Hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thoát nghèo

Bài, ảnh: Bích Nguyên
28/04/2025 - 15:27
Hỗ trợ sinh kế, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi giúp người dân thoát nghèo

Cán bộ Đồn Biên phòng thường xuyên tới nhà ông Phạm Văn Mến động viên, chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc cây trồng, vật nuôi

Trong những năm qua, Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk không chỉ hướng dẫn kỹ thuật mà còn trực tiếp hỗ trợ vốn, con giống cho người dân biên giới có thêm sinh kế bền vững, vượt qua đói nghèo.

Với mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau", Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Đắk Lắk đã xây dựng mô hình nuôi cá thương phẩm rồi chuyển giao lại cho các hộ dân trên địa bàn. Để đảm bảo mô hình đạt hiệu quả cao, các đơn vị BĐBP Đắk Lắk đã rất thận trọng, tổ chức nuôi thí điểm trong đơn vị trước, từ đó tìm ra loại cá phù hợp với điều kiện khí hậu, quy trình nuôi chuẩn rồi mới nhân rộng ra nhân dân. Sau khi mô hình nuôi cá trong đơn vị đạt hiệu quả, BĐBP đã rút kinh nghiệm và lựa chọn các hộ dân có nhu cầu và điều kiện phù hợp để trao tặng.

Những người lính biên phòng đứng chân trên địa bàn xã Ea Bung cho hay: Xã Ea Bung có lợi thế là có nguồn nước dồi dào với hệ thống thủy lợi liên hoàn, kênh, rạch phân bố rộng khắp rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Do đó, các anh đã xây dựng mô hình nuôi cá thác lác.

"Đây là loài cá dễ nuôi, dễ chăm sóc, thời gian nuôi ngắn, từ 4-5 tháng là có thể thu hoạch. Hơn nữa, đầu ra của cá rất ổn định. Đơn vị đã liên hệ nhập giống cá từ tỉnh An Giang, nghiên cứu kỹ lưỡng cách thức nuôi dưỡng, điều kiện phát triển của cá trước khi thực hiện thí điểm trong nhân dân" - đại úy Lê Văn Hải, cán bộ Đồn Biên phòng Yok M'Bre, thuộc BĐBP Đắk Lắk cho biết.

Theo chân cán bộ Đồn Biên phòng Yok M'Bre, chúng tôi đến nhà bà Trịnh Thị Tân ở thôn 10, xã Ea Bung dưới cái nắng rực rỡ. Bà Tân vốn quê ở Thái Bình vào Đắk Lắk theo dự án kinh tế mới từ năm 1987. Hiện giờ bà sống cùng con trai là Nguyễn Văn Đức, cũng là trụ cột của gia đình.

Gia đình bà Tân nuôi cá từ năm 2021, xuất phát từ gợi ý của những người lính Đồn Biên phòng Yok M'Bre. Anh Đức cho hay: "Ở đây có nguồn nước dồi dào thuận lợi cho việc sản xuất nông nghiệp. Trong nhiều năm qua, gia đình tôi chỉ trồng lúa nước 3 vụ mà không hề nghĩ tới việc chăn nuôi. Ý tưởng đào ao nuôi cá do các anh Biên phòng khơi gợi".

Với sự hỗ trợ, kích lệ từ BĐBP Đắk Lắk, anh Đức đã mạnh dạn thả nuôi hàng ngàn con cá thác lác để có thêm thu nhập

Với sự hỗ trợ, khích lệ từ BĐBP Đắk Lắk, anh Đức đã mạnh dạn thả nuôi hàng ngàn con cá thác lác để có thêm thu nhập

Với sự hỗ trợ con giống, thức ăn từ Đồn Biên phòng Yok M'Bre, gia đình anh Đức đã xử lý ao cá cũ của gia đình và thả 1.000 con cá thác lác giống. Quá trình thả nuôi, cán bộ Đồn Biên phòng thường xuyên tới nhà bà Tân hỗ trợ, hướng dẫn các thành viên trong gia đình kỹ thuật chăm sóc, đảm bảo dinh dưỡng và phòng bệnh cho cá. Đến thời kỳ thu hoạch, cán bộ của đồn cũng tới phụ giúp gia đình.

Theo anh Đức, cá thác lác rất dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, sinh trưởng, phát triển nhanh, chỉ sau khoảng 7 tháng nuôi là cho thu hoạch. Vụ đầu tiên sau khi trừ chi phí, anh Đức thu lãi 30 triệu đồng. Những năm sau đó, gia đình bà Tân mạnh dạn tăng số lượng con giống thả nuôi lên 2.000 rồi 4.000 con.

