Theo báo cáo nhanh của các tỉnh, thành miền Trung, nơi bão số 10 đi qua là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên – Huế, làm thiệt hại rất lớn với hàng trăm nghìn căn nhà bị hư hại, gãy đổ nhiều cây xanh và các công trình. Dù bão đã đi qua, nhưng các tỉnh ven biển Miền Trung vẫn đang mưa rất to.
Tại Thừa Thiên - Huế, báo cáo bước đầu cho hay toàn tỉnh có 260 nhà bị tốc mái trong đó: Huyện Phong Điền 35 nhà (xã Phong Chương 35 nhà); Thị xã Hương Thủy 210 nhà (phường Thủy Phương 100 nhà, Thủy Dương 100 nhà, Thủy Thanh 10 nhà); thành phố Huế 15 nhà (An Đông 15 nhà). Về sản xuất, huyện Phú Vang có 63 ha nuôi trồng thủy sản hạ triều bị ngập. Sạt lở bờ biển dài khoảng 700m, sâu từ 5-10m, đoạn qua thôn Hải Thành, thị trấn Thuận An.
Một số tuyến tuyến đường Tôn Đức Thắng, Bà Triệu, Hùng Vương (thành phố Huế)... bị ngập úng từ 0,2 - 0,25m; nhiều cây xanh lâu năm trên địa bàn thành phố Huế và thị xã Hương Thủy bị gãy đổ.
Mưa bão cũng khiến ít nhất 2 người thương vong ở TT-Huế. Cụ thể, ông Ngô Văn Hiền (39 tuổi, trú tại thôn Lưu Hiền Hòa, xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền) đi chăm sóc cây cao su trên đường về qua sông Ô Lâu bị nước cuốn, tử vong. Nạn nhân khác là cháu Nguyễn Thị Như Ý 3 tuổi, ở tại Phong Chương bị thương do lốc xoáy làm tốc mái nhà, ngói rơi vào đầu.
Tại Nghệ An: Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão tỉnh Nghệ An, bão số 10 vào Nghệ An gió cấp 6 - 7, giật cấp 8 - 9, riêng đảo Ngư (Cửa Lò) gió giật cấp 11. Thống kê đến thời điểm hiện tại, có 1 người chết, 1 người bị thương, 210 nhà ở Cửa Lò, Nghi Lộc bị tốc mái.
Thông tin từ Chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Địa phương đã di dời khoảng gần 300 người dân đến nơi an toàn. Một số tuyến đê biển bị nước tràn qua gây ngập úng cục bộ ở các phường như Quỳnh Phương, Quỳnh Lập và Quỳnh Xuân… Địa phương đang tích cực di dời dân, tài sản ra những vùng nguy hiểm. Nước biển cũng đang dâng rất cao.
Chính quyền địa phương cũng đang khẩn trương triển khai các phương án di dời người dân đến nơi an toàn. Đồng thời triển khai các phương án ứng cứu tại những vị trí xung yếu, trước nguy cơ vỡ đê.
Cùng với đó, phân công lực lượng di dời 600 người dân đến các địa điểm an toàn như nhà văn hóa xã, thôn để tránh trú. Hiện toàn huyện Quỳnh Lưu có 750 hộ với 3.200 người ở các xã Quỳnh Long, Sơn Hải, Quỳnh Thọ, An Hòa... đã được di dời đến nơi an toàn.
Trên địa bàn thị xã Cửa Lò, Cửa Hội nước biển cũng dâng cao khiến nhiều tuyến đường bị ngập. Hàng quán của người dân cũng bị hư hỏng nặng do bão. Trên địa bàn TP Vinh một số tuyến đường cũng bị ngập do mưa lớn.
Tại Quảng Trị. Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể. Dù không phải là địa bàn nơi tâm bão đi qua, tuy nhiên, tỉnh Quảng Trị cũng bị ảnh hưởng lớn do bão số 10 gây ra.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, cho biết, đối với nhà bị tốc mái, tỉnh Quảng Trị sẽ hỗ trợ 2 đến 3 triệu đồng/hộ. Riêng đối với các vườn cao su, ông Chính cho biết sẽ cho xem xét nếu phục hồi được thì phục hồi, bằng không sẽ cho trồng mới.
Hiện lượng mưa đo được trên địa bàn vì thế cũng rất lớn, cụ thể: tại Cửa Việt là 377 mm, Đông Hà 333 mm, Cam Chính (huyện Cam Lộ) là 327,8 mm, Hải Thái (huyện Gio Linh) là 311,8 mm, Vĩnh Khê (huyện Vĩnh Linh) là 303,8 mm.
Tại Quảng Bình: Bão số 10 đã khiến 2 cổng chào ở trung tâm TP Đồng Hới đổ sập hoàn toàn. Được biết, đây là công trình được tỉnh Quảng Bình mới đầu tư giữa năm 2016 để phục vụ cho lễ hội du lịch của tỉnh. Hệ thống công trình này lên đến nhiều tỷ đồng.
Hiện tại, các lực lượng chức năng đang rất khẩn trương tháo dỡ để giải tỏa giao thông.
Tính đến 15h ngày 15/9, theo thống kê của các cơ quan chức năng, do ảnh hưởng của bão số 10, tỉnh Quảng Bình đã có hơn 49.000 ngôi nhà bị tốc mái, 1 người chết, 6 người bị thương. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1.800 tỷ đồng.
Người thiệt mạng trong bão là ông Nguyễn Văn H. (SN 1967, trú xã Quảng Minh, thị xã Ba Đồn). Huyện Tuyên Hóa có 2 người bị thương và Bố Trạch có 4 người bị thương.
Tại Hà Tĩnh: Số liệu báo cáo nhanh về thiệt hại từ Ban phòng chống thiên tai tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh đã có hàng ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đổ sập, hàng ngàn ha hoa màu bị hư hỏng, ngập úng, nhiều trường học bị tốc mái… 2 địa phương bị ảnh hưởng nặng nề là Cẩm Xuyên và Kỳ Anh.
Tại huyện Cẩm Xuyên có 169 nhà bị tốc mái và ngập 19 thôn cụ thể: Xã Cẩm Nhượng: Hiện ngập toàn xã (9 thôn) có gập hơn 2.400 nhà dân, nước đã dâng lên ngập 60-70cm nhà dân và tiếp tục dâng cao do ảnh hưởng của bão; Xã Cẩm Hòa; ngập 02 thôn Bắc Hòa, Phú Hòa khoảng 300 hộ nước bắt đầu vào nhà; Xã Cẩm Dương; ngập 01 thôn Sông Yên khoảng 100 hộ, nước ngập đường 30-40cm…
Tại huyện Kỳ Anh: Hơn 23.000 nhà dân bị tốc mái và có 9 thôn bị ngập, cụ thể: Xã Kỳ Hải có 5 thôn với 1.089 hộ nước đã vào nhà từ 20-50cm; Xã Kỳ Hưng ngập 4 thôn với khoảng 350 hộ dân trong đó thôn Trần Phú khoảng có khoảng 150 hộ dân nước vào nhà từ 60-70cm.