pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tảo hôn ở Hang Kia (Hòa Bình): Người lớn chạy theo giải quyết hậu quả của những cặp vợ chồng trẻ con
Kết hôn, sinh con sớm, không có công ăn việc làm ổn định ảnh hưởng đến tương lai của cả người mẹ và đứa trẻ.
Tảo hôn ngày càng trẻ hóa
Ông Khạ A Hờ (người có uy tín xóm Thung Ằng, xã Hang Kia) cho biết, có một thực tế là những năm gần đây, vấn nạn tảo hôn ở xã Hang Kia càng trẻ hoá.
"Thời gian trước, nam nữ thanh niên người Mông kết hôn khi tuổi đã quá 15, nghĩa là vào thời điểm đó, nam nữ thanh niên đều có sức khỏe và có thể đáp ứng được công việc nương rẫy. Giờ đây, mạng nhiều nên trẻ con dễ dàng học được những kiến thức qua mạng nên dễ gây tò mò dẫn đến tình trạng 13, 14 tuổi đã lấy vợ, thậm chí có những đứa chưa dậy thì đã lập gia đình", ông Hờ cho biết.
Có nhiều năm công tác tại Trạm Y tế xã Hang Kia, chị Sùng Y Múa cho biết, từng có nhiều trường hợp bà mẹ "nhí" đến trạm để sinh nở. Mặc dù trạm tích cực tuyên truyền, tư vấn, thuyết phục chuyển tuyến trên bởi sinh nở ở độ tuổi 14 - 15 dễ xảy ra nguy cơ, biến chứng nguy hiểm nhưng gia đình sản phụ nhất quyết không đi với lý do điều kiện kinh tế. Phải chọn giữa đẻ tại nhà và đẻ tại trạm, cán bộ y tế cơ sở không thể thoái thác, cố gắng hết sức để giảm thiểu rủi ro, bảo vệ an toàn sức khoẻ, tính mạng cho mẹ và bé.
Kết hôn khi chưa đủ độ tuổi cũng đồng nghĩa với việc những ông bố, bà mẹ nhí sẽ gặp vô vàn khó khăn liên quan đến thủ tục hành chính. Thứ nhất là về việc đăng ký kết hôn và thứ nữa là việc khai sinh cho những đứa trẻ khi chúng chào đời.
Một cán bộ tư pháp của xã Hang Kia chia sẻ, những ông bố, bà mẹ nhí này thường lựa chọn cách đợi đến khi con cái đủ tuổi đến trường họ mới ra xã để xin làm giấy khai sinh cũng như làm thủ tục đăng ký kết hôn.
Phức tạp nhất là khi những đôi bỏ nhau, đa phần đứa trẻ ở với bố. Khi làm thủ tục khai sinh cho các cháu, cần phải có cả mẹ đẻ đến kí. Trong khi đó, đa phần những người mẹ của đám trẻ này đi lấy chồng ở xa. Nhiều người còn không liên lạc được.
Vấn đề bắt đầu phát sinh từ đây, nếu muốn các cháu làm được giấy khai sinh phải có mẹ đẻ cùng giải quyết. Lúc này, gia đình của các cháu mới tá hỏa đi tìm mẹ cho các cháu về để giải quyết thủ tục. Nhiều trường hợp lấy chồng xa, cán bộ tư pháp xã phải liên hệ cả tháng, thậm chí cả năm trời mà chưa đến giải quyết được. Việc này dẫn tới những đứa trẻ chịu nhiều thiệt thòi khi đến tuổi đi học mà chưa giải quyết xong thủ tục làm giấy khai sinh.
Theo thống kê, năm 2022, toàn xã Hang Kia còn 62 cháu bé chưa làm xong giấy khai sinh, trong đó có 56 trường hợp là do bố mẹ tảo hôn và 6 trường hợp chưa đến khai.
Hiệu trưởng phiền lòng vì học trò tảo hôn
Hiện đang là Hiệu trưởng Trường TH & THCS Hang Kia A, cô Ngần Thị Lâm bộc bạch, bản thân cảm thấy đau đầu về vấn đề tảo hôn ở địa phương. Mặc dù trường thường xuyên phối hợp cùng các cấp ngành tuyên truyền về tình trạng tảo hôn nhưng năm nào nhà trường cũng có học sinh đang học tập thì đột ngột thông báo kết hôn.
"Thông thường, thời điểm học sinh tại trường kết hôn nhiều nhất rơi vào dịp Tết Nguyên đán khi mà thời gian được nghỉ khá dài và hội hè cũng diễn ra nhiều. Với đồng bào Mông ở Hang Kia, sau khi kết hôn, hầu như các em gái đều phải nghỉ học, trừ trường hợp gia đình nào có điều kiện. Trong khi đó, những em học sinh nam vẫn học tập tại trường như bình thường", cô Lâm chia sẻ.
