pnvnonline@phunuvietnam.vn
Heo thịt tăng giá từ lúc... lọt lòng
Ông Nguyễn Tấn Hậu, chủ trang trại heo Tám Do (tổ 9, ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) nói về nguyên nhân giá heo tăng.
Heo tăng giá từ khi tái đàn, gầy giống
Những ngày qua, giá thịt heo ở các chợ bán lẻ tăng cao mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều giải pháp để kéo giảm tình trạng trên. Tại các trang trại, thương lái đã mua với giá khoảng 95.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Tấn Hậu – Trại heo Tám Do (tổ 9, ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) xác nhận, với mức giá trên thì người nuôi heo chỉ có lãi một chút.
Ông Hậu phân tích, chủ trại heo vẫn chưa thể gỡ được vốn mà những năm trước bị mất trắng do dịch bệnh. Người chăn nuôi heo tái đàn gặp nhiều khó khăn do giá mua con giống tăng cao. Giá con giống luôn gấp đôi giá thịt heo hơi. Nếu giá heo hơi là 90 ngàn đồng/kg thì các nơi cung cấp con giống sẽ tính gấp đôi giá lên là 180 ngàn đồng/kg.
Ông Hậu tính toán: Heo giống 20 kg xuất chuồng thì có giá 3,6 triệu đồng/con (giá 180 ngàn/kg). Kế đến, chi phí thức ăn cho quá trình nuôi một con heo giống đến khi trưởng thành là 2,4 triệu đồng. Chi phí hao hụt, rủi ro bao gồm các nguy cơ có thể xảy ra là 5% trên giá thành. Tổng chi phí để nuôi một con heo đến khi trưởng thành khoảng 100kg để xuất chuồng là 7 triệu đồng.
Ông Hậu nói, nhiều nơi tái đàn đã bị dịch tả châu Phi tái phát và người nuôi heo lại đứng trước rủi ro mất vốn là "5 ăn, 5 thua". Khi xảy ra dịch bệnh, người nuôi bán tháo và chỉ còn được 50% giá trị của heo thịt.
Chủ chuồng trại tính toán, khi bắt 100 con heo giống về nếu dịch bệnh bùng phát thì chỉ còn 70 con đến 50 con và thậm chí chỉ còn 30 con. Cho nên, chi phí rủi ro không còn 5% như lúc trước. Đây được xem là một trong những nguyên nhân chính khiến giá thịt heo bị đẩy lên cao.
Ông Nguyễn Tấn Hậu – Trại heo Tám Do (tổ 9, ấp 7, xã Bàu Cạn, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai)
Trước đây, người nuôi heo chỉ tính đến tiền con giống, chi phí thức ăn, tiền vắc-xin, công chăm sóc sẽ ra giá thành. Nhưng bây giờ, người chăn nuôi buộc phải tính chi phí rủi ro trong giá thành. Trong tình hình dịch bệnh bình thường dẫn đến heo bị chết thì chỉ tính rủi ro ở mức 5% nhưng với các loại dịch bệnh hoành hành thì rủi ro phải tính từ 30% đến 50% giá thành. Đối với trang trại được đầu tư tốt nhất, người nuôi tính thêm giá trị rủi ro là 30% giá thành.
Trong môi trường các loại dịch bệnh luôn chực chờ, người chăn nuôi phải làm xử lý an toàn sinh học chuồng trại là 3 ngày/tuần thay cho 1 ngày/tuần so với trước đây. Công nhân ra - vào chuồng trại đều phải kiểm soát, phun sát trùng để tránh lây nhiễm bệnh heo (nếu có) trên diện rộng. Những chuồng không nuôi vẫn phải sát trùng thường xuyên để tránh ủ bệnh lây ngược vào đàn heo. Đây cũng là những chi phí phải tính vào giá thành.
Chăn nuôi heo như "đánh bạc"
Ông Hậu nhớ lại, hơn 10 năm trước, việc chăn nuôi heo rất đơn giản. Người nuôi chỉ cần tiêm một vài loại vắc-xin và cũng có thể bỏ qua nhiều loại vắc-xin, không phải tiêm ngừa. Nhưng thời điểm này, heo được nuôi phải tiêm chủng đầy đủ các loại vắc-xin để tạo sức đề kháng tốt nhằm chống chọi với các loại dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Tấn Hậu, nhiều chủ trại nuôi heo trải qua đợt bệnh dịch tả châu Phi kéo dài dẫn đến thua lỗ và không có vốn để gầy đàn. Chủ trại gõ cửa các ngân hàng nhưng không thể nào vay được vốn do một số các quy định ràng buộc. Các chủ trại đành bấm bụng "vay nóng" thông qua hình thức mua trả góp tại các đại lý thức ăn gia súc và kể cả việc mua con giống. Cửa hàng thức ăn gia súc sẽ tính lãi cao hơn ngân hàng do cộng thêm phần trả chậm, rủi ro không thu hồi được vốn…
Ông Hậu nhấn mạnh, hiện tại, chủ cơ sở chăn nuôi không thể vay vốn từ ngân hàng để tái đàn, vực dậy đàn heo được nên buộc lòng phải trả lãi ngoài cao hơn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá thịt heo bị đẩy lên cao.
(Bài sau: Thương lái, tiểu thương có thực sự ăn dày?)