Hỗ trợ 4 mô hình sinh kế giúp phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu

22/04/2019 - 14:24
Trong 4 mô hình sinh kế giúp phụ nữ thích ứng với biến đổi khí hậu được tài trợ 850 ngàn USD (gần 20 tỷ đồng) bởi Quỹ Chanel có 2 mô hình sinh kế của phụ nữ dân tộc thiểu số ở Lào Cai.
Ngày 22/4, Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức hội thảo tham vấn cho dự án “Sinh kế bền vững cho phụ nữ nông thôn chịu ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai” nằm trong khuôn khổ chương trình “Cải thiện sinh kế và sự tham gia của phụ nữ hướng tới tăng cường khả năng chống chịu với rủi ro thiên tai và thích ứng biến đổi khí hậu” do Quỹ Chanel tài trợ trong thời gian 3 năm.
 
vu-huong-ly-un-women-4.jpg
Bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia UN Women điều hành hội thảo

 

Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương và bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai (BĐKH&RRTT); xếp thứ 7 về chỉ số rủi ro khí hậu toàn cầu 2015 giai đoạn 1994-2013. Phần lớn phụ nữ tham gia vào các hoạt động nông nghiệp và sinh kế nhỏ lẻ, bị hạn chế tiếp cận thông tin, nguồn lực, tín dụng, thị trường, các chương trình đào tạo nghề và dịch vụ khuyến nông, đặc biệt là những hộ gia đình nghèo và dân tộc thiểu số, dẫn đến việc hạn chế năng lực thích ứng và chống chịu với BĐKH&RRTT.
 
Được tài trợ bởi Quỹ Chanel, chương trình trị giá 850.000 USD hướng tới 2 mục tiêu: Tăng cường sinh kế, nâng cao năng lực và khả năng chống chịu với BĐKH&RRTT của phụ nữ thông qua việc triển khai các lựa chọn sinh kế bền vững; Thúc đẩy vai trò, sự tham gia và khả năng lãnh đạo của phụ nữ trong các hoạt động giảm thiểu RRTT và thích ứng với BĐKH tại cộng đồng.
 
thich-ung.jpg
Tăng cường vai trò của phụ nữ trong hoạt động giảm thiểu RRTT và thích ứng với BĐKH

  

Bà Vũ Phương Ly - Chuyên gia UN Women cho biết: “Nếu được hỗ trợ cải thiện sinh kế và nâng cao năng lực, phụ nữ địa phương ở các khu vực bị ảnh hưởng bởi BĐKH có thể đóng góp hiệu quả vào nỗ lực thích ứng với BĐKH, tăng cường khả năng phục hồi và phát triển bền vững. Ngược lại, nếu phụ nữ không được tham gia một cách bình đẳng vào các hoạt động ứng phó BĐKH &RRTT thì sẽ làm tăng tính dễ bị tổn thương của họ và cản trở thành công chung của các hoạt động này. Bình đẳng giới do đó được coi là cơ sở giúp các hoạt động ứng phó với RRTT và thích ứng với BĐKH trở nên hiệu quả và cũng là cơ chế để đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs)”.
 
sinh-ke-cho-phu-nu-1.JPG
Đại diện Hội LHPN, Trung tâm Khuyến nông các cấp thảo luận, trao đổi về các mô hình sinh kế

  

Hội thảo được tổ chức để tham vấn với các bên liên quan về việc triển khai các mô hình sinh kế bền vững đã được lựa chọn thông qua quá trình tham vấn với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (HLHPNVN), Trung tâm Khuyến nông (TTKN) ở tất cả các cấp cũng như các cuộc thảo luận nhóm nòng cốt và phỏng vấn những đối tượng hưởng lợi dự kiến. Có 4 mô hình được lựa chọn hỗ trợ:
 
- Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số H’Mong tại Lào Cai trồng thâm canh lạc đỏ địa phương thích ứng với xói mòn theo tiêu chuẩn của VietGap;
 
- Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số tại Lào Cai nuôi gà thả vườn an toàn sinh học
 
- Hỗ trợ nữ nông dân trồng sen trên đất lúa kém hiệu quả theo tiêu chuẩn của VietGap;
 
- Hỗ trợ phụ nữ vùng ven biển Quảng Nam tăng cường tính bền vững của sinh kế và sự an toàn khi thu hoạch rong biển trong bối cảnh BĐKH&RRTT.
 
ba-nguyen-thi-minh-huong.JPG
Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo

  

Bà Nguyễn Thị Minh Hương - Trưởng ban Tuyên giáo Hội LHPN Việt Nam cho biết, từ tháng 9/2013, Hội LHPN Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp. Điều này thể hiện Hội đã nhận được đánh giá cao về vai trò và khả năng của Hội các cấp trong các hoạt động phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH.
 
Hội LHPN Việt Nam đã cùng UN Women thực hiện nhiều dự án “Nâng cao năng lực ứng phó của phụ nữ với BĐKH”, qua đó tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ, tọa đàm về lồng ghép giới vào hoạt động thích ứng BĐKH và giảm thiểu RRTT; tập huấn bơi và sơ cấp cứu cho phụ nữ và trẻ em gái; tổ chức hoạt động truyền thông…  Hộ đã hỗ trợ triển khai một số mô hình sinh kế thích ứng với tình hình thiên tai và BĐKH: xây nhà dự trữ mắm, sân phơi, khuyến khích lập quỹ phòng chống thiên tai cho mô hình “Sản xuất mắm, ruốc, khô khuyết” tại Huế; mô hình “Trồng gừng trong bao và trồng cây chùm ngây” tại Quảng Bình; tổ hợp tác đan lục bình ở Đồng Tháp…
 
trong-cay-chum-ngay.jpg
Trồng cây chùm ngây phát triển kinh tế

  

Rút ra các bài học kinh nghiệm, bà Minh Hương khuyến nghị cần sử dụng các mô hình sẵn có để lồng ghép nội dung truyền thông; vận động chính sách thông qua các mô hình cụ thể, bằng chứng từ thực tế; cần gắn kết truyền thông với phát triển sinh kế. Ngoài ra, hãy tác động đồng bộ ở các cấp độ (xây dựng kế hoạch ứng phó thiên tai ở hộ gia đình, vận động phụ nữ tham gia quá trình ra các hoạt động ở cộng đồng.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm