Cho con du học để thoát stress
Với vị trí quản lý nhãn hàng cho một thương hiệu hóa mỹ phẩm lớn, thu nhập của chị đủ cho hai mẹ con sống nhẹ nhõm, thoải mái. Mặc dù đã cho con học trường quốc tế. Mặc dù đã sống trong 1 căn hộ chung cư kín đáo nhưng sự dòm ngó, bình phẩm, thương hại cuộc sống... hai mẹ con chị của nhiều người xung quanh vẫn gây áp lực cho chị. Chị quyết định cho con đi du học khi vừa học xong lớp 10, còn mình đi theo con, may là được bạn bè giới thiệu tìm được luôn việc mới.
Sau hơn 1 năm, cuộc sống của hai mẹ con ở Quebec (Canada) ổn định dần. Con trai chị thích ứng với hoàn cảnh mới khá nhanh. Con luôn dẫn đầu ở lớp học, mỗi ngày một thêm chững chạc, trưởng thành. Công việc mới của chị cũng khá ổn, thu nhập tốt, là một mảng chị muốn khám phá.
Tuy nhiên, niềm vui nhường chỗ cho nỗi lo. Một hôm giải quyết xuất sắc công việc, chị được thưởng về sớm. Bước vào căn hộ của hai mẹ con, chị cảm thấy có một mùi ngái, nồng, khó chịu. Chị cuống cuồng đi kiểm tra khắp nơi xem có bị chập cháy điện chỗ nào không. Nhưng không có gì, chỉ thấy con trai đang ngủ trong phòng, bên cạnh là cái điếu bát hút thuốc phiện. Cái mùi kia ở đây phát ra. Chị gần như lập tức đánh thức con dậy, dồn dập hỏi xem con dùng cái gì. Và sự bình thản trả lời của con khiến chị ngỡ ngàng.
Cuộc chiến tâm lý với con trai
Kinh nghiệm mấy năm làm mẹ đơn thân đã cho chị sự cân bằng đáng kinh ngạc. Chị chỉ khuyên con vài câu, đưa ra vài câu hỏi để con tìm phương án trả lời rồi lặng lẽ đóng cửa phòng con lại. Chị vào mạng tra thông tin về thuốc, tìm hiểu về sự cho phép sử dụng, những công dụng, tác hại và gây nghiện của nó. Mỗi ngày, chị chỉnh sửa 1 đoạn thông tin ngắn gọn, dễ hiểu rồi gửi cho con.
Chị đi tìm 1 bác sĩ tâm lý học đường có uy tín để tham vấn trực tiếp cho con. Mỗi tuần 2 buổi, con được bác sĩ tâm lý gặp gỡ, trò chuyện, chia sẻ các thông tin để biết rõ những điều con tin tưởng, con đã lún sâu đến đâu, con mong muốn điều gì, con đã biết và dùng loại này qua nguồn nào, con dự định thế nào trong thời gian tới...
Vừa lắng nghe con nói, vừa đưa thông tin mới mẻ, khách quan tới cho con, bác sĩ tâm lý đã làm được một việc tốt hơn chị, giúp con tiếp nhận mọi chuyện, không chống đối, không để cái tôi cá nhân chi phối câu chuyện.
Chị đăng ký cho con tham gia nhiều hoạt động du lịch đến những vùng phát triển ở châu Âu. Giá trị lịch sử, nghệ thuật của các vùng đất, các di tích gắn với sự phát triển hiện đại mở ra trước mắt con ý thức về việc giữ gìn những giá trị tốt đẹp của truyền thống gia đình, tầm quan trọng của từng thành viên trong gia đình, những tác động, ảnh hưởng xấu của một nhân vật trong gia đình dính đến tệ nạn xã hội...
Chị lên kế hoạch gặp gỡ bạn bè của con để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của những đứa trẻ lứa này, điều gì tác động đến con nhiều nhất, những người bạn cùng có khuynh hướng sử dụng thuốc như con. Rồi chị gặp nhà trường, cùng con phối hợp tổ chức các hoạt động xã hội như giúp đỡ các trại dưỡng lão, trẻ mồ côi, chăm sóc vật nuôi thất lạc hoặc chó hoang, quyên góp quỹ ủng hộ bệnh nhân ung thư, thần kinh...
Dường như thực tế cuộc sống tác động mạnh đến con, làm cho các con có nhiều thay đổi trong suy nghĩ, tình cảm. Lần đầu tiên con cảm thấy bối rối, lo lắng khi gặp các bệnh nhân tâm thần, hoàn toàn không làm chủ được suy nghĩ, hành vi của mình.
Chị cũng gặp gỡ các cha mẹ của bạn con. Từ những gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, mối quan hệ giữa các gia đình gần gũi, gắn bó hơn. Các con biết chủ động hỗ trợ, giúp đỡ nhau trong những lúc cần thiết, biết chăm sóc người ốm, ông bà, biết làm vườn, thu hoạch sản phẩm nông sản, biết đưa ra các nhận xét về các vấn đề còn tồn tại ở mỗi gia đình. Gần như không cần phải nói với con về những điều được-mất của mỗi chuyện, kể cả việc hút thuốc của con.
Chị cảm thấy mình thật may mắn vì con đã nói với mẹ muốn được đi bệnh viện để có thể chủ động cai nghiện.