Hiểu Phật giáo để xây dựng gia đình hòa hợp, hạnh phúc

13/05/2019 - 17:05
Phật giáo là một học thuyết triết học - tôn giáo độc đáo của Ấn Độ Cổ đại, được xem là triết lý thâm trầm, sâu sắc về con người. Việc đánh giá vai trò của Phật giáo trong đời sống đương đại và xem xét quan niệm của Phật giáo về gia đình và kiến tạo gia đình hòa hợp đang có một ý nghĩa đặc biệt.

Trong bối cảnh đua tranh của kinh tế thị trường hiện nay, khi mối quan hệ giữa cá nhân, gia đình và xã hội ngày càng trở nên lỏng lẻo, sự giao cảm giữa cá nhân với cộng đồng ngày càng giảm sút thì việc tĩnh tâm suy xét về vấn đề gia đình trong mối liên hệ với triết lý nhân sinh Phật giáo sẽ cho ta thấy lại được ý nghĩa của cá nhân trong vai trò là một thành viên của gia đình và vai trò của gia đình với tư cách là một thành tố của xã hội.

 

hieu-phat-giao-de-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc.png
Thực hành đúng đạo hiếu, đạo vợ chồng, anh em là những nguyên tắc nền tảng để kiến tạo gia đình hạnh phúc, hòa hợp. Ảnh minh họa

 

Gia đình dưới góc nhìn của Phật giáo

Trên thế giới tồn tại nhiều hình thức gia đình với cấu trúc, chức năng, quy định lối sống khác nhau. Vì vậy có rất nhiều quan niệm khác nhau về gia đình ở các hệ thống chính trị - xã hội và văn hóa khác nhau.

Đó là chưa kể một thực tế là trên thế giới hiện nay xuất hiện nhiều dạng gia đình biến thái khiến cho mọi định nghĩa về gia đình đều trở nên bất cập. Chẳng hạn, James W.Vander Zanden - học giả phương Tây - cho biết: “Một cuộc thăm dò gần đây cho thấy 45% người Mỹ ngày nay cho rằng một đôi không cần kết hôn mà cùng chung sống với nhau thì được coi là một gia đình đích thực. 33% coi các cặp đôi cùng giới tính có nuôi nấng con cái là gia đình, còn 20% thì coi các cặp đồng tính chung sống với nhau là một gia đình”.

Đây có thể là sự mở rộng thái quá trong quan niệm về gia đình mà các nền văn hóa truyền thống phương Đông, trong đó có Phật giáo khó lòng chấp nhận. Đối với người Á Đông nói chung, người Việt Nam nói riêng, gia đình là một giá trị xã hội quan trọng bậc nhất.

Phật giáo xem gia đình là một tổ chức thu nhỏ của xã hội, trong đó có các mối quan hệ chính là quan hệ giữa chồng và vợ, giữa ông bà cha mẹ và con cháu, giữa anh chị em với nhau. Khi gia đình được xây dựng và phát triển ổn định thì xã hội, quốc gia mới hưng thịnh.

 

Đạo hiếu - nguyên tắc đạo đức căn bản của gia đình Phật giáo

 

ong-ba-voi-chau.jpg
Làm con cháu phải hiếu thảo phụng dưỡng và kính thờ ông bà cha mẹ đúng pháp. Ảnh minh họa

 

Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là mối quan hệ huyết thống thâm sâu. Tuy nhiên, xã hội càng phát triển thì càng nảy sinh nhiều mâu thuẫn giữa các thế hệ. Ngày nay, đối mặt với nhu cầu mưu sinh vật chất, không ít bậc làm cha, làm mẹ quên lãng trách nhiệm giáo dục con cái nên đã dẫn đến nhiều vấn nạn thương tâm: Một bộ phận thanh thiếu niên suy thoái đạo đức, bất hiếu, có những hành động mất nhân tính, con giết cha, con đánh mẹ, con hành hạ cha mẹ…

Đức Phật khuyên các bậc cha mẹ không chỉ chăm lo cho con về phương diện vật chất mà cả phương diện tinh thần, nhân cách đạo đức. Chỉ có sự chăm sóc và giáo dục toàn diện như thế mới mong giúp con trở thành những người con ngoan, trò giỏi, người công dân tốt, hữu ích cho xã hội.

Đạo Phật khẳng định biết ơn và đền ơn cha mẹ là hạnh hiếu đáng khen. Làm con mà không biết ơn và đền ơn công lao dưỡng dục của cha mẹ là người con bất hiếu. Theo Đức Phật, ngoài việc hiếu dưỡng cha mẹ về đời sống vật chất, còn phải hiếu dưỡng về tinh thần. Mặt khác, người con hiếu thảo còn phải biết tích cực tập công đức để hồi hướng cho cha mẹ đã quá cố để đền đáp thâm ân. Kế đến, người con hiếu thảo còn phải đủ bản lĩnh, sẵn sàng và khéo léo khuyên cha mẹ làm các việc lành để giúp cha mẹ loại trừ các nghiệp ác.

Dựa trên thuyết Nghiệp, Phật giáo chủ trương rằng đạo hiếu đó mỗi người phải tự thực hiện, không thể trông nhờ ai khác bởi không ai có thể làm thay việc báo hiếu.

 

Thực hành đạo nghĩa - nền tảng xây dựng hạnh phúc

Quan hệ vợ chồng là quan hệ căn bản của mọi gia đình. Vợ chồng hòa hợp thì hôn nhân hạnh phúc, gia đình bền vững, hưng thịnh.

Trong Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt, Đức Phật dạy về đạo nghĩa vợ chồng rất giản dị mà thâm diệu. Theo Ngài, có 5 điều người chồng phải đối xử với người vợ là yêu thương, tôn trọng vợ, quan tâm chăm sóc chu đáo đời sống vật chất lẫn tinh thần, chung thủy với vợ, giao quyền hành cho vợ, sắm đồ nữ trang cho vợ. Người vợ được chồng đối xử như vậy cũng phải có lòng thương tưởng chồng theo 5 cách: thương yêu, kính trọng chồng, trung thành với chồng, quản lý tốt nhà cửa, giữ gìn tài sản của chồng, khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.

 

dsc5180-15189236469911039640030.jpg
Tâm hỷ (mình vui với việc mình làm), tùy hỷ (mình vui với việc người khác làm). Ảnh minh họa

 

Những đổ vỡ, bất ổn trong đời sống gia đình dẫn đến đau khổ, bất hạnh, tình trạng ly dị, ly thân, ngoại tình, gây ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội, làm giảm chất lượng cuộc sống đã khiến cho nhân loại sau hơn 25 thế kỷ phải nhìn lại và nhận ra những giá trị tích cực trong lời Phật dạy về quan hệ vợ chồng.

Nam nữ Phật tử nếu thực hành đạo nghĩa vợ chồng theo đúng tinh thần Phật giáo chăc chắn sẽ giữ vững được hạnh phúc lâu dài cho tổ ấm gia đình chẳng những trong hiện đời mà còn làm cho người bạn đời của mình mong muốn được gặp lại và cùng chung sống trong kiếp vị lai.

 

Thực tập xả để hóa giải mâu thuẫn giữa anh chị em 

 

anh-chi-em.jpg
Nếu các anh chị em trong gia đình biết tu tập tâm hỷ (vui vẻ), tùy hỷ (vui vẻ) thì sẽ không có chỗ cho lòng ganh tị, đố kỵ. Ảnh minh họa

 

Ngày nay, mâu thuẫn giữa các anh chị em trong gia đình đã không còn là hiện tượng hiếm hoi, nhiều khi đưa đến những hậu quả hết sức thương tâm: Anh chị em oán hận không nhìn mặt nhau, mưu hại nhau và thậm chí là chém giết lẫn nhau khiến không ít gia đình rơi vào bấn loạn. Những nguyên nhân chính là do ganh tị, đố kỵ lẫn nhau, đôi khi chỉ vì hơn thua nhau về năng lực, nhan sắc, sự thành đạt... hoặc là do lòng vị kỷ, thiếu sự thương yêu và nhường nhịn.

Để hóa giải những rắc rối, mâu thuẫn giữa anh chị em trong gia đình, theo tinh thần pháp Phật, các thành viên gia đình nên thường xuyên quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau để thiết lập tình cảm thân thiết với nhau, để hiểu nhau và thương yêu lẫn nhau.

Theo đó, để xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc về phương diện vật chất, mọi thành viên trong gia đình cần siêng năng tháo vát trong việc tạo ra tài sản, biết sử dụng tài sản một cách hợp lý và quan tâm giữ gìn tài sản, không để tài sản thất thoát, tiêu tán. Về phương diện tinh thần, Phật giáo khuyên mỗi người mở rộng phạm vi cái “tôi” bằng lối sống vị tha. Đồng thời làm cho mọi người được vui vẻ (hỷ). Trong gia đình đôi khi xảy ra bất hòa, mâu thuẫn, thực tập tâm xả chính là buông bỏ khi đã giải quyết xong rắc rối, không giữ lòng định kiến sân hận. 

Thấu triết lý vô ngã, con người mới thoát khỏi sự ràng buộc của cái “tôi” ích kỷ, tham lam chiếm hữu, vượt qua những giới hạn hẹp hòi của cá nhân và có được thái độ sống an nhiên tự tại, hướng đến một lối sống cao đẹp đầy tình người, góp phần xây dựng cuộc sống gia đinh hạnh phúc.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm