pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hành trình vượt lên chính mình của người mẹ khuyết tật
Chị Huệ (trái) nhận HCV bộ môn quần vợt xe lăn
Di tật ở chân khiến cuộc sống của chị Huệ không chỉ gặp khó khăn khi vận động, đau nhức xương những lúc trái gió trở trời mà chị còn gặp phải sự kỳ thị của cộng đồng. Chị Huệ chia sẻ: "Như bao đứa trẻ khác, đến tuổi đi học, tôi được bố mẹ cho tới trường, tuy nhiên trước ánh mắt dè bỉu, trêu chọc của bạn bè, tôi luôn cảm thấy mặc cảm, tự ti và mất đi ý chí để vươn lên trong học tập. Sau khi tốt nghiệp THPT, tôi quyết định không học thêm nữa. Tuy nhiên, tôi không thể xin được một công việc ổn định, phù hợp với sức khỏe của bản thân".
Chưa dừng lại ở đó, do bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ, cha của chị Huệ sức khỏe yếu dần và qua đời vào năm 2009. Điều này đã khiến chị hoàn toàn suy sụp tinh thần: "Cuối năm 2009, bố mất, khi đó tôi đã rất hụt hẫng và tủi thân, nhiều lúc tôi không thiết sống nữa. Nhưng rồi được gia đình, bạn bè động viên, tôi đã bình tĩnh lại, tự cổ vũ bản thân nỗ lực vươn lên khắc phục khó khăn và khẳng định chính mình".
Chọn làm mẹ đơn thân, con đường ấy với phụ nữ chẳng hề dễ dàng, đặc biệt là với những người khuyết tật như chị Huệ. Mỗi bước đi của chị đều nặng trĩu, khi phải gồng mình lên để vừa làm cha vừa làm mẹ.
Nói về hành trình đi tìm thiên chức làm mẹ, chị Huệ chia sẻ: "Được làm mẹ luôn là niềm hạnh phúc và mong mỏi của tôi. Tuy nhiên, gia đình tôi không ủng hộ quyết định này, vì họ không muốn tôi gặp điều tiếng, hơn thế mọi người lo rằng một người phụ nữ yếu đuối như tôi sao có thể làm trụ cột gia đình và cho con một cuộc sống tốt nhất. Nhưng trước thái độ kiên quyết của tôi, người thân, bạn bè cũng đã dần ủng hộ. Tôi chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo để sinh con, dù còn tiềm ẩn nhiều rủi ro và tốn nhiều chi phí".
"Rồi cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã đến với tôi, đầu năm 2013 tôi đã sinh được một cô con gái kháu khỉnh, đáng yêu và không bị di chứng của chất độc da cam. Đặt tên cho con là Dương Tuệ Minh, tôi mong con gái sẽ nhanh nhẹn và thông minh, tôi luôn nỗ lực để con có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, không phải tự ti vì thiếu tình thương của cha. Thời điểm đó, tôi thuộc diện hộ nghèo, khó khăn vẫn còn trước mắt nhưng vì con tôi có thể làm tất cả", chị Huệ hạnh phúc chia sẻ thêm.
Vì không muốn trở thành gánh nặng của gia đình và xã hội, chị Dương Thị Hòa Huệ đã tự mình phấn đấu, mạnh dạn phát triển kinh tế để không chỉ nuôi sống bản thân và con gái mà còn sẵn sàng giúp đỡ người cùng cảnh ngộ.
"Tôi tình cờ đọc được một bài báo về việc tăng thu nhập từ trồng rau sạch, thấy hay nên tôi cũng tìm hiểu. Trồng rau không tốn nhiều vốn nên tôi cũng mạnh dạn thử xem sao, lúc mới đầu tôi chỉ trồng một số loại rau dễ chăm sóc, giờ đây với sự giúp đỡ của người thân, tôi đã có 5 sào rau với nhiều loại khác nhau. Hiện nay, hai mẹ con tôi đã xây được một ngôi nhà, xóa hộ nghèo, bản thân tôi cũng sẵn sàng chia sẻ mô hình vườn rau sạch tới những ai có mong muốn học hỏi", chị Huệ nói.
Không thể thay đổi thế giới nhưng có thể thay đổi bản thân
Năm 2017, chị Huệ được Phòng Quản lý thể dục và thể thao tỉnh Thái Nguyên tuyển vào vị trí vận động viên khuyết tật ở bộ môn cầu lông. Mong muốn vượt lên số phận, chinh phục tất cả giới hạn của bản thân, thỏa niềm đam mê và khao khát được cống hiến chính là động lực giúp chị cố gắng, nỗ lực để theo đuổi những cuộc thi đến cùng.
Chị Huệ cho biết: "Từ năm 2017 tới nay, tôi thường xuyên tham gia những giải thi đấu thể thao người khuyết tật toàn quốc, những cuộc thi tài năng, năng khiếu của tỉnh, đất nước. Tôi đã mang vinh quang về cho bản thân mình, cũng như tỉnh Thái Nguyên khi liên tiếp đạt Huy chương Vàng, Đồng ở các giải thi đấu thể thao, đạt giải Nhất, Nhì khi tham gia những cuộc thi tài năng. Bây giờ mọi người không còn nhìn tôi bằng ánh mắt thương hại hay dè bỉu, tôi rất vui khi có thể tham gia và thể hiện bản thân trong những cuộc thi này".
Bên cạnh những giải đấu đầy nhiệt huyết, chị Huệ thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội, cống hiến và truyền nghị lực cho những người khuyết tật (NKT) đồng cảnh ngộ. Hiện chị đang là Ủy viên Ban Chấp hành hội NKT TP Thái Nguyên, Phó Chủ nhiệm CLB phụ nữ khuyết tật TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Tâm sự thêm về quan điểm sống của mình, chị Huệ nói: "Mình không thể thay đổi thế giới nhưng mình có thể thay đổi bản thân, điều quan trọng là ta phải tìm ra hướng đi đúng đắn, thích hợp để phát triển bản thân. Bác Hồ có lời dạy: "Tàn nhưng không phế", chúng tôi luôn rèn cho mình ý chí và nghị lực để vươn lên trong cuộc sống, nỗ lực thực hiện ước mơ, để không là "gánh nặng của xã hội". Bên cạnh đó, tôi thấy cần mạnh dạn phê phán những biểu hiện, hành động miệt thị, gây tổn thương đối với NKT. Có như vậy, NKT mới được bảo vệ, cuộc sống mới trở nên tốt đẹp và nhân văn hơn".