"Hô biến" sân chung cư thành khu vui chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế

Minh Thu
06/11/2020 - 22:47
"Hô biến" sân chung cư thành khu vui chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế
Những sân chơi làm từ vật liệu tái chế an toàn giúp trẻ em thành phố có không gian vui chơi, kết nối với bạn bè, gần gũi với thiên nhiên và phát triển kỹ năng vận động.

Buổi chiều, khi đón cháu từ trường về, ông Phạm Quốc Hạnh, 71 tuổi (phường Thành Công, quận Ba Đình, Hà Nội) lại dành thời gian ngắm cháu cùng chơi với các bạn ở sân chơi khu tập thể. Cách đây không lâu, khoảng sân này khá xa lạ với trẻ em bởi đây là nơi người dân trông xe và kinh doanh buôn bán.

Giờ đây, góc sân ấy đã trở thành không gian công cộng ưa thích của người dân, bởi ở đó có chiếc cầu trượt, bập bênh, xích đu để trẻ em nô đùa mỗi ngày; có những chiếc máy tập thể dục cho người già, những băng ghế gỗ dài để phụ huynh ngồi nghỉ ngơi...

Điểm đặc biệt là những thứ đồ chơi ấy được làm từ những vật liệu bỏ đi như lốp xe, thanh gỗ, thanh sắt,… được sơn màu bắt mắt.

Nỗ lực "giành" lại sân chơi cho trẻ em

Tuổi thơ của trẻ em trong thành phố trước kia đều gắn liền với những khoảnh sân chơi trong các khu tập thể. Dần dần, các không gian công cộng trong các khu dân cư tại Hà Nội đã bị lấn chiếm để trở thành nơi để xe, buôn bán và phục vụ mục đích cá nhân khác.

Là tổ trưởng tổ dân phố, ông Hạnh trăn trở đã nhiều năm khi thấy trẻ em trong khu tập thể không có chỗ chơi. Chiều chiều, trẻ phải chơi cầu lông ngay ở lối đi, mỗi khi có xe cộ đi qua, các cháu dừng lại, tránh sang một bên...

"Hô biến" sân chung cư thành khu vui chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế - Ảnh 1.

Sân chơi tại khu K8-K8 Thành Công là kết quả của những nỗ lực giành lại không gian công cộng cho trẻ em. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Năm 2019, khi lãnh đạo thành phố có chỉ đạo về việc xử lý việc lấn chiếm không gian công cộng, ông Hạnh đã họp dân cư trong khu tập thể, tìm cách để tạo không gian chơi cho trẻ em. Nhận được sự đồng thuận cao của người dân khu tập thể K7-K8 Thành Công, ông Hạnh đề xuất lên phường và được chấp thuận thực hiện xã hội hóa dự án này.

“Nhờ có sự chỉ đạo, bố trí của phường và sự nhất trí của đa số người dân, cuối cùng, chúng tôi cũng đã có một khoảng sân rộng đủ để lắp đặt một số thiết bị chơi cho các cháu,” ông Hạnh nhớ lại.

Có mặt bằng, khó khăn tiếp theo đặt ra là thiếu kinh phí để mua đồ chơi. Một hôm, ông Hạnh vô tình xem một phóng sự trên tivi nói về doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds (Nghĩ về Sân chơi trong phố). Cùng các đối tác của mình, họ đã nỗ lực mang lại cho trẻ em đô thị những cơ hội được tiếp cận với các sân chơi thân thiện và sáng tạo.

Người tổ trưởng dân phố tìm cách liên hệ với Think Playgrounds và ông đã gặp anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, đồng sáng lập và là người chịu trách nhiệm thiết kế sân chơi. Anh Đạt đã tìm các nhà tài trợ và lên kế hoạch hình thành một sân chơi thực thụ cho trẻ em. Và thế là, một sân chơi cho trẻ được ra đời với thiết bị từ các vật liệu tái chế...

Nhân rộng mô hình

Nói về công việc làm các thiết bị cho sân chơi từ vật liệu tái chế, Đạt kể rằng, ý tưởng đến với anh vào năm 2014. Khi ấy, Đạt bỏ việc, thành lập doanh nghiệp xã hội để toàn tâm toàn ý với những công trình này.

“Ban đầu, chúng tôi gặp vô vàn khó khăn về kinh phí, không gian để lắp đặt thiết bị sân chơi... Bởi thế, nhóm đã mất rất nhiều thời gian để thuyết phục người dân và phối hợp với địa phương dành không gian công cộng để lắp đặt thành sân chơi cho các em,” anh Đạt cho biết.

Có được những sản phẩm đầu tiên, nhóm của Đạt kêu gọi được sự giúp đỡ về tài chính và chuyên môn của các doanh nghiệp, tổ chức. Bản thân Think Playgrounds cũng có những hợp đồng thiết kế và lắp đặt sân chơi cho trường học và các khu du lịch. Từ đó, những sân chơi với thiết bị từ vật liệu tái chế cứ thế ra đời.

“Từ những khúc gỗ thừa bỏ ở các công trường xây dựng, những sợi dây thừng hay lốp ô tô, chúng tôi đã làm sạch, tái chế thành vật liệu an toàn rồi sơn màu, sắp đặt, thành những cụm trò chơi thú vị,” anh Đạt cho biết.

"Hô biến" sân chung cư thành khu vui chơi cho trẻ từ vật liệu tái chế - Ảnh 2.

Những sân chơi từ vật liệu tái chế có ý nghĩa tích cực trong sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ em. (Ảnh: Minh Thu/Vietnam+)

Thậm chí, theo lời Đạt, trẻ em ở độ tuổi chập chững cũng có không gian chơi an toàn của riêng mình. Đầu năm 2020, nhóm Think Playgrounds đã triển khai một sân chơi ở quận Thanh Xuân với khu vực dành riêng cho em bé dưới 3 tuổi. Với các khúc cây xếp so le nhau, các bé có thể tự mình bước lên để vượt qua một hành trình đầy thử thách thú vị. Khác với sân chơi cho trẻ em độ tuổi thiếu niên, khu vực dành cho các bé có phần nền làm từ cỏ nhân tạo để đảm bảo an toàn và vệ sinh.

“Khi tặng món quà là sân chơi cho trẻ, chúng ta nhận thấy rõ ràng niềm vui và sự tiến bộ của các em thông qua hoạt động vui chơi. Một em bé mới đầu còn rụt rẻ, sợ ngã nhưng chỉ sau một lúc, em mạnh dạn trèo lên cầu trượt hay đu lên cụm trò chơi thăng bằng,” anh Đạt cho biết.

Chị Chu Thanh Loan, Chủ tịch Hội LHPN phường Ngọc Hà, cho biết Hội đã cùng tham gia các dự án xây dựng sân chơi với Think Playgrounds từ năm 2015 và rất hy vọng có thể duy trì và nhân rộng mô hình sân chơi miễn phí tại Ngọc Hà.

“Chúng tôi nhận thấy mô hình sân chơi làm từ vật liệu tái chế rất sáng tạo, thú vị và đặc biệt phù hợp với các khu vực chật hẹp như phường Ngọc Hà. Không gian chơi không chỉ dành cho các bạn nhỏ mà còn là nơi ông bà, bố mẹ có cơ hội nghỉ ngơi và cùng tham gia vui chơi cùng trẻ em, gắn kết gia đình,” chị Loan nói.

Hiện nay, Think Playgrounds đang nhận được sự phối hợp của Tổ chức HealthBridge Canada và sự tài trợ của UN Habitat để có thể xây dựng nhiều sân chơi miễn phí cho trẻ em Việt Nam.

“Những kết quả từ mô hình thực tế này sẽ trở thành những tư liệu quan trọng để chúng tôi đưa vào các nghiên cứu cũng như chia sẻ với các đối tác nhằm vận động cho sân chơi và không gian công cộng thân thiện tại Việt Nam,” chị Trần Thị Kiều Thanh Hà, Tổ chức HealthBridge Canada nói.

Đạt bảo rằng trong năm 2020, Think Playgrounds sẽ tiếp tục hoàn thiện và đưa vào sử dụng hai sân chơi miễn phí tại Lĩnh Nam và bãi giữa sông Hồng.

Nguồn: Vietnam+
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm