Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa Sài thành

Phạm Thương
29/04/2022 - 15:40
Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa Sài thành

Khách tham quan phòng trưng bày chuyên đề tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ.

Đến phòng trưng bày “Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam”, người trẻ được nhìn thấy trực tiếp, thỏa mãn trí tò mò, khám phá những nông cụ truyền thống, người lớn tuổi thì tìm lại ký ức tuổi thơ.

Phòng trưng bày chuyên đề "Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam" gồm 140 hiện vật và 35 hình ảnh về một số nông cụ truyền thống như: cối xay lúa, cái cày, cái cuốc, cái nia, đôi gióng – đòn gánh, áo tơi, lưỡi hái, dao, liềm, phảng phát cỏ, nọc cấy, gàu tát nước, lờ bắt cá, gáo múc nước…

Trong những nông cụ đó, có cái vẫn đang thực hiện nhiệm vụ của mình ngoài đời sống sản xuất như chiếc liềm, cái dao, rựa, đòn gánh… Trong cuộc sống cần lao của người phụ nữ miền Nam, chiếc đòn gánh kĩu kịt trên vai luôn gắn liền với bóng dáng tảo tần, lam lũ, chịu thương chịu khó của người bà, người mẹ. Dù không nhiều nhưng hiện nay người phụ nữ vẫn còn dùng đến nó.

Nhưng cũng có nông cụ đã không còn "đất sống", vì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với máy móc tân tiến dần thay thế. Như chiếc vòng hái vốn xưa kia dùng để gặt lúa mùa, lúa thân cao nhưng nay lúa ngắn ngày thân thấp. Chưa kể, máy cắt lúa bằng tay đến máy gặt đập liên hợp thi nhau ra đời. Hay cối xay lúa truyền thống xưa, người phụ nữ phải vất vả xay từng nong lúa, sàng từng hạt gạo. Khi máy xay xát lúa gạo tự động ra đời, những dụng cụ đó ngày càng lui về quá khứ, chứa đựng kỷ niệm của một thời thương khó.

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 1.

Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ nhận cờ thi đua đơn vị dẫn đầu phong trào năm 2021 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng.

Là một vị khách tham quan phòng trưng bày, cô Nguyễn Thị Nhượng (67 tuổi, phường 12, quận 10, TPHCM) ngắm nghía cẩn thận chiếc áo mưa loại đan bằng nan tre trát dầu rái. Cô kể lại: "Chiếc áo đó ở quê tôi gọi là áo tơi. Một số nơi làm bằng nan tre rất chắc chắn, một số nơi làm bằng lá. Nhìn cái áo tơi tôi rất nhớ thời nhỏ của mình. Cái áo đó thường dùng che mưa. Người lớn thì khoác để đi cấy, đi gặt lúa. Lúc đó tôi còn nhỏ thì mặc đi chăn trâu, chăn bò. Thời đó làm gì có áo mưa tiện lợi, áo mua vải dù như bây giờ. Khoác vậy thôi, mưa tạt bên nào thì kéo che bên đó, mưa lớn quá thì chịu thôi. Hay cái cối xay lúa đang trưng bày ở giữa phòng, nhà tôi ngày xưa cũng có. Rồi cái cày, năm 16, 17 tuổi tôi đã biết vác cày đơn và dẫn con trâu ra đồng cày ruộng. Hôm nay đến đây tôi thấy tuổi thơ của mình ùa về, chị em kể lại những chuyện vui hồi tấm bé, cảm xúc rất khó tả. Bảo tàng trưng bày như vậy giúp cho người dân thành phố biết được những công cụ ngày xưa để làm ra hạt lúa, hạt gạo. Bây giờ mọi thứ đều làm bằng máy móc hiện đại rồi nên thế hệ trẻ đâu có biết".

Em Minh Tú, lớp 11, trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao (quận 1, TPHCM) chia sẻ: "Khi em được nhà trường cho đến tham quan bảo tàng và xem phòng trưng bày chuyên đề "Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam", em được nhìn thấy nhiều nông cụ rất lạ. Em cảm nhận được những nỗi vất vả của người phụ nữ xưa và nể phục người nông dân rất sáng tạo".

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 2.

Các khách mời tham quan phòng trưng bày chuyên đề “Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam”.

Bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết: "Việt Nam là quốc gia nông nghiệp, từ xa xưa đến nay, trải qua quá trình lao động, cư dân nông nghiệp đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Trong đó, nông cụ truyền thống là một hệ thống kho tàng tri thức vô cùng quý báu được truyền lại cho các thế hệ".

Ngày nay, hiện vật được trưng bày ở Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ đã trở nên ít thấy, khó sưu tầm.  Trưng bày chuyên đề mong muốn cung cấp những thông tin, hiểu hơn cuộc sống sản xuất và phản ánh trí tuệ của người nông dân. Đồng thời tôn vinh những giá trị truyền thống, qua đó khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ trong cuộc sống và trong lao động.

Hoạt động trưng bày chuyên đề "Một số nông cụ truyền thống của phụ nữ miền Nam" và triển lãm ảnh "Nụ cười Việt Nam" mở cửa đón khách tham quan miễn phí từ ngày 29/4 -  30/9/2022. Hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022) và 37 năm Ngày thành lập Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ (29/4/1985 - 29/ 04/2022) và 45 năm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1977 - 18/05/2022).

Hình ảnh một số nông cụ được trưng bày:

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 3.

Cối xay lúa - dụng cụ nhà nông dùng để bỏ vỏ hạt lúa, tách trấu ra khỏi hạt gạo.

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 5.

Cái nia- vật dùng giống như sàng nhưng lớn hơn, có lỗ nhỏ hơn sàng. Khi sàng gạo thì nia đặt phía dưới để hứng tấm rơi xuống.

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 6.

Nọc cấy- Dụng cụ để tạo lỗ dưới đất trước khi cấy mạ xuống.

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 7.

Ghế ép bánh hỏi.

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 8.

Chiếc áo mưa loại đan bằng nan tre trát dầu rái

Ngắm những nông cụ thời xa xưa giữa trung tâm quận 3 TPHCM - Ảnh 9.

Xửng hấp bánh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm