Hòa Bình: Sống bất an dưới những "quả bom" hóa chất

Nguyễn Cảnh Dũng
17/01/2024 - 13:03
Hòa Bình: Sống bất an dưới những "quả bom" hóa chất

Có bể không còn mái che, nước đen kịt phía trong

Mỏ đồng An Phú tại xã Thạch Yên (huyện Cao Phong, Hòa Bình) đã dừng hoạt động từ nhiều năm nay nhưng nhiều bể chứa axít vẫn chưa được xử lý và đang nằm chơ lơ trên đỉnh núi. Chính quyền và người dân như ngồi trên đống lửa khi các bể hóa chất này có nguy cơ tràn ra ngoài, theo dòng nước chảy xuống hạ nguồn.
Những "quả bom" nổ chậm

Tọa lạc trên quả đồi rộng lớn thuộc địa bàn xã Thạch Yên (huyện Cao Phong, Hòa Bình), hạ tầng của Công ty CP Khoáng sản Đồng An Phú được xây dựng với quy mô hoành tráng. Nhiều dãy nhà làm việc cùng hệ thống bể lọc quặng đồng được xây dựng trải đều khắp đỉnh núi. Tuy nhiên, mỏ đồng đã dừng khai thác nhiều năm nay, kéo theo hệ thống nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị cũng "đắp chiếu".

"Mỏ đồng khai thác được 2 năm thì trữ lượng đã cạn, còn lại rất ít và sâu. Nhiều năm nay, mỏ đồng đóng cửa, chỉ có một người bảo vệ trông nom. Điều chúng tôi lo lắng là các bể hóa chất vẫn còn đó, treo lơ lửng trên núi, ẩn chứa nhiều rủi ro nếu bị tràn ra ngoài", ông Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên, cho biết.

Theo quan sát của PV, nhiều máy móc, nhà xưởng của Công ty chế biến khoáng sản Đồng An Phú đang xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là các bể chứa dung dịch hóa chất. Nơi tập kết nguyên liệu quặng đồng chỉ được che đậy bằng bạt nhưng theo thời gian đã bị rách. 

Hòa Bình: Sống bất an dưới những "quả bom" hóa chất- Ảnh 1.

Những bể chứa hóa chất được che đậy tạm bợ vẫn treo lơ lửng trên núi

Qua lỗ thủng dễ dàng nhìn thấy, phía bên trong các bể chứa là nước màu đen kịt và đầy đến miệng bể. Nếu không được che đậy, gặp trời mưa lớn, hóa chất này dễ bị tràn, chảy ra suối - nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu của hàng nghìn hộ dân phía dưới. 

"Có tất cả 11 bể, các bể đều có mái che nhưng đã bị thủng, dột. Chúng tôi yêu cầu Công ty phải khẩn trương khắc phục, tránh trường hợp nước mưa làm dung dịch axít tràn ra ngoài nhưng phía doanh nghiệp nói không có tiền. Những bể axit giờ như quả bom nổ chậm, nếu tràn ra ngoài, hậu quả sẽ khôn lường", ông Bùi Văn Thi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Thạch Yên, lo lắng.

Ông Thi cho biết thêm, khi còn hoạt động, mỏ đồng từng bị phạt 320 triệu đồng liên quan đến môi trường. Ngoài ra, năm 2021, người dân phát hiện cá trên suối Cái chết hàng loạt, nghi do hóa chất từ mỏ đồng tràn ra nên người dân đã trình báo chính quyền.

Theo kết quả kiểm tra của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cao Phong vào thời điểm đó, khu vực tập kết nguyên liệu có 3 bể tròn, 5 bể vuông đang chứa dung dịch axit loãng, dung tích các bể đã đầy, các bể có mái che. 

Tuy nhiên hiện tại, hệ thống bạt che đã hư hỏng hoàn toàn, chịu tác động trực tiếp của nước mưa chảy tràn ra các rãnh thoát nước của công ty, chảy trực tiếp ra suối. Cơ quan chức năng đã quyết định xử phạt và yêu cầu thu gom, xử lý nhưng đến thời điểm này, Công ty CP Khoáng sản Đồng An Phú vẫn chưa thực hiện. 

"Nếu mỏ dừng hẳn, cần có biện pháp nhanh chóng giải tỏa, khắc phục môi trường. Các bể chứa hóa chất, nơi tập kết nguyên liệu còn tồn tại mà không có biện pháp bảo đảm an toàn sẽ vô cùng nguy hiểm cho người dân", ông Bùi Đức Chung nói.

Hóa chất đã "giết chết" suối Cái?

Xóm Quà, xã Thạch Yên, nằm ngay dưới chân mỏ đồng An Phú. Xóm Quà cũng là nơi gặp gỡ giữa 3 dòng suối, gồm suối Màn, suối Bai Chúa, sau đó đổ vào suối Cái. Bà Bùi Thị Quyện (70 tuổi) cho biết, trước đây, dưới suối có nhiều tôm, cá và ốc, người dân vẫn thường xuống suối để đánh bắt, cải thiện bữa ăn. 

"Thế nhưng, mấy năm nay, suối Cái không còn con cá, con tôm nào. Tôi khẳng định, hóa chất từ mỏ đồng đã tràn xuống. Năm đó, cá chết trắng suối, cỏ cũng bị cháy khô. Ao của gia đình ông Bảy ở gần suối, cá cũng chết hết và bỏ hoang từ đó. Sinh ra và lớn lên ở đây, chưa bao giờ tôi thấy có hiện tượng cá, tôm chết sạch như thế", bà Quyện cho biết.

Hòa Bình: Sống bất an dưới những "quả bom" hóa chất- Ảnh 2.

Bà Bùi Thị Quyện nghi ngờ hóa chất đã tràn xuống suối khiến tôm cá chết sạch

Để chứng minh hóa chất đã bị tràn ra suối, bà Quyện đã dẫn PV đến nơi gặp nhau của 3 dòng suối. "Nước từ mỏ đồng theo dòng suối Màn chảy vào suối Cái, đá từ màu đen đã đổi thành màu vàng nhạt, khác hẳn với đá ở suối Bai Chúa - nơi không bị ảnh hưởng. Hóa chất đã "rửa sạch" đá và giết chết cả dòng suối Cái", bà Quyện chia sẻ.

Cách mỏ đồng An Phú chục km, chị Bùi Thị Liên (ở xóm Dũng Tiến, xã Dũng Phong) cũng không giấu được sự lo lắng: "Năm 2021, khi cá trong suối chết hàng loạt, chúng tôi cũng nghi ngờ nước từ mỏ đồng tràn xuống. Chúng tôi đã kiến nghị lên chính quyền địa phương nhưng không hiểu sao nhiều năm vẫn chưa xử lý triệt để".

Theo ông Bùi Văn Thi, nếu hóa chất từ mỏ đồng tràn ra thì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến xóm Quà, xóm Đẩy và xóm Ngái thuộc xã Thạch Yên. Suối Cái chảy qua địa bàn các xã: Dũng Phong, Tây Phong, Bắc Phong và Thung Nai, sau đó đổ ra sông Đà nên sẽ có hàng nghìn hộ dân bị ảnh hưởng. "Nếu axít từ bể chứa của mỏ đồng tràn ra, đá cũng cháy nói gì đến sinh vật khác", vị cán bộ xã Thạch Yên nói.

Cùng lo lắng đó, Chủ tịch UBND xã Dũng Phong - ông Bùi Văn Liển - cho hay, chính quyền đã nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân và đã có ý kiến lên các cơ quan chức năng. Trong các lần thanh tra, kiểm tra, lãnh đạo xã đã được mời tham dự nhưng việc xử lý sau đó, lãnh đạo xã không đủ thẩm quyền. 

"Xã Dũng Phong có gần 200ha đất nông nghiệp, 50% trong số đó lấy nước từ suối Cái, nhiều ao, hồ cũng dùng nước từ suối này. Mong muốn của chính quyền và người dân là xử lý các bể hóa chất từ mỏ đồng càng sớm càng tốt. Nước có thể bốc hơi nhưng hóa chất thì không. Nếu mưa lớn, các bể hóa chất không được che đậy tràn ra ngoài sẽ ngấm vào nguồn nước và đất đai, hậu quả sẽ khôn lường", ông Liển chia sẻ.

Hòa Bình: Sống bất an dưới những "quả bom" hóa chất- Ảnh 3.

Bể không còn mái che, nước đen kịt phía trong

Công ty CP Khoáng sản Đồng An Phú được tỉnh Hòa Bình cấp phép khai thác đồng tại xã An Phú từ tháng 12/2013 và đến tháng 12/2021 đã hết hạn. 

Trong Kết luận của ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình vào tháng 6/2023, cho biết: "Đến thời điểm hiện nay, dự án chưa đủ điều kiện để gia hạn, đồng thời giao Công ty CP Khoáng sản Đồng An Phú thực hiện khắc phục triệt để các vi phạm về môi trường, các hạng mục công trình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đối với dự án Nhà máy chế biến đồng An Phú (trong đó xử lý ngay các bể chứa dung dịch hóa chất), xong trước ngày 30/6/2023".

Mặc dù đã có chỉ đạo nhưng sau 2 năm, các bể hóa chất vẫn chưa được xử lý nên ngày 15/12/2023, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hòa Bình đã có văn bản, không chấp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác mỏ đồng tại xã Thạch Yên của Công ty CP Khoáng sản Đồng An Phú.

Mỏ đồng An Phú có hoạt động trở lại hay không vẫn còn là dấu hỏi nhưng sự đe dọa từ các bể hóa chất với người dân đang hiển hiện trước mắt. Một cơn mưa lớn cũng có thể làm hóa chất từ mỏ đồng tràn xuống, có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và sự an toàn của người dân.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm