Không chỉ tạo ra những mẫu trang phục thanh lịch hay tận dụng vải vụn để làm nên sản phẩm độc đáo, Sen Vàng còn là bệ đỡ vững chắc, chắp cánh cho những ước mơ còn dang dở của phụ nữ khuyết tật và những người yếu thế trong xã hội.
Năm 2020, từ một tiệm may nhỏ với những đơn hàng lẻ tẻ, bà Trần Thị Như Hoa - người phụ nữ bị liệt chân phải từ nhỏ do di chứng sốt nặng và phải dùng nẹp chỉnh hình để di chuyển - đã mạnh dạn bước ra khỏi "vùng an toàn" của mình để tham gia Ngày Phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Vượt lên hoàn cảnh, bà mang đến Dự án "Thiết lập cửa hàng giới thiệu, bán sản phẩm may mặc và các sản phẩm từ vải vụn của phụ nữ khuyết tật" và được ghi nhận là một trong những dự án tiêu biểu cấp Trung ương.
Bước ngoặt này không chỉ khẳng định hướng đi sáng tạo và nhân văn của bà, mà còn thôi thúc bà mở rộng quy mô hoạt động - với hai mục tiêu song hành: Ổn định thu nhập cho bản thân và tạo sinh kế bền vững cho những phụ nữ yếu thế trong cộng đồng.
Bà Trần Thị Như Hoa tại xưởng may của HTX Sen Vàng.
Với trăn trở ấy cùng nguồn kinh phí từ giải thưởng, bà Hoa đã bắt tay xây dựng xưởng may. Nhận thức rõ tầm quan trọng của pháp lý trong quá trình mở rộng và phát triển, bà đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Sen Vàng đặt tại số 12 Hải Thượng Lãn Ông (nay thuộc phường Vinh Lộc, tỉnh Nghệ An).
"Cái tên Sen Vàng chất chứa bao tâm huyết, đó là niềm tự hào về quê hương Bác Hồ, là sự tôn vinh những người phụ nữ Nghệ An chịu thương chịu khó, kiên cường. Và cũng là biểu tượng cho sự vươn lên không ngừng từ những điều giản dị nhất", bà Hoa xúc động nói.
Năm 2022, ý tưởng xây dựng thương hiệu thời trang và các sản phẩm làm từ vải vụn của HTX Sen Vàng đã xuất sắc lọt vào Top 5 Cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức. "Nguồn cảm hứng đến từ chính quá trình sản xuất khi phải đối mặt với một lượng vải vụn khổng lồ thải ra hằng ngày. Nếu không được xử lý đúng cách, số vải thừa này sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt, nhiều loại vải chứa sợi nylon hoặc polyethylene cần tới hàng trăm năm mới có thể phân hủy hoàn toàn trong tự nhiên", bà Hoa chia sẻ.
Thay vì để vải vụn trở thành rác thải độc hại, HTX Sen Vàng đã tái chế chúng thành những sản phẩm độc đáo như túi xách, lót cốc, đồ trang trí… mang đậm dấu ấn thủ công và không đại trà. Những sản phẩm này không chỉ góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, được người tiêu dùng đón nhận như một cách thể hiện trách nhiệm với thiên nhiên và cộng đồng.
Bà Trần Thị Như Hoa (thứ tư từ trái sang) nhận giải Top 5 Cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp” năm 2022 do Hội LHPN tỉnh Nghệ An tổ chức.
Tuy nhiên, con đường này không hề trải hoa hồng. Việc khởi nghiệp với sản phẩm tái chế, đặc biệt khi là đối với một phụ nữ khuyết tật, gặp phải muôn vàn khó khăn. Bà Hoa bộc bạch: "Khách hàng thường có định kiến rằng vải vụn là vải cũ và ngại sử dụng chúng. Hơn nữa, những mảnh vải vụn không cho phép sự sáng tạo thoải mái như vải nguyên, mà phụ thuộc vào hình dáng, màu sắc, hoa văn, chất liệu. Việc xử lý chúng để đảm bảo độ bền, độ đẹp cho sản phẩm mới cũng là một thách thức lớn".
Dù vậy, với nghị lực kiên cường, bà Hoa và HTX Sen Vàng đã từng bước vượt qua, khẳng định giá trị của những sản phẩm "thời trang xanh" trên thị trường. Các sản phẩm tái chế thường có tính độc bản, không lặp lại về họa tiết hay phối màu, tạo nên cá tính và sức hút riêng.
Bà Trần Thị Như Hoa tỉ mỉ lựa chọn từng mảnh vải vụn – nguyên liệu tái chế tưởng chừng bỏ đi, nhưng lại là nền tảng cho hành trình khởi nghiệp đầy thách thức của mình.