Vị hiệu trưởng cho biết rằng, do đặc thù của đồng bào dân tộc Mông nên không chỉ tại trường THCS Hang Kia mà những trường khác khu vực này cũng xảy ra tình trạng tảo hôn trong học sinh. Đối với các em ra lớp, nhà trường đã làm công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng cho các em và phân tích một số hệ lụy khi các em kết hôn sớm. Còn với các em học sinh chưa ra lớp, nhà trường kết hợp với địa phương đến tận nhà vận động, thậm chí đến tận nhà chồng của các em để vận động cho các em đi học.
Khi được hỏi về những tác động tiêu cực của tình trạng tảo hôn tới sức khoẻ của những bà mẹ nhí, bà Giàng Y Dua, Chủ tịch Hội LHPN xã Hang Ki,a cho rằng, tảo hôn làm mất đi nhiều cơ hội cải thiện điều kiện sống và chăm sóc sức khoẻ, suy giảm giống nòi và chất lượng nguồn nhân lực. Bản thân những bà mẹ trẻ bị ảnh hưởng trực tiếp về sức khoẻ, thể chất, tâm sinh lý, sức khoẻ sinh sản do cơ thể chưa phát triển đến độ hoàn thiện.
Nhất là đối với trẻ em gái do chưa đến tuổi trưởng thành, quan hệ tình dục sớm rồi mang thai, sinh đẻ, nuôi con sớm đương nhiên làm chậm quá trình phát triển thể chất tự nhiên, dẫn tới thoái hoá và các di chứng bệnh tật, làm suy kiệt sức khoẻ, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, tương lai của bà mẹ và những đứa trẻ được sinh ra.
Đi liền với hủ tục tảo hôn đang tồn tại là nhiều tác hại, hệ luỵ cho bản thân, gia đình, xã hội, như: Về giáo dục, các trường hợp tảo hôn thường phải nghỉ học giữa chừng, mất cơ hội học tập, phát triển, thiếu kiến thức xã hội, cản trở con đường phát triển tài năng, nhân cách, trí tuệ, thể chất; về kinh tế, nhiều cặp vợ chồng tảo hôn không có việc làm, gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, không tự chủ về kinh tế dẫn đến tỷ lệ đói nghèo gia tăng, kéo theo tình trạng đổ vỡ, ly hôn, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của trẻ em…
Giải pháp để không còn những "lời ru buồn"
Theo thống kê của Ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh có 1.881 trường hợp tảo hôn, 18 trường hợp hôn nhân cận huyết thống, tập trung ở các huyện Kim Bôi, Mai Châu, Lương Sơn, Đà Bắc... Các trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống xảy ra chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để giảm thiểu tình trạng này, huyện Mai Châu đã ra mắt mô hình điểm "Phòng, chống tảo hôn" tại 2 xã Hang Kia và Pà Cò. Tham gia mô hình có 92 thành viên tại 4 xóm của 2 xã với hy vọng các thành viên sẽ là những nhân tố tích cực trong việc tuyên truyền tư vấn tại chỗ những vấn đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, người dân, đặc biệt là dân tộc Mông trên địa bàn xã trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình.
Tại xã Hang Kia, để giảm thiểu tình trạng tảo hôn, chính quyền xã đã đến từng nhà, gặp từng đối tượng có con em từ 10 tuổi trở lên để vận động họ không cho con cái tảo hôn. Bên cạnh đó, tại các xóm, các dòng họ đã xây dựng quy ước, hương ước về phòng, chống tảo hôn. Theo đó, 4 xã Vân Hồ, Lóng Luông (huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) và Hang Kia, Pà Cò (huyện Mai Châu, Hòa Bình) là khu vực có địa giới hành chính giáp ranh và có đông đồng bào Mông sinh sống. Tại 4 xã này, hơn 80% là đồng bào dân tộc Mông đã cùng nhau ký vào hương ước, trong đó có việc chống tảo hôn.
Hội LHPN xã Hang Kia cũng đã thành lập Mô hình điểm "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống" tại Chi hội phụ nữ 3, xóm Hang Kia với 20 thành viên, là những hội viên nòng cốt, hội viên tiên phong và có khả năng tuyên truyền vận động.
Mô hình hướng đến nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân, vai trò trách nhiệm của cha mẹ… Từ đó, can thiệp làm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, thực hiện bình đẳng giới, giảm thiểu mang thai, sinh con trước 18 tuổi và phòng, chống bạo lực gia đình.