Hệ lụy xã hội từ việc rủ nhau “bùng nợ” vay tiền qua ứng dụng- Bài cuối: Nguy cơ tiền mất, tật mang

Hoàng Sa
31/10/2023 - 11:00
Hệ lụy xã hội từ việc rủ nhau “bùng nợ” vay tiền qua ứng dụng- Bài cuối: Nguy cơ tiền mất, tật mang

Một nhóm trên mạng xã hội rủ nhau “bùng nợ” vay tiền qua app và chia sẻ cách đối phó

Theo tìm hiểu của PV Báo PNVN, thành viên trong các hội, nhóm rủ nhau “bùng nợ” vay qua app đa phần là những người trong độ tuổi từ 20 đến 30.
Câu chuyện của "kẻ cắp gặp bà già"

Nhiều ứng dụng cho vay tiền đang hoạt động dưới dạng "tín dụng đen", trái pháp luật. Một số đối tượng ở nước ngoài đến Việt Nam tổ chức hoạt động cho vay khi không được pháp luật cho phép. 

Mặc dù các ứng dụng cho vay đưa ra lãi suất trong các hợp đồng cho vay thường không vượt quá 20%/năm, tuy nhiên thực tế, người đi vay sẽ phải trả thêm các loại phí như: Phí dịch vụ, phí phạt…

 Do đó, lãi suất thực tế có thể lên đến vài chục %/tháng. Khi hết kỳ hạn vay tiền, người vay sẽ chuyển trả tiền vào các tài khoản ngân hàng do các công ty cho vay trực tuyến này quản lý.

Anh Lê Văn Hùng, giám đốc một doanh nghiệp thương mại ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), chia sẻ: "Hiện tượng bùng nợ vay qua app hiện nay đang khá phổ biến. Tuy nhiên, nhiều app cho vay vẫn liên tục quảng cáo, mời gọi người vay. 

Tôi cho rằng, app cho vay với lãi suất rất cao, ví dụ, 100 khoản vay thì họ có thể bị bùng nợ 20 khoản, còn 80 khoản vay kia, họ vẫn lãi đậm bởi lãi suất rất cao, cùng nhiều khoản phí cắt cổ. Câu chuyện "lợi nhuận lớn, rủi ro nhiều" vẫn được họ tính toán đến và phần thắng chắc chắn nằm trong tay họ".

Ứng dụng cho vay hoạt động trái pháp luật, gặp những người đi vay rồi bùng nợ, chẳng khác gì câu chuyện "kẻ cắp gặp bà già" thời hiện đại.

Anh Trần Quốc Huy (ở Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Một số người chuyên vay qua app và bùng nợ app nắm bắt được việc này nên họ đã chủ động tìm mọi cách để vay tiền qua app rồi bùng nợ. Mỗi khi Công an triệt phá các app cho vay kiểu "tín dụng đen" thì rất nhiều "con nợ" của app vay này đều vô cùng phấn khởi. Họ coi như thoát nạn bị truy lùng bởi những kẻ đòi nợ".

Đa phần nhóm "bùng nợ" là người trẻ tuổi

Theo tìm hiểu của PV Báo PNVN, thành viên trong các hội, nhóm rủ nhau "bùng nợ" vay qua app đa phần là những người trong độ tuổi từ 20 đến 30. Rất hiếm khi có người lớn tuổi tham gia nhóm "bùng nợ" vay tiền qua app. 

Anh Thái Phong Hà (ở Hà Nội) chia sẻ: "Hầu như những người phải đi vay qua app là những người túng quẫn do tham gia các trò đỏ đen hoặc sử dụng cho mục đích ăn chơi chứ người làm ăn tử tế, không ai đi vay tiền qua app làm gì. Thứ nhất là thời hạn vay ngắn. Thứ hai là số tiền cho vay ít nhưng lãi suất và phí rất cao".

Chị Nguyễn Thị Lan (ở huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) cho biết: "Những ứng dụng cho vay tiền này quảng cáo khắp nơi, nào là cho vay nhanh gọn, thủ tục đơn giản, giải ngân trong vòng 30 phút. Nhưng với những người buôn bán như chúng tôi thì chả ai dại gì mà đi vay của họ. 

Để vay được tiền thì họ cắt phí nọ, phí kia đủ kiểu. Vay 5 triệu đồng thì lấy về chỉ được khoảng 3,5 triệu đồng. Sau đó là lãi suất cao ngất, quá hạn trả nợ thì lãi mẹ đẻ lãi con".

Hành vi đáng lên án

Việc "rủ nhau bùng nợ" là hành vi đáng lên án. Những người bùng nợ thường phải lẩn trốn, che giấu thông tin và vô hình trung, cuộc đời của họ đã bước sang một ngã rẽ khác. Nguyễn Văn Hải, sinh viên năm thứ 3 của một trường đại học, vì trót dính vào trò đỏ đen nên đã đi vay tiền qua app, với số tiền lên tới hơn 30 triệu đồng. Sau đó, Hải đã trốn nhóm đòi nợ, cũng đồng nghĩa với việc Hải phải nghỉ học.

Để vay được tiền, nhiều người còn làm giả giấy tờ để hoàn tất thủ tục vay. Sau khi vay trót lọt và bùng nợ, họ lại tiếp tục "bổn cũ soạn lại". Việc bùng nợ cũng như làm giả giấy tờ đều là hành vi vi phạm pháp luật. 

Luật sư Nguyễn Thị Minh Yến, Công ty Luật TNHH Gia Võ (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cho biết, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự, các hành vi có dấu hiệu sử dụng các thông tin giả để thực hiện giao dịch vay sẽ bị xem xét xử lý hình sự. 

Tùy tính chất, mức độ nguy hiểm và thu lợi bất chính của hành vi này để xem xét và đánh giá xử lý. Mức xử phạt cao nhất của hành vi này có thể lên tới phạt tù chung thân.

Điều 174 Bộ luật Hình sự quy định về việc xử lý "tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như sau:

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;

c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm