pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phụ nữ Hàn Quốc và phong trào "đình công sinh nở" để tránh áp lực xã hội
Phong trào "đình công sinh nở" ở Hàn Quốc
Dù là người được kỳ vọng sẽ giúp tăng tỷ lệ sinh nở ở phụ nữ, nhưng bà Chung cũng hiểu rõ những khó khăn mà phụ nữ nước này đang phải gánh chịu. Ngay cả chính bản thân bà cũng chọn sự nghiệp thay vì hôn nhân, và tương tự như thế, hàng triệu phụ nữ trẻ đã cùng nhau “từ chối" quyền làm mẹ trong một phong trào mang tên “đình công sinh nở".
Một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2022 cho thấy có tới 65% phụ nữ không muốn có con, trong khi tỷ lệ này ở nam giới chỉ khoảng 48%. Họ đang cố gắng tránh xa hôn nhân, hay cụ thể là những áp lực mà cuộc sống vợ chồng mang lại, chính vì thế mà nhiều người cũng gọi phong trào này là “đình công hôn nhân", theo The New York Times.
Rõ ràng, xu hướng này đang đẩy Hàn Quốc vào tình thế nguy hiểm. Ba năm liên tiếp, quốc gia này ghi nhận tỷ lệ sinh nở thấp nhất thế giới, với số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trung bình sinh ít hơn 1 con. Thậm chí, tình trạng này đã đạt đến “điểm chết" khi số ca tử vong nhiều hơn số trẻ em được sinh ra vào năm 2020.
Giờ đây, khoảng một nửa trong số 228 thành phố, quận và huyện của Hàn Quốc có nguy cơ mất đi rất nhiều dân cư. Các trường mẫu giáo đang dần được thay thế bằng các viện dưỡng lão, các phòng khám sản phụ khoa dần đóng cửa, và các nhà tang lễ đang mở ra nhiều hơn.
Tại trường tiểu học Seoksan ở huyện Gunwi, số học sinh đã giảm từ 700 xuống chỉ còn vỏn vẹn 4 người. “Vào lần cuối tôi đến thăm, những đứa trẻ còn không đủ để thành lập một đội bóng", Hawon Jung, nhà báo của tờ The New York Times chia sẻ.
Nguyên nhân khiến người trẻ từ chối lập gia đình và sinh con
Thanh niên Hàn Quốc có những lý do chính đáng để không lập gia đình, bao gồm chi phí nuôi dạy con cái cao ngất ngưởng, không có đủ điều kiện để mua nhà cửa, việc làm bấp bênh và quỹ thời gian hạn hẹp. Nhưng đối với phụ nữ, nguyên nhất lớn nhất là vì họ đã quá chán ngán với những kỳ vọng bất khả thi mà xã hội truyền thống đang áp đặt lên những người mẹ.
Theo những biểu ngữ đã thấy, tác giả bài viết cho rằng việc phụ nữ Hàn Quốc từ chối sinh nở là một hành động trả đũa.
“Đình công sinh con là sự trả thù của phụ nữ đối với một xã hội đã đặt ra gánh nặng quá sức chịu đựng và không tôn trọng chúng tôi", Jiny Kim, nhân viên văn phòng 30 tuổi cho hay.
Để giảm thiểu tình trạng này, cách duy nhất là làm sao cho cuộc sống trở nên công bằng và an toàn hơn với những người phụ nữ.
Hàn Quốc trước đây cũng từng trải qua một cuộc khủng hoảng nhân khẩu không thể tưởng tượng được. Vào cuối những năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ có 6 người con. Nhưng để theo đuổi sự phát triển kinh tế, nhà nước đã thực hiện chiến dịch kiểm soát dân số.
Trong 20 năm tiếp theo, phụ nữ sinh ít hơn 2 con, và số lượng vẫn tiếp tục giảm. Đến quý III năm 2022, tỷ lệ sinh chỉ nằm ở mức 0,79.
Hiển nhiên điều khiến chính phủ nước này vô cùng lo lắng khi tỷ lệ sinh đang tiến ngày càng gần đến con số 0. Trong 16 năm, 280 nghìn tỷ KRW đã được rót vào những chương trình khuyến khích sinh sản, chẳng hạn như trợ cấp hàng tháng cho gia đình có con tuổi sơ sinh.
Bất chấp những nỗ lực đó, câu trả lời của người phụ nữ vẫn là không. Con đường để thoát khỏi những chuẩn mực giới tính ngột ngạt là vô cùng gian truân. Người phụ nữ đã kết hôn phải gánh vác phần lớn việc nhà và chăm sóc con cái, khiến họ mệt mỏi đến mức phải từ bỏ cả sự nghiệp riêng.
Không dừng lại ở đó, ngay cả sự phân biệt đối xử với những người mẹ trẻ trong môi trường làm việc cũng phổ biến một cách vô lý. Tiêu biểu là trường hợp một nhà sản xuất sữa bột trẻ em hàng đầu quốc gia bị buộc tội ép nhân viên nữ nghỉ việc sau khi mang thai.
Bình đẳng giới là phương pháp bền vững để giải quyết mối nguy
Phụ nữ không tiếp nhận sự áp bức một cách thụ động, họ đã phản kháng bằng những cách thức rầm rộ, từ phong trào MeToo thành công nhất Châu Á cho đến việc tập hợp các nhóm “4 không": Không hẹn hò, không tình dục, không kết hôn và không nuôi dạy con cái.
Nhiều quốc gia đang áp dụng chế độ phân công chăm sóc trẻ em không cân xứng hoặc thiếu chế độ nghỉ phép dành cho cha mẹ, khiến cho tỷ lệ sinh nở giảm mạnh. Ngược lại, những quốc gia như Thuỵ Điển hoặc Pháp lại thành công trong việc ổn định và tăng tỷ lệ sinh nhờ vào chính sách gia đình tốt, đồng thời nam giới cũng được giáo dục để ý thức trách nhiệm của mình trong việc nuôi dạy con cái.
Theo dự đoán của Liên Hợp Quốc, dân số 51 triệu người của Hàn Quốc sẽ giảm chỉ còn một nửa trước khi thế kỷ kết thúc. Để tỷ lệ sinh không còn là một nỗi đe dọa, phương pháp hiệu quả và bền vững nhất chính là giảm áp lực và định kiến xã hội lên người phụ nữ.