Cũng theo anh Đức, cái được lớn nhất là nuôi cá thác lác không mất nhiều công chăm sóc, đầu ra ổn định với giá dao động khoảng từ 70.000 - 100.000 đồng/kg. Với giá như vậy, người nuôi sau khi trừ chi phí sẽ có lãi khoảng 50%.

Anh Đức chia sẻ: "Ở đây, chúng tôi chủ yếu trồng lúa 2-3 vụ, đủ để cung cấp trong gia đình. Từ ngày được bộ đội biên phòng giúp đỡ làm thêm mô hình nuôi cá, kinh tế gia đình tôi dư dả hơn. Tôi hy vọng trong vài năm nữa sẽ dành dụm đủ tiền để xây dựng ngôi nhà mới khang trang hơn".

Chia sẻ về kinh nghiệm nuôi cá thác lát, anh Đức cho biết, trước khi thả cá giống cần khử khuẩn đáy áo, thường xuyên vệ sinh ao nuôi, đảm bảo nguồn nước ra vào ao là nước sạch, sử dụng thuốc chống dịch bệnh cho cá theo đúng liều lượng, quy trình. Anh Đức cho biết thêm, anh thường tận dụng lá bàng làm men vi sinh để chữa một số bệnh nấm trên cá. Để đảm bảo nguồn nước nuôi luôn sạch, giàu ô-xy, một tuần anh Đức bơm nước vào ao 1 lần.

Cũng với tinh thần chia sẻ, Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê đã xây dựng mô hình nuôi cá trắm hỗ trợ người dân xã Ea Bung. Một trong số những hộ dân được hưởng lợi từ mô hình sinh kế này là gia đình bà Bùi Thị Vàng ở thôn 8.

Bà Vàng và chồng là ông Bùi Văn Lánh cùng quê ở huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình vào Ea Bung lập nghiệp năm 1986. Nhìn lại hành trình lập nghiệp ở Tây Nguyên, ông Lánh bảo, điều đáng quý nhất là bà con luôn hỗ trợ, giúp đỡ nhau. Đặc biệt, bộ đội biên phòng luôn gần gũi hướng dẫn và hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống.

Dẫn chúng tôi đi thăm ao cá phía trước nhà, ông Lánh phấn khởi giới thiệu: "Mô hình sinh kế này có bàn tay của những người lính biên phòng. Ao cá này trước đây là vùng đất cằn đầy sỏi đá, trồng lúa không hiệu quả, vì thế, tôi múc đất làm ao thả cá. Tôi thả cá trắm, chép, mè. Các chú biên phòng hỗ trợ gia đình tôi mỗi tháng 500.000 đồng tiền mua thức ăn cho cá. Cá lớn sẽ được giá, vì vậy, tôi định nuôi 2 năm mới thu hoạch, lúc đó sẽ được một khoản lớn, muốn sắm sửa đồ đạc hay đầu tư sản xuất đều được".

Ngoài vợ chồng bà Vàng, Đồn Biên phòng cửa khẩu Đắk Ruê cũng trao tặng mô hình nuôi cá thương phẩm cho ông Phạm Văn Mến, thôn 8, xã Ea Bung. Ông Mến cùng quê với bà Vàng và ông Lanh, vào Đắk Lắk lập nghiệp năm 1986 theo diện đi vùng kinh tế mới.

Lập nghiệp với hai bàn tay trắng nên suốt nhiều năm qua, dù cần mẫn làm ăn nhưng gia đình ông Mến vẫn ở ngưỡng hộ cận nghèo. Trước hoàn cảnh đó, những người lính biên phòng Đồn Đắk Ruê đã trao tặng mô hình nuôi cá thương phẩm. "Khi bộ đội tới nhà nói chuyện giúp đỡ gia đình nuôi cá để có thêm thu nhập, tôi mừng lắm. Tôi quyết định chuyển đổi 1 tấm ruộng ở vùng thấp hay bị ngập nước vào mùa mưa thành ao nuôi cá" - ông Mến kể.

Được sự khích lệ của cán bộ biên phòng, ông Mến mạnh dạn vay vốn ngân hàng múc ao để nuôi cá. Ông Mến cho biết: "Tôi thả cá trắm, trê và chép. Những loài cá này để dễ nuôi và có thể tận dụng nguồn thức ăn từ tự nhiên như cây chuối rừng, các loại cỏ, măng, lá cây rừng…". Đến bây giờ, gia đình ông Mến đã có 2 ao nuôi cá. "So với trồng lúa thì nuôi cá cho thu nhập tốt hơn" - ông Mến chia sẻ.

Đi dọc biên giới Đắk Lắk, chúng tôi nhận thấy, những mô hình sinh kế mà BĐBP Đắk Lắk trao tặng đã và đang trợ lực cho nhiều hộ dân ở khu vực biên giới thoát được nghèo và vươn lên làm giàu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm