Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới

Ngự Bình
21/11/2020 - 14:05
Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới
Hội thảo Toàn cầu Thế hệ mới lần thứ 13 đề ra các giải pháp giúp cho cá nhân, gia đình và xã hội có khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới tại châu Á, xảy ra dưới tác động của đại dịch Covid-19, già hóa dân số, xu hướng di cư...

Ngày 21/11, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo khoa học Toàn cầu Thế hệ mới lần thứ 13 với chủ đề "Các rủi ro mới và khả năng chống chịu trong các xã hội châu Á và trên thế giới". Hội thảo được đồng tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới,  Viện Nghiên cứu Con người thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu châu Á KUASU, Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Hội LHPN Việt Nam.

Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới - Ảnh 1.

Quang cảnh hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, GS. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho biết, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất nhiều đến mọi quốc gia trên toàn thế giới. Hơn một nửa lực lượng lao động đã chịu tác động nặng nề, nền kinh tế suy giảm. Tỷ lệ thất nghiệp cao ở các khu vực, đặc biệt phụ nữ di cư gặp nhiều khó khăn, không thể tiếp cận được các dịch vụ bảo trợ xã hội, sự quan tâm chăm sóc. Đây là vấn đề của nhiều quốc gia trên thế giới.

"Chúng ta cần định ra những thách thức, rủi ro để có thể vượt qua khó khăn. Mặt khác, cần tìm hiểu để thích ứng với những thay đổi, giảm thiểu những tác động của đại dịch Covid-19, thiên tai lũ lụt…", ông Nguyên Anh nhấn mạnh.

Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới - Ảnh 2.

GS. Emiko Ochiai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Kyoto Nhật Bản trao đổi trực tuyến

Còn theo GS. Emiko Ochiai - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, Đại học Kyoto Nhật Bản, ở các xã hội Nhật Bản, Hàn Quốc như Việt Nam, tình trạng già hóa đang thay đổi môi trường xã hội phản ứng thông qua các chính sách phù hợp. Vấn đề lão hóa có thể xảy ra trên toàn cầu khi gánh nặng chăm sóc người cao tuổi đang gia tăng. Đồng thời, tác động của bất bình đẳng, vấn đề di cư (bao gồm cả hôn nhân xuyên quốc gia) dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc gia đình và dẫn đến những thay đổi trong cấu trúc và giá trị gia đình. Ở cấp độ gia đình và xã hội, phụ nữ ngày càng có trình độ học vấn cao hơn tham gia rộng rãi vào thị trường lao động. Tuy nhiên, họ tiếp tục gặp bất bình đẳng về chăm sóc sức khỏe, trả lương, chất lượng việc làm và dịch vụ xã hội. Những điều này làm gia tăng các nguy cơ mới, thách thức cuộc sống gia đình nói riêng và xã hội nói chung. Qua đó,  đòi hỏi khả năng ứng phó và giải pháp phù hợp.

Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới - Ảnh 3.

TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam

TS. Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhấn mạnh đến một số vấn đề tác động đến giới, đặc biệt là đại dịch Covid-19 tác động sâu sắc hơn đối với phụ nữ và trẻ em gái. Công việc chăm sóc không được trả lương càng tăng lên đối với phụ nữ khi trẻ em không đến trường, nhu cầu chăm sóc người cao tuổi tăng cao và các dịch vụ y tế quá tải. Trong thời gian cách ly xã hội, bạo lực trên cơ sở giới đối với phụ nữ cũng gia tăng theo cấp số nhân.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Hội đề cập đến các ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai; già hóa dân số; xu hướng di cư nông thôn - đô thị; gia đình Việt Nam trải qua những biến chuyển quan trọng trong những thập niên qua; vấn đề bình đẳng giới... Việt Nam vẫn còn khoảng cách giới trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và bất bình đẳng giới vẫn chủ yếu nghiêng về phụ nữ.

Mặt khác, báo cáo xu hướng nghề nghiệp tương lai cho thấy phụ nữ là nhóm dễ bị tổn thương hơn trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với khoảng 3 triệu việc làm sẽ mất đi. Phụ nữ chưa được trang bị sẵn sàng cho một nền kinh tế tri thức khi chỉ có 9% lực lượng lao động có trình độ đại học, còn 85% chỉ có trình độ trung học hoặc thấp hơn. Điều này đặt ra thách thức đối với việc đảm bảo cho phụ nữ được tiếp cận và hưởng lợi bình đẳng từ những tiến bộ của khoa học công nghệ, nhằm giảm thiểu nguy cơ tổn thương do rủi ro và mặt trái của biến động xã hội. Để có thể chống chịu và phục hồi trước những rủi ro này, việc có một cái nhìn toàn cảnh, đa chiều về các thách thức hiện nay là đặc biệt quan trọng.

Hỗ trợ phụ nữ tăng khả năng chống chịu và thích ứng với những rủi ro mới - Ảnh 4.

Từ trái sang: PGS.TS. Nguyễn Thị Hoài Lê - Viện Nghiên cứu Con người; GS. Đặng Nguyên Anh - Phó Chủ tịch Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa và GS.TS. Trần Thị Minh Thi - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới

Theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, Hội LHPN Việt Nam là một tổ chức chính trị-xã hội, thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam. Trong đó có tham mưu, đề xuất, xây dựng, giám sát và phản biện xã hội luật pháp, chính sách liên quan đến phụ nữ và bình đẳng giới. Trong thời gian qua, Hội đã có nhiều nỗ lực, sáng kiến trong tham gia giải quyết các vấn đề xã hội có liên quan đến phụ nữ ở nhiều cấp độ, từ thực hiện chương trình, hoạt động tới vận động và hoạch địch chính sách, đóng góp quan trọng vào việc mục tiêu bình đẳng giới của Việt Nam. 

"Trong bối cảnh biến đổi xã hội hiện nay với nhiều vấn đề mới, thách thức mới đang đặt ra, hơn lúc nào hết, Hội rất cần các bằng chứng khoa học và thực tiễn cho quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của tổ chức", Phó Chủ tịch Hội Bùi Thị Hòa nhấn mạnh.

Hội kỳ vọng thông qua hội thảo, một bức tranh toàn cảnh về xã hội châu Á được mô tả sống động. Qua đó giúp Hội có những đề xuất can thiệp từ thực tiễn và chính sách nhằm góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của các nước châu Á.

* Tại Hội nghị Thượng đỉnh lãnh đạo nữ ASEAN mới đây, Chủ tịch Quốc hội Việt Nam nhấn mạnh vai trò và đóng góp của phụ nữ cho công cuộc phục hồi toàn diện và bền vững của ASEAN và đề xuất đặt người phụ nữ vào trung tâm công cuộc tái thiết và phục hồi, tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong các quyết sách quan trọng. Mặt khác, đưa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ là ưu tiên quan trọng trong tiến trình xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng sau năm 2025.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm