối.
2 năm qua, Cho cũng có 4-5 lần hẹn hò nhưng thất bại vì gặp phải những người đàn ông gia trưởng. Cho không nói với họ rằng mình là một nhà nữ quyền. Mẹ của Cho đã cảnh báo cô không nên phản ứng gay gắt với họ, vì bà lo sợ có thể gây nguy hiểm cho cô.
Khi được hỏi tại sao Cho nghĩ rằng giới trẻ Hàn Quốc đang dần "sợ" việc hẹn hò, Cho ngay lập tức đưa ra vấn đề an toàn về thân thể. “Ngày nay, có rất nhiều bạo lực khi hẹn hò, vì vậy chúng tôi bắt đầu cảm thấy rất sợ hãi”, cô nói.
Năm 2016, một người đàn ông 34 tuổi đã sát hại một phụ nữ trong nhà vệ sinh công cộng gần ga tàu điện ngầm Gangnam ở Seoul. Mặc dù anh ta nói rằng anh ta cảm thấy tức giận vì những người phụ nữ phớt lờ anh ta, nhưng cảnh sát kết luận do hung thủ mắc bệnh tâm thần. Đây là một sự kiện "mầm mống" khiến nhiều phụ nữ trẻ Hàn Quốc càng rụt rè với chuyện hẹn hò, yêu đương.
Thật vậy, một cuộc khảo sát năm 2016 của Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc cho thấy 62% phụ nữ đã từng bị người yêu bạo hành, bao gồm cả lạm dụng tình cảm, thể chất và tình dục, cũng như một loạt các hành vi kiểm soát khác. Năm 2017, trong một nghiên cứu trên 2.000 nam giới, gần 80% cho biết họ đã từng có hành vi ngược đãi về mặt tâm lý hoặc thể chất đối với người yêu.
Cách đây không lâu, Cho đang ngồi trên xe buýt chờ xuống bến thì một chiếc SUV tấp vào lề. Một người đàn ông xuống xe và bắt đầu ném bóng bowling ra đường. Một người phụ nữ trèo ra sau anh ta, khóc và la hét. Gã đàn ông bắt đầu đánh đập cô gái. Cho lập tức gọi cảnh sát. “Tôi nghĩ nó chỉ có trên TV. Tôi nhận ra rằng điều đó cũng có thể xảy ra với tôi”.
Nhiều phụ nữ nói rằng tuổi thơ của họ đánh dấu bằng bạo lực gia đình và họ sợ bị tổn thương bởi những người mình yêu.
Meera Choi, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Yale, đang nghiên cứu về bất bình đẳng giới và những thay đổi trong cách hình thành gia đình ở Hàn Quốc - điều mà cô gọi là “cuộc khủng hoảng dị tính”.
Khi phóng viên bày tỏ sự ngạc nhiên về mức độ phổ biến của những nỗi sợ hãi hẹn hò tương tự như Cho, Meera ước tính rằng 20 trong số 40 phụ nữ mà cô phỏng vấn gần đây về những vấn đề này đã từng bị bạo lực gia đình hoặc khi hẹn hò.
Lối sống gia trưởng và phân biệt giới tính đã ám ảnh những ký ức đầu tiên trong tuổi thơ của nhiều phụ nữ. Một số người lớn lên với những bữa cơm nguội lạnh khi phải đợi tất cả những người đàn ông trong gia đình ăn xong mới ngồi xuống ăn đồ thừa. Họ phải chứng kiến cha mẹ của họ yêu thương các anh em trai của mình hơn. Họ bị bố đánh đập hoặc bị quấy rối tình dục ở trường. Rồi đến khi trưởng thành và đi phỏng vấn xin việc, câu hỏi đầu tiên họ nhận được là về tình trạng hôn nhân.
Cuốn tiểu thuyết "Kim Ji-young, Sinh năm 1982", kể về chủ nghĩa phân biệt giới tính đặc trưng cho cuộc sống của một phụ nữ Hàn Quốc từ thời thơ ấu cho đến khi làm mẹ, đã bán được hơn một triệu bản và được dựng thành phim nổi tiếng.
Kim Jo-eun, một nhà xã hội học nghiên cứu về giới tính và nhân khẩu học tại Trường Quản lý và Chính sách Công KDI, ở Sejong, đã nhận thấy lượng tìm kiếm trên Google về chủ nghĩa nữ quyền và ghét phụ nữ tăng mạnh sau vụ giết người ở Gangnam. Tìm kiếm về chủ nghĩa nữ quyền đã tăng trở lại vào năm 2018, khi phong trào #MeToo ở Hàn Quốc bắt đầu.
Kim Jo-eun tin rằng sự ngờ vực và thậm chí thù hận giữa phụ nữ và nam giới là chìa khóa để hiểu được lý do tỷ lệ sinh đang giảm ở Hàn Quốc. Cô cho rằng tỷ lệ sinh giảm không phải đơn thuần là việc phụ nữ giảm số lần sinh con. "Sự thật là họ không muốn có mối quan hệ với đàn ông ở Hàn Quốc thôi", cô nói.
Nam giới cũng đầy áp lực
Nếu phụ nữ Hàn Quốc bực bội trước những kỳ vọng của đàn ông về họ, thì xét theo chiều ngược lại, cũng đúng. Đàn ông cũng áp lực không kém.
Nam giới vẫn được cho là trụ cột gia đình. Họ làm việc trung bình nhiều hơn 5 giờ mỗi tuần so với phụ nữ - 40,6 giờ so với 35,2 giờ. Nhiều người Hàn Quốc vẫn kỳ vọng người đàn ông hoặc gia đình anh ta sẽ mua nhà cho đôi trẻ mới cưới, ngay cả khi cả 2 người đều có sự nghiệp. Thật vậy, một nghiên cứu cho thấy thu nhập của cha mẹ là một yếu tố dự đoán mạnh mẽ về việc một người đàn ông sẽ có thể kết hôn hay không, nhưng không ảnh hưởng đến tỷ lệ kết hôn đối với phụ nữ.
Ha Jung-woo (31 tuổi) cao ráo, đẹp trai, với nụ cười ấm áp và cách cư xử hoàn hảo, là kiểu người mà hầu hết các cô gái độc thân đều ao ước. Anh theo học Đại học Texas ở Austin và có một mối quan hệ nghiêm túc ở đó, với một sinh viên người Mỹ gốc Hàn. Sau khi họ chia tay và anh chuyển nhà, anh gặp một người phụ nữ khác ở đây. Họ nhanh chóng tìm được nhiều điểm chung. Đến nỗi mà, nếu xem một bộ phim cùng nhau, họ sẽ khóc vì những điều giống nhau, và nếu họ đang đọc tin tức, họ sẽ tức giận vì những điều giống nhau. Anh thích cô vì hay cười.
Năm 2021, họ đính hôn. Ngày đã định, địa điểm đã đặt. Cả hai bên gia đình đã thống nhất sẽ cùng nhau giúp mua cho cặp vợ chồng mới cưới một căn hộ; gia đình bên nhà gái sẽ trả 30% giá trị căn nhà, Ha Jung-woo 20% và bố anh chịu trách nhiệm trả 50% còn lại. Nhưng sau đó công việc kinh doanh của bố anh gặp phải khó khăn và ông chỉ có thể góp 30%. Ha Jung-woo rất vui khi được vay tiền nhờ có một công việc ổn định. Nhưng anh nói rằng khi hay tin bố anh kinh doanh thất bại, gia đình vị hôn thê của anh hoảng sợ và cô đã hủy bỏ hôn ước.
Ha bị sốc. Anh hỏi cô: “Đó là quyết định của em hay quyết định của bố mẹ em?”. Khi cô nói đó là quyết định của mình, anh chấp nhận từ bỏ.
Yoon Jun-seok đang học năm thứ hai chương trình kết hợp thạc sĩ và tiến sĩ, chương trình kỹ thuật điện tại trường đại học danh tiếng Hàn Quốc. Yoon có rất ít bạn nữ và chưa bao giờ có bạn gái. Anh không cảm thấy rằng hẹn hò là “cần thiết”. Ở tuổi 25, ưu tiên duy nhất của anh là hoàn thành bằng tiến sĩ, sẽ mất 5 hoặc 6 năm nữa, sau đó kiếm một công việc ổn định.
Vào thời điểm đó, anh sẽ khoảng 32 tuổi. Và chỉ khi đó, anh mới nghĩ rằng mình có thể hẹn hò. “Nếu tôi có thể kết hôn, thì có lẽ tôi thích ở độ tuổi từ 35 đến 40”, anh nói. “Nuôi con ở Hàn Quốc rất tốn kém”.
Trong một cuộc khảo sát năm 2020 với 1.000 người Hàn Quốc ở độ tuổi 30, hơn một nửa số nam giới không muốn kết hôn cho rằng những lo lắng về tài chính là do dự chính của họ; 1/4 phụ nữ cho biết họ “hạnh phúc khi sống một mình”, trong khi 1/4 khác cho rằng “văn hóa gia trưởng và bất bình đẳng giới” là rào cản chính ngăn họ tiến đến hôn nhân.