“Hố rác di động tại hộ gia đình” hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn

An Khê
01/05/2022 - 15:00
“Hố rác di động tại hộ gia đình” hạn chế ô nhiễm môi trường nông thôn

Phụ nữ xã Mỹ Hội phân loại rác thải tại nguồn, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường

Mô hình “Hố rác di động tại hộ gia đình” ở xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang), không chỉ góp phần bảo vệ môi trường sống mà còn tạo thu nhập cho chị em và hỗ trợ nhiều hội viên phụ nữ, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.

Người dân xã Mỹ Hội, huyện Cái Bè chủ yếu sản xuất nông nghiệp. Cũng như nhiều địa phương khác, rác thải sinh hoạt, chăn nuôi, trồng trọt… ở Mỹ Hội không được xử lý đúng cách đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trước tình hình này, Hội LHPN huyện Cái Bè đã triển khai Mô hình "Hố rác di động tại hộ gia đình" tại Mỹ Hội.

Sau khi chọn ấp Mỹ Chánh B làm điểm về xây dựng hố rác di động, Hội LHPN xã Mỹ Hội đã thực hiện tuyên truyền tới bà con về phân loại và xử lý rác tại hộ gia đình và nhận được sự đồng tình hưởng ứng của người dân. Theo bà Nguyễn Thị Ngoãn, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cái Bè, thời gian đầu thực hiện mô hình ở ấp Mỹ Chánh B, Hội gặp nhiều khó khăn do thói quen sinh hoạt của người dân. Bởi trước đây, việc xử lý rác thải của chị em vẫn được thực hiện theo kiểu "mạnh ai người ấy làm", chỗ nào có đất trống là người dân mang rác đến đổ, nhất là hai bên bờ sông. Bên cạnh đó, việc truyền thông chưa rộng khắp nên nhận thức của người dân chưa cao.

Để vận động các hộ gia đình tham gia bảo vệ môi trường, Hội đã dùng phương pháp "mưa dầm thấm sâu", tăng cường công tác tuyên truyền và hướng dẫn người dân biết phân loại và xử lý rác tại nguồn (tại hộ gia đình); vận động cán bộ chi, tổ hội, hội viên nòng cốt đi đầu trong xây dựng hố rác di động. Lấy hiệu quả của hố rác điểm để giới thiệu, biểu dương, tác động, nhân rộng mô hình.

Đồng thời Hội LHPN xã đã hỗ trợ một phần kinh phí cho hội viên mua vật liệu xây dựng hố rác. Mỗi hộ gia đình để một khoảng đất trống trong vườn, cách nhà 5m trở lên, tùy theo điều kiện gia đình có thể làm rộng hơn và nắp đậy tốt hơn. Hằng ngày, các hộ gia đình tự phân loại rác thải dễ phân hủy để hết vào hố để ủ thành phân, các loại khó phân hủy thì để vào bao thu gom bán phế liệu. Sau khi hố đầy và rác đã phân hủy, chị em tận dụng làm phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp hoặc trồng cây xanh trên mỗi hố rác. Còn rác thải sau khi bán phế liệu, số tiền thu được sẽ đóng góp gây quỹ giúp đỡ hội viên phụ nữ, trẻ em nghèo. Năm 2018, có 82 hố rác được xây dựng, đến nay đã phát triển lên 309 hố rác di động tại hộ gia đình. Qua bán phế liệu, giúp được 16 trẻ em nghèo mua sữa, dụng cụ học tập, bảo hiểm y tế, nhu yếu phẩm...


Phát huy vai trò của phụ nữ trong bảo vệ môi trường

Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Cái Bè, qua hơn 4 năm xây dựng mô hình "Hố rác di động tại hộ gia đình", đến nay Mỹ Hội đã hạn chế được lượng rác thải ra môi trường. Từ mỗi hố rác trồng thêm một cây xanh, cây ăn quả, làm phân bón cho cây trồng khác… góp phần hạn chế lượng phân hóa học.

Nhằm tiếp tục xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, góp phần xây dựng nông thôn mới, trong thời gian tới đây, Hội LHPN huyện Cái Bé tiếp tục phát huy vai trò phụ nữ trong bảo vệ môi trường, tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường. Hội cũng đăng ký với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như lắp đặt bảng tuyên truyền trực quan trên các cột điện tuyến giao thông chính; thắp sáng đèn đường; thực hiện mô hình tuyến đường không rác thải, tuyến đường hoa, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp, Chi hội phụ nữ "5 không, 3 sạch xây dựng nông thôn mới"…

Cùng với đó, Hội thành lập Tổ mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu gắn nội dung bảo vệ môi trường với tiêu chí 3 sạch trong cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" và Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực cán bộ Hội trong hoạt động giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, qua đó vận động hội viên, phụ nữ giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm