Quyết liệt đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng miền núi Nghệ An

Minh Châu
24/11/2023 - 06:57
Quyết liệt đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng miền núi Nghệ An

Cán bộ đến từng thôn, bản để tuyên truyền về những hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Ái Vân

Vùng miền núi Nghệ An là nơi có rất đông người đồng bào Dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống. Nơi đây từng là “điểm nóng” của tình trạng tảo hôn, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội. Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tình trạng tảo hôn đang từng bước được đẩy lùi.

Tảo hôn dẫn đến nhiều hệ lụy

Sáng sớm tinh mơ, khi những giọt sương buốt giá còn đọng lại trên các ngọn cây, chị Nguyễn Thị Nhàn ở thôn Bình Quang, xã Châu Bình (Quỳ Châu, Nghệ An) đã băng rừng, chở con đang học lớp 7 ra trung tâm huyện để đi học. 

Dù vất vả nhưng chị Nhàn cho biết, sẽ cố gắng cho các con ăn học đến nơi đến chốn với mong muốn sau này "thoát ly" khỏi cuộc sống khó khăn. Ngoài một cháu đang học lớp 7, con lớn của chị Nhàn năm nay học lớp 12 cũng được gia đình cho xuống tận thành phố Vinh đi học.

Nếu như trước đây, học sinh thường bỏ học sớm sau đó lập gia đình nhưng giờ đây, chị Nhàn và nhiều gia đình khác ở xã miền núi Châu Bình đều chú trọng để cho con đi học đến nơi đến chốn. Đây cũng được xem là "lá bùa thiêng" giúp đẩy lùi tình trạng tảo hôn trên vùng Quỳ Châu - nơi đồng bào DTTS chiếm 78,02% dân số.

Chia sẻ với báo chí, thầy giáo Vi Đình Tài, Phó Hiệu trưởng Trường Dân tộc Nội trú, THCS Châu Phong, huyện Quỳ Châu cho hay, trước đây nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết xảy ra liên tục ở trong trường học và trên địa bàn huyện.

Nhà trường cũng triển khai rất nhiều hoạt động tuyên truyền để giảm thiểu, xoá bỏ nạn tảo hôn trong nhà trường, cũng như phối hợp với gia đình, đoàn thể, tổ chức tuyên truyền cho các em học sinh hiểu sâu hơn về tác hại của nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.

Quỳ Châu là huyện miền núi vùng cao của tỉnh Nghệ An với địa hình phức tạp. Số hộ dân cư trên địa bàn huyện 14.679 hộ, trong đó hộ DTTS 11.275 hộ; dân số 62.853 người, trong đó dân số đồng bào DTTS 49.035 người, chiếm 78,02% (chủ yếu là dân tộc Thái).

Quyết liệt đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng miền núi Nghệ An- Ảnh 1.

Tập huấn, nâng cao năng lực về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết tại huyện Quỳ Châu

Theo thống kê từ Phòng dân tộc (UBND huyện Quỳ Châu), năm 2022 có 416 cặp kết hôn trong đó số cặp tảo hôn 17 cặp (đều là các cặp tảo hôn một người). Xã Châu Bình là nơi có tình trạng tảo hôn nhiều nhất với 10 cặp. Quý I năm 2023, có 126 cặp, số cặp tảo hôn 8 cặp (đều là các cặp tảo hôn một người). Tỷ lệ số cặp tảo hôn/số cặp kết hôn là 6,34%.

Mặc dù con số trên được xem là khá "tích cực" nhưng bà Lê Thị Ngọc, Trưởng phòng dân tộc huyện Quỳ Châu, cho rằng, như vậy vẫn là cao so với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể.

Theo bà Ngọc, tảo hôn còn xảy ra, chứng tỏ nhận thức, suy nghĩ của người dân về hôn nhân gia đình, về giới tính và sức khỏe sinh sản còn chưa đầy đủ, hạn chế. Đây chính là nguyên nhân gây ra nhiều hệ lụy cho mỗi em gái, em trai; cho gia đình, bản làng và xã hội, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và cuộc sống.

Sẽ xử lý nghiêm nếu vi phạm

Hiện nay đời sống của đồng bào DTTS tại huyện Quỳ Châu đang gặp nhiều khó khăn, thiếu việc làm, thu nhập không ổn định, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt 31,4 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2022 còn ở mức cao chiếm 37%.

Theo lãnh đạo địa phương, điều kiện kinh tế của người dân còn gặp nhiều khó khăn, thu nhập không ổn định nên không đủ chi phí trang trải việc học hành của con cái và thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu để nuôi dạy con cái, dẫn đến tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, thất học và kết hôn sớm.

Ngoài ra, do quan điểm về đời sống của con người trong xã hội hiện nay thông thoáng, cởi mở hơn nhiều so với trước đây, không bị gò bó bởi quy phạm đạo đức ngày xưa. Điều đó dẫn đến việc chung sống như vợ chồng hoặc quan hệ tình dục trước hôn nhân đã trở nên hết sức phổ biến.

Đặc biệt, cơ chế chính sách trong hôn nhân và gia đình còn một số bất cập, nhất là trong chế tài quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực tảo hôn chưa đồng bộ và chưa đủ mạnh để ngăn ngừa, răn đe tình trạng tảo hôn.

Quyết liệt đẩy lùi tình trạng tảo hôn ở vùng miền núi Nghệ An- Ảnh 2.

Các em học sinh trường Dân tộc Nội trú, THCS Châu Phong, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An đang lắng nghe các tuyên truyền viên tuyên truyền về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Ảnh: Ái Vân

Lãnh đạo huyện Quỳ Châu cũng thẳng thắn thừa nhận, do một số cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở chưa nhận thức đầy đủ về tác hại của tình trạng tảo hôn và thiếu sự quan tâm, chỉ đạo, quản lý về tình trạng hôn nhân và gia đình; sự can thiệp từ phía chính quyền cơ sở đối với các trường hợp vi phạm tảo hôn còn chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết.

Cùng với đó là sự phối hợp giữa các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Hôn nhân và Gia đình chưa đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý, giáo dục con em trong gia đình chưa chặt chẽ, các bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm thường xuyên đến đời sống tâm lý, tình cảm của con em mình khi bước vào độ tuổi vị thành niên.

Để giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lãnh đạo huyện Quỳ Châu cho biết: Các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cần quan tâm đến vấn nạn tảo hôn hơn nữa. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao hiểu biết của người dân. Đặc biết, sẽ xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình, xử phạt hành chính kết hợp với xử phạt theo hương ước, quy ước của bản.

Nghệ An có 47 thành phần dân tộc khác nhau chiếm 14,76% dân số trong toàn tỉnh. Người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao là Thái, Khơ Mú, Mông, Ơ Đu sống tập trung ở các huyện miền núi và trung du như huyện kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu... 

Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc quyết liệt các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, tình trạng tảo hôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có sự chuyển biến tích cực. Người dân từng bước nâng cao ý thức, chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực, nhất là ở vùng đông bào dân tộc thiểu số. 

Đơn cử như tại xã Tri Lễ, huyện Quế Phong - địa phương mà tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm đến 70% nhưng theo bà Vi Thị Sinh - Chủ tịch Hội LHPN xã - cho biết: Trên địa bàn có rất nhiều người Mông sinh sống - dân tộc có tình trạng tảo hôn rất cao nhưng những năm gần đây đã không còn tình trạng này. 

"Chúng tôi có CLB phòng chống tảo hôn và thường xuyên phối hợp tuyên truyền đến nhà trường, gia đình và thôn bản. Chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục và rất quyết tâm nên từ năm 2018 đến nay tình trạng tảo hôn giảm rõ rệt. Riêng năm 2023 chỉ có 4 cặp vi phạm", bà Sinh chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm