pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ người khuyết tật phát triển nghề nghiệp và tạo sinh kế ổn định trên môi trường số

Người khuyết tật phải đối diện với khá nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục và cơ hội nghề nghiệp. Ảnh minh họa
"Tôi là một phụ nữ khuyết tật, và có lẽ chỉ những ai ở trong hoàn cảnh như tôi mới thấu hiểu hết những rào cản mà chúng tôi phải đối mặt khi tìm kiếm việc làm. Nhiều lần tôi đã gõ cửa các doanh nghiệp, nhưng rồi lại lặng lẽ quay về vì ánh nhìn ái ngại hay những lời từ chối khéo. Họ sợ phải thay đổi môi trường làm việc, sợ chúng tôi không đáp ứng được yêu cầu và cũng có thể… họ chưa thực sự tin vào khả năng của người khuyết tật. Chúng tôi phải đối diện với khá nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục và cơ hội nghề nghiệp", chị Lê Thị Tuyền (người khuyết tật tại phường Cầu Giấy, TP. Hà Nội) tâm sự.
Ông Phạm Văn Thành, Chủ tịch Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam chia sẻ thêm, theo thống kê, hiện cả nước có hơn 6,2 triệu người khuyết tật, nhưng phần lớn trong số đó chưa từng có cơ hội được học nghề, tiếp cận công nghệ hay được hỗ trợ để khởi nghiệp. Hầu hết người khuyết tật không mong sự thương hại mà cần sự công nhận và trao quyền. “Chúng tôi muốn được đóng góp, được sống có ích. Có một nghề, có một sinh kế, có cơ hội làm chủ cuộc đời – đó là khát vọng của hàng triệu người khuyết tật Việt Nam”, ông Phạm Văn Thành nhấn mạnh.

Người khuyết tật phải đối diện với khá nhiều rào cản trong việc tiếp cận thông tin, giáo dục và cơ hội nghề nghiệp. Ảnh minh họa
Trước thực tế đó và trong bối cảnh chuyển đổi số đang được Chính phủ xác định là động lực tăng trưởng mới, việc thiết lập mô hình đào tạo có tính đặc thù dành cho nhóm yếu thế như người khuyết tật được xem là bước đi cần thiết nhằm gia tăng tính bao trùm trong tiếp cận công nghệ, đồng thời hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử, nội dung số đa dạng, nhân văn và bền vững.
Đó cũng là lý do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) – Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.
Ông Nguyễn Phan Huy Khôi, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam nhấn mạnh: "Người khuyết tật không chỉ cần mà còn xứng đáng được trao cơ hội để học tập, lao động và sống bằng chính khả năng của mình.
Người khuyết tật cần cơ hội để học hỏi, để làm việc, để sống bằng sức lao động của mình. Với chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật, chúng tôi mong muốn hiện thực hóa tinh thần của Nghị quyết 57 và Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị bằng những hành động cụ thể, thiết thực mỗi ngày”.

Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp Việt Nam (SYS Việt Nam), Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX) - Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) và Hội Thanh niên Khuyết tật Việt Nam ký thỏa thuận hợp tác triển khai chương trình đào tạo, hỗ trợ việc làm và khởi nghiệp kinh tế số dành cho người khuyết tật.
Nâng cao kỹ năng số cho cộng đồng người khuyết tật
Tham dự chương trình đào tạo, người khuyết tật, đặc biệt là thanh niên khuyết tật được tiếp cận với kỹ năng kinh doanh, phát triển nghề nghiệp và tạo sinh kế ổn định trên môi trường số thông qua các chương trình tập huấn, cung cấp tài nguyên học tập, kết nối cộng đồng nhà sáng tạo, tiếp cận với kinh doanh trên các nền tảng số như TikTok Shop, livestream bán hàng, tiếp thị liên kết...
Bên cạnh đào tạo, các hoạt động hỗ trợ sẽ được triển khai xuyên suốt, từ tư vấn xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp, hướng dẫn tiếp cận nguồn vốn, thị trường, công nghệ, cho tới truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và vinh danh các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu trong cộng đồng người khuyết tật... như một cách lan tỏa giá trị tốt đẹp của lao động trong cuộc sống.
Ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, việc bổ sung người khuyết tật vào mạng lưới thụ hưởng của chương trình đào tạo không chỉ mang lại giá trị xã hội bền vững, mà còn tạo ra thêm động lực cho xã hội trong việc ứng dụng thương mại điện tử trong môi trường hiện đại ngày nay. Nền tảng công nghệ, hệ sinh thái thương mại điện tử và các chương trình đào tạo góp phần kết nối người khuyết tật với doanh nghiệp và thị trường. Mục tiêu sau cùng không chỉ dừng lại ở việc trang bị kỹ năng mới, mà còn giúp người khuyết tật có thêm động lực và ý chí để khởi nghiệp.
Chương trình đào tạo mở ra cơ hội tiếp cận kiến thức, giúp người khuyết tật có thể học nghề, làm nghề, tự chủ sinh kế một cách bình đẳng, khẳng định vai trò của mình trong xã hội hiện đại. Việc trang bị kỹ năng số và tham gia của người khuyết tật sẽ góp phần đa dạng hóa trong lĩnh vực nội dung số và thương mại điện tử, giúp hệ sinh thái kinh tế số trở nên bao trùm, phong phú và nhân văn hơn; mở ra kênh tiếp cận mới, đưa khát vọng của người khuyết tật đến gần hơn với thực tế, từng bước xây dựng cộng đồng người khuyết tật tự chủ và hòa nhập sâu vào đời sống kinh tế số.
Chương trình hợp tác được triển khai trong khuôn khổ Đề án "Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam".
Chương trình "Nâng cao năng lực kinh doanh số cho 20 triệu thanh niên Việt Nam" được khởi động từ năm 2022, đến nay đã triển khai đào tạo cho gần 8.000 thanh niên thông qua các lớp học trực tuyến và tập huấn thực địa. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang được Chính phủ xác định là động lực tăng trưởng mới, việc thiết lập mô hình đào tạo có tính đặc thù dành cho nhóm yếu thế như người khuyết tật là bước đi cần thiết nhằm gia tăng tính bao trùm trong tiếp cận công nghệ, đồng thời hình thành hệ sinh thái thương mại điện tử – nội dung số đa dạng, nhân văn và bền vững