Hành trình vươn lên thoát nghèo từ "thông tin số"

An Khê
21/04/2025 - 17:30
Hành trình vươn lên thoát nghèo từ "thông tin số"

Chị Hái trong một buổi livestream bán hàng

Từ một người phụ nữ nghèo sống tại vùng sâu, vùng xa của tỉnh Phú Thọ, chị Hà Thị Hồng Hái (SN 1980) đã từng bước thoát nghèo, ổn định cuộc sống và mở rộng mô hình kinh tế hộ gia đình nhờ tiếp cận thông tin đúng cách.

Câu chuyện của chị là minh chứng sinh động cho sức mạnh của chuyển đổi số và việc "giảm nghèo thông tin" khi người dân biết khai thác, vận dụng kiến thức phù hợp để thay đổi cuộc sống. 

PNVN đã có cuộc trao đổi chị Hà Thị Hồng Hái, sinh sống tại xóm Mật 2, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, về hành trình vượt khó đầy cảm hứng này.

Hành trình vươn lên thoát nghèo từ "thông tin số"- Ảnh 1.

Chị Hà Thị Hồng Hái đã truyền cảm hứng thoát nghèo cho nhiều chị em địa phương

+ Xin chị chia sẻ rõ hơn về hoàn cảnh của bản thân và gia đình trước khi bắt đầu làm kinh tế?

Văn Miếu là xã vùng 1 nằm cách trung tâm huyện hơn 18km, địa hình đồi núi, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số. Địa bàn chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Kinh, trong đó dân tộc Mường chiếm 75%, dân tộc Dao 3%, dân tộc Kinh 22%. Toàn xã hiện có 14 khu dân cư, trong đó có 5 khu dân cư đặc biệt khó khăn.

Cũng như nhiều hộ gia đình khác, trước đây, hoàn cảnh gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, điều kiện sản xuất lạc hậu, chủ yếu dựa vào kinh nghiệm truyền thống, chưa tiếp cận được thông tin mới nên thu nhập rất bấp bênh. Việc tiếp cận với công nghệ, kỹ thuật hay các chính sách hỗ trợ gần như không có, bởi vùng này vốn là khu vực đặc biệt khó khăn của huyện.

Thời gian qua, Hội LHPN xã, huyện, tỉnh đã thực hiện nhiều chương trình tập huấn, hỗ trợ nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi tư duy thời kinh tế số. Qua tập huấn đã giúp phụ nữ dân tộc thiểu số tiếp cận và nâng cao kỹ năng sử dụng các nền tảng công nghệ. Tôi là một trong những phụ nữ được hưởng lợi từ các chương trình này và áp dụng thành công.

Hành trình vươn lên thoát nghèo từ "thông tin số"- Ảnh 2.

Chị Hái (bên phải) chọn kinh doanh thương mại điện tử bởi đó là xu thế tất yếu, đặc biệt là ở vùng nông thôn - nơi trực tiếp sản xuất các sản phẩm nông nghiệp

+ Vì sao chị chọn hướng đi này để khởi nghiệp và vươn lên thoát nghèo?

Hiện tại, tôi đang phát triển mô hình kinh doanh hộ gia đình dựa vào bán online các nông sản địa phương. Tôi đưa các sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi nhà làm lên các nền tảng như facebook, zalo để tiếp cận người tiêu dùng.

Tôi chọn hướng đi này vì nhận thấy thương mại điện tử là xu thế tất yếu, đặc biệt là ở vùng nông thôn. Các sản phẩm của địa phương rất phong phú nhưng đầu ra lại luôn là bài toán khó. Việc bán hàng trên mạng không chỉ giúp mở rộng thị trường mà còn tận dụng được lợi thế công nghệ để tăng thu nhập.

+ Trong quá trình phát triển mô hình, chị đã tiếp cận được những thông tin gì, từ đâu và đã áp dụng như thế nào vào thực tế?

May mắn là tôi được tham gia các lớp tập huấn do Hội LHPN xã và huyện tổ chức, trong đó có nội dung về chuyển giao khoa học kỹ thuật, kỹ năng sử dụng internet và đặc biệt là chuyển đổi số.

Tôi học được cách sử dụng mạng xã hội để bán hàng, biết tạo nội dung giới thiệu sản phẩm, học livestream bán hàng, tương tác với khách hàng qua zalo, facebook. Đó là bước chuyển lớn từ một người dân chưa từng nghĩ sẽ bán hàng qua mạng đến việc có thể tự tin xây dựng thương hiệu cá nhân, giới thiệu sản phẩm quê mình tới khách hàng cả trong và ngoài tỉnh.

Ngoài ra, tôi còn theo dõi thông tin thị trường, học cách đóng gói, bảo quản sản phẩm, tạo lòng tin với khách hàng. Nhờ vậy, việc kinh doanh có hiệu quả rõ rệt, thu nhập dần ổn định hơn.

Hành trình vươn lên thoát nghèo từ "thông tin số"- Ảnh 3.

Việc kinh doanh của chị Hái có hiệu quả rõ rệt, thu nhập dần ổn định hơn sau những lần tham gia hội chợ, bán hàng livestream

+ Theo chị, điều gì là yếu tố quan trọng nhất khi một người phụ nữ muốn thoát nghèo từ tiếp cận thông tin? Đó là kỹ thuật, tư duy hay động lực thay đổi bản thân?

Với tôi, cả ba yếu tố đều quan trọng nhưng quan trọng nhất là thay đổi tư duy. Nếu bản thân không muốn vươn lên, thì dù có được cung cấp bao nhiêu thông tin, kiến thức, kỹ thuật đi nữa cũng sẽ không đem lại kết quả.

Sau đó mới đến kỹ năng và công cụ hỗ trợ. Bây giờ, công nghệ rất gần gũi, nếu mình chịu khó học, chịu khó thử thì sẽ thấy nó không quá phức tạp. Tôi nghĩ rằng, phụ nữ nông thôn muốn thoát nghèo thì phải dám nghĩ khác, làm khác, dám đứng trước điện thoại để livestream, dám gửi hàng đi xa, dám thử nghiệm những cách làm mới.

+ Cuộc sống gia đình chị hiện nay đã có những thay đổi nhiều không và chị có kỳ vọng gì thêm từ các hội, đoàn thể địa phương trong thời gian tới?

Cuộc sống gia đình tôi hiện nay đã khác rất nhiều so với trước. Không chỉ thoát nghèo mà còn có thể tích lũy, nuôi con ăn học đầy đủ, có điều kiện chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Không khí trong gia đình cũng vui vẻ hơn vì ai cũng có việc làm, có động lực phấn đấu.

Tôi mong muốn trong thời gian tới, Hội LHPN và các cấp chính quyền sẽ tiếp tục mở thêm nhiều lớp tập huấn, đặc biệt là về ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ kết nối sản phẩm với các sàn thương mại điện tử. Vì hiện nay, dù có nhiều tiềm năng nhưng hàng nông sản vẫn sản xuất nhỏ lẻ, khó đưa lên sàn nếu không có hướng dẫn và liên kết cụ thể.

+ Từ kinh nghiệm thực tế của mình, chị có thể chia sẻ một vài lời khuyên cho những chị em phụ nữ khác đang còn loay hoay trên con đường thoát nghèo?

Điều quan trọng nhất là đừng ngại tiếp cận công nghệ. Nhiều chị em sợ sử dụng điện thoại, sợ lên mạng xã hội. Nhưng nếu tìm hiểu kỹ và luôn cập nhật thông tin, kỹ năng để sử dụng mạng, thiết bị công nghệ đảm bảo an toàn thì sẽ vượt qua được nỗi sợ trong môi trường số. Đồng thời sẽ tiếp thu được nhiều kiến thức bổ ích, sẽ thấy con đường phía trước luôn rộng mở để hướng tới mục tiêu mình đã đề ra.

Tôi nghĩ rằng, mỗi người phụ nữ nên chủ động học hỏi. Chị em không chỉ học ở các lớp bồi dưỡng, tập huấn mà học hỏi nhau, học qua mạng. Nếu thấy một chị livestream bán hàng thành công, hãy hỏi chị ấy cách làm. Nếu thấy một mô hình mới, hãy thử xem mình có thể áp dụng được không.

Tôi cũng rất vui khi thấy ngày càng nhiều chị em xung quanh tôi đã bắt đầu bán hàng online, biết sử dụng điện thoại thông minh để làm kinh tế. Sự lan tỏa đó là điều tôi mong đợi nhất, vì khi một người phụ nữ biết cách tiếp cận thông tin, không chỉ cuộc sống của họ thay đổi, mà cả gia đình và cộng đồng cũng đổi thay theo.

+ Xin cảm ơn chị!

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm