Hàn Quốc sẽ truyền hình trực tiếp tuyên án cựu Tổng thống Park Geun Hye
04/04/2018 - 13:12
Tòa án Seoul vừa ra phán quyết cho phép truyền hình trực tiếp buổi tuyên án đối với cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye dự kiến chiều 6/4. Phía công tố viên đề nghị mức án 30 năm tù với 21 cáo buộc hình sự.
Căn cứ vào mức độ quan tâm rất lớn của công luận, Tòa án Seoul đã ra phán quyết cho phép truyền hình trực tiếp buổi tuyên án đối với cựu Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye (66 tuổi). Các công tố viên đã đề nghị án tù 30 năm và mức phạt 118,5 tỉ won (110 triệu USD) với bà Park do có nhiều bê bối tham nhũng.
Bà Park Geun Hye bị phế truất từ tháng 3/2017 và bị giam giữ trong gần một năm qua. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các công tố viên cho rằng đã hiện hữu mối liên hệ rất phức tạp giữa chính trị và doanh nghiệp đi kèm với những bê bối tham nhũng, biển thủ, lạm dụng quyền lực, làm rò rỉ bí mật nhà nước, dung túng cho bạn thân can thiệp nội chính… gây chấn động. Bà Park sẽ phải đối mặt với 21 cáo buộc hình sự.
Bà Park bị cáo buộc đồng lõa với người bạn thân lâu năm Choi Soon-sil (62 tuổi) tống tiền với số tiền lên tới 59,2 tỷ won (55,2 triệu USD) từ các tập đoàn lớn của Hàn Quốc như Samsung, Lotte và SK để đổi lại các ưu đãi kinh doanh.
Bà cũng bị nghi đã để cho người bạn thân của mình can thiệp các công việc nhà nước, tiếp cận các tài liệu mật của chính phủ dù không có chức danh phù hợp cũng như không có quyền miễn trừ an ninh. Ngày 13/2, Tòa án Seoul đã tuyên phạt bà Choi Soon-sil 20 năm tù giam và phải nộp phạt 18 tỷ won (16,6 triệu USD).
Văn phòng công tố Quận Trung tâm Seoul cũng đưa ra cáo buộc bà Park Geun-hye vi phạm luật bầu cử bằng việc bí mật cấp tiền và hỗ trợ cho các hoạt động chuẩn bị tranh cử của các đồng minh chính trị trước cuộc tổng tuyển cử năm 2016. Theo luật pháp Hàn Quốc, một tổng thống đang tại vị không được phép can dự vào các hoạt động liên quan đến bầu cử. Luật cũng quy định chủ nhân Nhà Xanh chỉ có thể nắm quyền trong một nhiệm kỳ.
Cơ quan công tố cho biết đã cáo buộc bà Park Geun-hye vi phạm luật bầu cử do tình nghi có liên quan đến việc tiến hành 120 cuộc thăm dò ý kiến vận động bầu cử tại hai "thành trì" của phe bảo thủ là Gangnam, phía Nam thủ đô Seoul và tại Daegu trước cuộc tổng tuyển cử ngày 13/4/2016.
Các công tố viên cho rằng cuộc thăm dò trên được tiến hành theo lệnh của Chính phủ Tổng thống Park Geun-hye nhằm ghi lại danh sách các nhân vật được cho là ủng hộ bà để đề cử làm ứng cử viên tranh cử vào cơ quan lập pháp nhằm củng cố quyền lực của tổng thống.
Các công tố viên cũng đã đưa ra thêm nhiều cáo buộc bà Park tội danh nhận hối lộ và biển thủ liên quan vụ bê bối quỹ của cơ quan tình báo quốc gia (NIS). Theo cơ quan công tố Hàn Quốc, bà Park đã nhận của NIS 200 triệu won/tháng và tổng số tiền mà bà nhận của NIS trong thời gian tại nhiệm từ tháng 5/2013 đến tháng 9/2016 lên tới 3,65 tỷ won (tương đương 3,43 triệu USD).
Bà Park bị cáo buộc đã dành khoản tiền này cho các hoạt động như chi trả cho các dịch vụ trị liệu thẩm mỹ đắt tiền và dùng một điện thoại bí mật để liên hệ với một người bạn thân Choi Soon-sil trong tâm điểm của bê bối tham nhũng. Họ còn nghi rằng bà đã dùng một số quỹ NIS trái phép để trang trải cho các cuộc thăm dò trên. Trước đó, các công tố viên cũng đã cáo buộc 2 cựu thư ký của bà Park Geun-hye biển thủ liên quan đến các cuộc thăm dò dư luận trái phép này. Một quan chức NIS cấp cao phụ trách ngân sách khi đó cũng sẽ phải ra hầu tòa do làm thất thoát quỹ công liên quan đến hoạt động chính trị trái phép này.
Điều đặc biệt khác là vụ chìm phà Sewol năm 2014 khiến hơn 300 người thiệt mạng đã khiến công chúng Hàn Quốc căm phẫn vì chính quyền bà Park đã cố ý làm giả thông tin để "phù phép" khoảng thời gian 45 phút từ khi bà Park nhận tin đến khi có chỉ đạo, thành 15 phút. Điều này khiến dư luận tức giận vì tổng thống phản ứng quá chậm. Ngoài ra, sự thiếu thông tin về việc Park đang ở đâu, làm gì lúc đó cũng làm dấy lên nhiều lời đồn và giả thiết như bà đã đi làm tóc, phẫu thuật thẩm mỹ hoặc tham gia nghi lễ của một giáo phái khi tai nạn chìm phà diễn ra.
Mặt khác, việc chỉnh sửa “Chỉ thị cơ bản về quản lý nguy cơ quốc gia” thuộc “Sắc lệnh số 318 của Tổng thống” được xem là hành vi làm sai lệch nội dung văn bản của cơ quan nhà nước và lạm dụng chức quyền. Cả 2 cựu giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Kim Jang-soo và Kim Kwan-jin bị cáo buộc thay đổi mà không thông qua tiến trình pháp lý một số phần trong hướng dẫn xử lý khủng hoảng quốc gia để rũ bỏ trách nhiệm cho bà Park và chính phủ.