pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hỗ trợ phụ nữ nông thôn ứng dụng công nghệ thông tin vào quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm
Hỗ trợ hội viên, phụ nữ xã Thanh Tân học nghề, phát triển kinh tế hộ gia đình là một trong những thành công khi triển khai Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" tại địa phương
Tuyên truyền đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" trên hệ thống loa truyền thanh của xã
Thanh Tân là 1 trong 4 xã đầu tiên về đích nông thôn mới của huyện Kiến Xương và của tỉnh Thái Bình (năm 2013). Hiện nay, Thanh Tân có hệ thống hạ tầng xã hội hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại đối với vùng nông thôn, cả 3 trường học và trạm y tế đều đạt chuẩn quốc gia, đời sống người dân và phụ nữ được nâng lên từng bước. Công tác Hội phụ nữ vì thế cũng được chú trọng, đặc biệt là chăm lo cho chị em phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế tập thể tại địa phương.
Chị Đặng Thị Thu, Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tân, cho biết: "Thực hiện sự chỉ đạo của Hội LHPN cấp trên về triển khai "Đề án hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp", Hội LHPN xã Thanh Tân đã tiến hành khảo sát nhu cầu, tình hình thực tế tại địa phương và xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện ngay từ sớm. Hội LHPN xã đã tuyên truyền sâu rộng về đề án trên hệ thống loa truyền thanh của xã. Hội cũng gặp gỡ một số hội viên trên địa bàn xã có nhu cầu phát triển kinh tế ngay tại địa phương để hỗ trợ quy trình, các bước tiến tới thành lập Hợp tác xã (HTX), Tổ hợp tác. Tham mưu với cấp uỷ, chính quyền địa phương hỗ trợ về cơ sở hạ tầng để làm trụ sở cho HTX và các hộ như: HTX mây tre đan, cơ sở sản xuất mạ khay của gia đình chị Nguyễn Thị Huế, nhà hàng Trang Đào, nhà hàng Tuệ Phụng…".
"Bên cạnh đó, Hội LHPN xã đã phối hợp với các ngân hàng cho hội viên vay phát triển kinh tế; phối hợp tuyên truyền vận động, đào tạo nghề để mở rộng sản xuất. Thường xuyên nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các nữ chủ doanh nghiệp, nữ tổ hợp tác, kịp thời đề xuất những khó khăn để cùng giải quyết. Cử hội viên tham gia các lớp tập huấn do Hội cấp trên tổ chức để nâng cao kiến thức. Tuyên truyền, hướng dẫn các hộ sử dụng công nghệ thông tin các trang như facebook, zalo… để tuyên truyền các sản phẩm và hoạt động của HTX, các cơ sở sản xuất và các hộ gia đình" - Chủ tịch Hội LHPN xã Thanh Tân chia sẻ thêm.
Hội LHPN mong muốn chị em "ly nông nhưng không ly hương"
Theo chị Đặng Thị Thu, việc triển khai, thực hiện Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" thời gian qua của Hội LHPN xã Thanh Tân đã góp phần không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của hộ gia đình, của địa phương và của phong trào Hội. Ví như, để thực hiện chủ trương của Đảng về "tích tụ ruộng đất", Hội LHPN xã đã phối hợp Công ty Hưng Cúc và 5 hộ gia đình tham gia tích tụ ruộng đất cấy lúa chất lượng.
Trong toàn xã Thanh Tân hiện đã tích tụ được 50 ha ruộng đất của 300 hộ gia đình không có nhu cầu cấy, nên các hộ gia đình muốn cho các tập thể, cá nhân thuê có thời hạn. Hội xác định đó là một số hộ có nhu cầu cầu tìm công việc khác để phát triển kinh tế gia đình. Trong đó, đa phần là phụ nữ trong độ tuổi từ 45 trở lên - độ tuổi khó được vào làm tại các công ty, xí nghiệp. Trong khi đó, tâm lý các chị em rất muốn vừa có công việc làm để phát triển kinh tế gia đình, vừa có thời gian trông con cháu. Hội LHPN mong muốn chị em "ly nông nhưng không ly hương", vừa phát triển kinh tế, chăm sóc gia đình, vừa có điều kiện tham gia hoạt động Hội, cũng như các phong trào của địa phương.
Ngay từ năm 2019, Hội đã phối hợp thành lập được 1 HTX nghề, ban đầu thu hút được 60 thành viên. Đến nay đã có hơn 300 thành viên tham gia sản xuất. HTX nghề không chỉ tạo việc làm cho hội viên trong xã mà còn mở rộng ra 6 xã khác trên địa bàn huyện.
Khi Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp" được triển khai rộng rãi, thành công trên địa bàn xã đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn dưới 1%. Giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế, tăng thu nhập tỷ lệ bình quân đầu người năm sau cao hơn năm trước. Năm 2022, thu nhập bình quân dầu người 58,5 triệu đồng, năm 2023 là 60,52 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt, nhiều gia đình chị em vừa tham gia phát triển nông nghiệp, vừa tham gia sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ của HTX nghề do Hội LHPN xã phối hợp thành lập, đã cho thu nhập ổn định từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/ tháng. HTX không chỉ thu hút các hội viên và nhân dân trong xã tham gia sản xuất, mà còn thu hút được các cháu học sinh, sinh viên về nghỉ hè tại đại phương tham gia. Qua đó không chỉ giúp các hộ gia đình phát triển kinh tế mà còn hạn chế được tệ nạn xã hội tại địa phương.
"Đề án hỗ trợ khởi nghiệp" thành công cũng là điều kiện thuận lợi để hội tập hợp, kết nạp, thu hút hội viên tham gia các hoạt động Hội và phong trào Hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cán bộ hội viên và nhân dân trên địa bàn xã. Góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiêp sang công nghiệp, dịch vụ và thương mại.
Thiếu kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề
"Trong thời gian qua, bên cạnh kết quả đạt được của Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", chúng tôi nhận thấy công tác tuyên truyền, vận động của cán bộ Chi hội còn nhiều khó khăn. Do một số gia đình hội viên chưa tin tưởng vào công tác triển khai của Hội. Việc hỗ trợ cho các hộ gia đình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi còn hạn chế. Đối tượng vay hạn chế, nguồn vốn vay hạn chế, nhất là vốn giải quyết việc làm hiện vẫn còn rất ít" - chị Đặng Thị Thu bày tỏ.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề còn khó khăn do không có kinh phí hỗ trợ, chủ yếu đều nhờ vào lòng nhiệt tình của cán bộ Hội trực tiếp phối hợp với HTX học và làm các sản phẩm, rồi về dạy lại cho chị em hội viên mà không có kinh phí hỗ trợ đào tạo.
Hơn nữa, việc hướng dẫn cho các hội viên là phụ nữ trung, cao tuổi còn gặp nhiều khó khăn. Đặc thù là hội viên nông thôn vừa sản xuất nông nghiệp, trông con cháu, chăm lo gia đình, nên việc học nghề không được tập trung, mà chỉ lẻ tẻ, gây khó khăn cho quá trình hướng dẫn, đào tạo cho hội viên. Ngoài ra, công tác tuyên truyền vận động các hộ ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện hiện vẫn còn nhiều khó khăn.
Tìm đầu ra cho sản phẩm mà không phải qua khâu trung gian
Chị Đặng Thị Thu cho biết: "Để tiếp tục phát triển Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp", thời gian tới, Hội LHPN xã Thanh Tân sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động để cùng với các HTX, tổ hợp tác, các hộ gia đình thực hiện. Đồng thời, tiếp tục nắm bắt giúp nhu cầu của các hộ gia đình, các hội viên có nhu cầu mong muốn khởi nghiệp tại địa phương.
Chúng tôi cũng sẽ tìm hiểu, hỗ trợ HTX nghề liên kết hợp tác với các cá nhân có trình độ, hiểu biết để tìm đầu ra cho sản phẩm mà không phải qua khâu trung gian. Hội LHPN xã Thanh Tân cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để HTX và phụ nữ ở nông thôn biết ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá, mở rộng sản phẩm.
Hội cũng tích cực động viên cán bộ, hội viên, đặc biệt là các Chi trưởng sẽ là cầu nối để tuyên truyền, vận động, hướng dẫn đào tạo, quản lý để mở rộng nghề cho cán bộ, hội viên.
Đồng thời, Hội sẽ tham mưu với cấp uỷ địa phương tiếp tục quan tâm đến các tập thể cá nhân có nhu cầu khởi nghiệp tại địa phương, giúp chị em ngày càng tự tin, mạnh dạn khởi nghiệp và thành công".