Từ những thành công ban đầu, HTX Sen Vàng đã dần mở rộng quy mô hoạt động, tập trung vào ba mảng chính. Thứ nhất là sản xuất và thiết kế sản phẩm may mặc thời trang, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa nhận may đồng phục cho các công ty, đơn vị. Gần đây, HTX đã sản xuất đồng phục cho Bệnh viện Thái Thượng Hoàng, bao gồm trang phục cho bác sĩ, y tá, phòng mổ, bệnh nhân và nhân viên văn phòng.
Thứ hai là sản xuất các sản phẩm tái chế từ vải vụn - một hướng đi mang tính sáng tạo và bền vững nhằm tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu dư thừa, tạo ra những vật dụng hữu ích và độc đáo. Thứ ba là đào tạo nghề cho nhóm phụ nữ dễ bị tổn thương, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và phụ nữ khuyết tật - một hoạt động nhân văn được HTX duy trì liên tục từ năm 2020 đến nay.
Bà Trần Thị Như Hoa giới thiệu một sản phẩm túi vải được tái chế từ vải vụn.
HTX Sen Vàng không chỉ là một xưởng may mà còn là một ngôi nhà ấm áp cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt. Chị Hoàng Thị Hoa (SN 1981, trú tại phường Vinh Lộc mới), một thành viên của HTX, là người khuyết tật thần kinh và tâm thần, từng rất khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
"Có thời điểm tôi chỉ làm việc vặt trong nhà, đi nhặt củi, nấu ăn hoặc phụ mẹ bán rau vài buổi trong tuần - nhưng cũng không ổn định, thu nhập hầu như không có. Tôi từng bị từ chối nhiều nơi vì họ sợ bệnh tái phát sẽ ảnh hưởng đến công việc. May mắn thay, năm 2023, tôi biết đến HTX Sen Vàng", chị Hoa xúc động nói.
Chị Hoàng Thị Hoa, thành viên HTX Sen Vàng, người khuyết tật từng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm.
Ban đầu, chị Hoa học làm giấy, sau đó chuyển sang định hình vải rồi học may. Những ngày đầu còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng nhờ sự tận tình chỉ dẫn và động viên từ bà Trần Thị Như Hoa cùng các thành viên trong HTX, chị dần quen tay nghề.
Hiện tại, chị đã có thể may thành thạo các sản phẩm như áo hai dây, quần đùi, áo ba lỗ. Thu nhập tuy không cố định, trung bình khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng, những tháng tốt có thể gần 3 triệu, nhưng với chị, đó là số tiền quý giá làm ra từ chính công sức của mình.
Bà Trần Thị Như Hoa tận tình hướng dẫn chị Hoàng Thị Hoa trong công việc may tại HTX Sen Vàng.
"Bà Trần Thị Như Hoa là người rất gần gũi, giàu lòng cảm thông và luôn kiên trì dìu dắt từng người một, kể cả khi chúng tôi chậm tiếp thu hay gặp vấn đề sức khỏe", chị Hoa xúc động nói.
Một trường hợp khác là chị Trần Thị Lệ Hồng (SN 1981, trú tại phường Vinh Lộc mới), người có 8 năm kinh nghiệm làm công nhân may tại TP. Hồ Chí Minh. Sau khi về Nghệ An, chị tiếp tục theo nghề may và bắt đầu làm việc tại HTX Sen Vàng từ năm 2023. Chị Hồng cho biết, mức thu nhập của chị ổn định khoảng 5 triệu đồng/tháng, tính theo sản phẩm.
"Tôi chỉ có một cháu nhỏ nên môi trường làm việc linh hoạt như ở đây rất phù hợp, có thể chủ động đưa đón con, chăm sóc gia đình", Lệ Hồng chia sẻ. Chị cũng ấn tượng với môi trường hòa đồng tại HTX, nơi mọi người không phân biệt đối xử giữa người khuyết tật và người bình thường.
Chị Trần Thị Lệ Hồng.
"Bà Trần Thị Như Hoa, người sáng lập HTX Sen Vàng - dù là người khuyết tật nhưng luôn lan tỏa tình yêu thương, quan tâm tới mọi người, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn", chị Hồng nói và khẳng định rằng môi trường tại Sen Vàng giúp chị học hỏi thêm kỹ năng, nâng cao tay nghề và có thu nhập ổn định hơn.
Các lớp đào tạo nghề ngắn hạn tại HTX Sen Vàng thường kéo dài dưới 3 tháng. Từ năm 2020 đến 2023, các lớp được tổ chức luân phiên, bất cứ ai có nhu cầu đều được hướng dẫn. Trung bình mỗi năm có khoảng 10 người học xong và tìm được việc. Đặc biệt, từ năm 2023-2024, nhờ liên kết với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và chính quyền địa phương, HTX đã tổ chức các lớp học bài bản, có danh sách học viên và đầy đủ điều kiện học tập.
HTX Sen Vàng tổ chức nhiều lớp đào tạo nghề may ngắn hạn, giúp người khuyết tật và lao động yếu thế có cơ hội học nghề, ổn định cuộc sống.
Năm 2023, có một lớp dành cho 30 học viên là phụ nữ khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn. Sang năm 2024, có thêm hai lớp dành cho phụ nữ nói chung tại xã Hưng Lộc cũ (nay thuộc phường Vinh Lộc). Hiện tại, năm 2025, HTX đang tiếp tục mở một lớp dạy nghề cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại phường Vinh Yên Trường, với xưởng sản xuất liên kết để học viên thực hành tại chỗ.
Đáng chú ý, khi tham gia các lớp này, học viên không phải đóng bất kỳ khoản phí nào - từ học phí, nguyên vật liệu, cho tới việc thuê và sử dụng máy móc; kéo, kim, chỉ... đều được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí. Tính đến hiện tại, cả hình thức luân phiên lẫn các lớp đào tạo chính quy đã giúp bà Hoa truyền nghề cho khoảng 70-80 người, chủ yếu trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Mô hình khởi nghiệp của bà Trần Thị Như Hoa, Giám đốc HTX Sen Vàng được Hội LHPN tỉnh Nghệ An đánh giá là một trong những điển hình tiêu biểu về tính sáng tạo, nhân văn và khả năng lan tỏa tích cực trong cộng đồng. Không đơn thuần tạo ra sản phẩm thời trang từ vải vụn, HTX Sen Vàng còn mang đến giải pháp thân thiện với môi trường, góp phần định hình xu hướng tiêu dùng bền vững gắn với kinh tế tuần hoàn.
Bà Trần Thị Như Hoa, Giám đốc HTX Sen Vàng lựa chọn chỉ may trong xưởng.
Điều đặc biệt làm nên giá trị khác biệt cho mô hình là cách bà Hoa gắn kết sản xuất với đào tạo nghề và tạo việc làm cho phụ nữ khuyết tật. Ở một lĩnh vực đòi hỏi sự tinh tế như thời trang, việc bà lựa chọn những người từng thiệt thòi về thể chất để cùng đồng hành đã thể hiện một tư duy phát triển toàn diện, không ai bị bỏ lại phía sau.
Trong bối cảnh cơ hội việc làm cho nhóm phụ nữ yếu thế còn hạn chế, mô hình 'giúp người từ gốc' này đã góp phần nâng cao năng lực nội tại, tạo thu nhập ổn định và giúp họ thêm tự tin để từng bước vươn lên".
Bà Lê Thị Hương Giang, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An
"Trong bối cảnh cơ hội việc làm cho nhóm phụ nữ yếu thế còn hạn chế, mô hình 'giúp người từ gốc' này đã góp phần nâng cao năng lực nội tại, tạo thu nhập ổn định và giúp họ thêm tự tin để từng bước vươn lên", bà Lê Thị Hương Giang, nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nghệ An, đánh giá.
Là người sáng lập mô hình, bà Hoa không chỉ đóng vai trò dẫn dắt mà còn là biểu tượng sống động cho tinh thần vượt khó. Năm lên 2 tuổi, một cơn sốt nặng khiến bà bị bại liệt chân phải. Từ đó, bà được xếp loại khuyết tật nặng và phải sử dụng nẹp chỉnh hình để di chuyển. Những sinh hoạt tưởng chừng đơn giản như quét nhà hay mặc quần áo cũng trở thành thử thách nếu thiếu dụng cụ hỗ trợ.
Thế nhưng, thay vì đầu hàng số phận, bà đã biến nghịch cảnh thành động lực để kiến tạo một không gian làm việc sẻ chia - nơi người khuyết tật được trao cơ hội khẳng định giá trị và sống một cuộc đời có ích. "Khuyết tật không phải là rào cản, mà là động lực để bạn khẳng định giá trị riêng. Mỗi người phụ nữ đều có quyền được ước mơ và toả sáng - chỉ cần bạn bắt đầu từ điều nhỏ nhất và tin vào chính mình", bà Hoa chia sẻ như một lời nhắn gửi chân thành tới những ai đang còn mặc cảm.
Hành trình của bà Hoa cùng HTX Sen Vàng là minh chứng rõ nét rằng: hởi nghiệp không chỉ để làm giàu, mà còn là cách để kiến tạo cơ hội cho người khác, đặc biệt là những người yếu thế. Mô hình này cũng là một điểm sáng trong quá trình triển khai Đề án 939 "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" giai đoạn 2017-2025. Không chỉ mang lại hiệu quả về kinh tế và xã hội, HTX Sen Vàng còn thể hiện sức sống của các chính sách hỗ trợ phụ nữ - khi được triển khai sát thực tiễn, hướng đến đúng đối tượng và phát huy nội lực cá nhân.
| Thực hiện: Trường Hùng
Ngày 13/07/2025