"Hiệu quả kép" từ một làng nghề truyền thống

Anh Quân
14/09/2023 - 13:15
"Hiệu quả kép" từ một làng nghề truyền thống

Phụ nữ xóm Bầu, thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu tham gia làm tăm hương

Từ một nghề phụ lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã giúp người dân Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thoát nghèo. Đó là động lực để họ vừa giữ nghề, vừa phát triển du lịch quảng bá thương hiệu.

Thời gian gần đây, xã Quảng Phú Cầu trở thành một địa chỉ được nhiều người tìm kiếm trên mạng xã hội, bởi nét đẹp đầy màu sắc của những bó tăm hương. Người ta rủ nhau đến đây để tìm hiểu, trải nghiệm nét đẹp của một làng nghề truyền thống.

Sau khoảng 1 tiếng di chuyển từ trung tâm Hà Nội, chúng tôi đã có mặt tại làng nghề nổi tiếng này. Ngay từ đầu làng, những tiếng trầm trồ đã vang lên không ngớt khi được ngắm nhìn những bó tăm hương đang phơi xòe giống như những bông hoa khổng lồ. Sau những ngày dài mưa nồm ẩm ướt, hôm nay trời nắng đẹp, hương được mang ra phơi khắp dọc bên đường, trong sân nhà, sân đình… tạo thành những mảng màu rực rỡ.

Tay vừa thoăn thoắt xoay từng bó tăm hương để phơi cho được nắng, bà Liên (một người dân trong làng) vừa kể: Làng tăm hương Quảng Phú Cầu đã tồn tại hàng trăm năm tuổi. Để làm nên những bó hương hoàn chỉnh, thì cần nhiều công đoạn, vất vả lắm, từ chọn lựa những cây vầu đạt chất lượng, đem đi phơi vót, rồi xếp thành từ bó, nhúng qua phẩm màu đỏ để chân hương có màu đẹp và nổi bật. Tiếp đến, như công đoạn bà đang làm, là phơi tăm hương. Những bó tăm hương được bó lại với kích thước lớn, đầu chụm vào nhau ở dưới và chân xòe tròn đều phía trên giống như bông hoa đang nở. Sau khi phơi khô, tăm hương sẽ được chuyển đến các cơ sở khác để hoàn thiện các công đoạn tiếp theo, trước khi cung cấp ra thị trường.

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 1.

Những bó tăm hương được nhuộm nhiều màu sắc và xếp thành hình đẹp mắt để khách du lịch chụp ảnh

"Vài năm gần đây, một số nhiếp ảnh gia chụp ảnh người dân Quảng Phú Cầu làm tăm hương mang dự thi ảnh và đạt giải. Qua đó, làng nghề được lên phim, lên ảnh nhiều. Du khách đến tham quan, chụp ảnh, trải nghiệm làng nghề ngày một nhiều hơn", bà Liên chia sẻ thêm.

Từ chỗ chỉ là nghề phụ làm lúc nông nhàn, đến nay, nghề làm tăm hương đã phát triển mạnh mẽ, trở thành nghề đem lại thu nhập chính cho người dân. Trước đây, trong làng sản xuất hương theo phương pháp thủ công, tốn thời gian mà hiệu quả không cao thì hiện nay, nhờ áp dụng máy móc, công nghệ hiện đại nên năng suất đã được cải thiện đáng kể. Nghề làm hương trở thành phương kế thoát nghèo của người dân xã Quảng Phú Cầu.

Không chỉ phát triển nghề truyền thống, người làng Quảng Phú Cầu đang biết cách khai thác những lợi thế của làng nghề để có thêm một khoản thu nhập từ khách phương xa. Những bó tăm hương không chỉ còn được nhuộm sắc đỏ, sắc vàng truyền thống mà còn được nhuộm thêm nhiều màu sắc khác như màu hồng, màu xanh, màu tím…, rồi được sắp xếp thành những hình khối đẹp mắt như hình bản đồ, hình bông hoa, lá cờ… để khách tham quan chụp ảnh.

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 2.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu tấp nập du khách trong và ngoài nước đến tham quan, đặc biệt vào mỗi dịp cuối tuần

Hiện nay, tại Quảng Phú Cầu đang có 3 địa điểm du lịch, trải nghiệm làng nghề tăm hương. Những người dân vốn chăm chỉ, tần tảo với nghề như bà Liên, giờ đây lại trở thành những hướng dẫn viên du lịch đầy tâm huyết, giới thiệu về nghề làm hương, hướng dẫn du khách xòe những bó tăm hương thành bông hoa khoe sắc…  

Rộn rã trên sân phơi tăm hương của cơ sở sản xuất tăm hương Long Hòa (điểm thăm quan du lịch đầu tiên mở tại làng nghề), không chỉ rộn ràng tiếng của du khách đến tham quan, chụp ảnh, mà hòa lẫn trong đó còn có cả tiếng nói, tiếng cười của những người phụ nữ trong làng đang phơi tăm hương. Dù nắng, dù nóng, dù những giọt mồ hôi đang thánh thót rơi sau lớp khẩu trang, nhưng niềm vui hiện rõ trong ánh mắt của những người phụ nữ làng nghề Quảng Phú Cầu, bởi làm tăm hương không chỉ mang đến cho họ công việc, thu nhập ổn định mỗi ngày, mà điều họ vui hơn cả là có thể giữ nghề, quảng bá làng nghề đến với du khách trong nước và quốc tế.

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 3.

Phụ nữ xóm Bầu, thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu tham gia làm tăm hương

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 4.

Tăm hương được nhúng phẩm màu để có màu sắc tươi tắn, đẹp mắt. Màu đỏ và màu vàng là 2 màu truyền thống của làng

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 5.

Những bó tăm hương được đưa về sân phơi


Những người phụ nữ như bà Liên khéo léo xòe tròn bó tăm hương khổng lồ thành những "bông hoa" để phơi cho được nắng

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 7.

Một ngày làm việc của những người phụ nữ nơi đây kéo dài từ sáng sớm, chăm chỉ, cần mẫn làm việc và trò chuyện cùng du khách

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 8.

Thu nhập trung bình mỗi tháng họ có thể đạt từ 5 triệu đến 7 triệu đồng và được trả cao hơn vào những dịp cao điểm, lễ tết.

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 9.

Ông Nguyễn Văn Long là một trong những người tiên phong "biến" cơ sở sản xuất của gia đình thành địa điểm du lịch, tạo thêm thu nhập lại vừa có thể quảng bá thương hiệu của làng nghề

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 10.

50.000 đồng là mức phí cho một khách đến tham quan và chụp ảnh

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 11.

Không chỉ thu hút du khách trong nước, nơi đây còn là điểm đến thú vị của các du khách nước ngoài

"Hiệu quả kép" của một làng nghề truyền thống - Ảnh 12.

Làng nghề tăm hương Quảng Phú Cầu hiện đang có 3 địa điểm du lịch, trải nghiệm quy mô lớn phục vụ du khách

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm