Hồi sinh
Giống những thiết bị lưu trữ âm thanh “cổ điển” như đĩa than và băng từ, ampli đèn cũng từng có thời coi như bị “khai tử” khi các thế hệ ampli bán dẫn và vi mạch thi nhau ra đời với rất nhiều tính năng mới mẻ, lạ lẫm - nhất là khả năng tạo hiệu ứng và biểu thị âm thanh bằng ánh sáng. Thời đó cách nay chưa lâu, chỉ khoảng trên dưới 20 năm.
Thế là rất nhiều người đang sử dụng các loại thiết bị chạy đèn, ngoài ampli còn có radio, máy quay đĩa tích hợp radio và ampli, máy thu băng… đều chạy theo “phong trào”, phế bỏ các “cục cưng” một cách không thương tiếc. Ở Việt Nam, một số người đem bán rẻ ampli đèn cho hàng phế liệu, cũng có những người tháo dỡ phần máy móc bỏ đi, tận dụng phần thùng máy để làm… chuồng gà. Phần đông thì vứt bỏ bằng nhiều cách khác nhau, nhưng tựu trung là những chiếc máy đều bị đối xử như… rác rưởi!
Nghĩ lại chuyện chưa lâu ấy, thấy tiếc nhưng cũng… có lý. Bởi so với những dàn âm thanh hitech hiện đại, bóng bẩy và xinh xắn, thì những chiếc máy chạy đèn trông quá thô kệch, cồng kềnh. Còn nếu so về công suất thì rõ ràng ampli đời mới ăn đứt: Những chiếc ampli đèn loại nào “xịn” lắm cũng chỉ cho công suất 30-50 watt, trong khi một chiếc ampli bán dẫn có kích thước nhỏ gọn đã có thể cho côn suất tới vài trăm watt, kéo được những đôi loa “khủng”.
Thế nhưng, sự đời có những chuyện không ai ngờ tới. Sau một thời gian không quá dài “mê mẩn” với những loại âm thanh hitech, giới nghe nhạc sành điệu chợt nhận ra những khiếm khuyết lớn, khiến cho đôi tai vốn “khó tính” của họ không “đã”, mà nổi bật hơn cả là chất âm khô khan, cứng nhắc và không hoàn toàn trung thực. Ngay giữa lúc ấy, một số người có đầu óc “nhìn xa trông rộng”, không chạy theo “đám đông” vứt bỏ những chiếc ampli đèn, được dịp khoe các món “đồ cổ” mà mình lưu giữ lại, để so sánh với những dàn hitech. Thế là thiên hạ lại ùn ùn đổ xô tìm kiếm ampli đèn cùng các thiết bị lưu trữ âm thanh công nghệ analog.
Cơn sốt âm li đèn quay trở lại khiến nhiều người từng mạnh tay phá hủy nó tiếc ngẩn ngơ
Từ gần 10 năm nay, một “cơn sốt” nho nhỏ trong giới chơi âm thanh đã nổ ra, đẩy giá những thiết bị “cổ xưa” lên cao ngất, gấp vài chục đến hàng trăm lần so với lúc ban đầu.
Vào thập niên 1970, Jean Hiraga, nhà tiên phong trong phong trào hi-fi của Pháp, khẳng định chất lượng âm thanh của ampli đèn là vượt trội so với ampli bán dẫn. Đến giờ, nhiều người quan niệm rằng, phải là nghe máy đĩa than, băng cối đi kèm với ampli đèn thì mới “xứng danh” là Hi-end (âm thanh đỉnh cao)!
“Cuộc đấu âm thanh” đầy hứng khởi
Thật ra, giới chơi âm thanh không hoàn toàn hài lòng với những loại ampli đèn cổ điển, ra đời từ cách đây vài thập niên. Những cái tên “vang bóng một thời” như Leak, Quad với các ampli phát thanh đại chúng từ thập niên 50 của thế kỷ trước dần nhường chỗ cho các sản phẩm mới, có nhiều tính năng ưu việt hơn hẳn.
Một chiếc âm ly đèn tự ráp nói nên chủ nhân của nó là người như thế nào
Trong cuộc đua giữa các nhà sản xuất, Dynaco và Mcintosh (Mỹ) là 2 cái tên quá quen thuộc từ hơn nửa thế kỷ nay, song bất chấp sự “ghẻ lạnh” của thị trường một thời, chưa bao giờ rời khỏi cuộc chơi khi liên tục cho ra đời các sản phẩm ampli đèn suốt 60 năm qua. Bên cạnh đó còn có các tên tuổi khác như: Audio Research, EAR, Jadis, Conrad Johnson, Audio Note và VTL… Hiện các hãng này đều đang hoạt động cùng vô số nhà sản xuất ampli đèn khác, với nhiều hướng thiết kế rất đa dạng. Đáng chú ý là loại ampli single-end nổi tiếng, thể hiện sự trở lại của các thiết kế ra đời từ những năm 1920, cho thứ âm thanh vô cùng ấn tượng.
Song, cuộc “thập tự chinh” của ampli đèn không dừng lại ở phía các nhà sản xuất có tên tuổi, mà còn thâm nhập sâu vào đời sống cộng đồng “tín đồ Hi-end” trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Chơi ampli đèn tự ráp (DIY) không còn là thú vui xa lạ đối với những người đam mê thiết bị âm thanh ở Việt Nam, khi ngoài mong ước làm ra một chiếc ampli với chất lượng hoàn hảo, họ còn muốn thông qua nó thể hiện những ý tưởng sáng tạo của mình. Do vậy, mỗi tác phẩm DIY như một hình mẫu thể hiện tính cách và khát vọng của tác giả. Có người cho rằng, chỉ cần nhìn và nghe chiếc ampli DIY là có thể đoán ra chủ nhân là người như thế nào.
Ngày nay, việc mua các loại linh kiện mới, chất lượng cao, chủng loại phong phú không còn quá khó. Vấn đề còn lại nằm trong ý tưởng thiết kế của người chơi. Hàng năm, các DIYer vẫn thường tổ chức nhiều cuộc thi với tính cạnh tranh rất cao. Đó thực sự là những “cuộc đấu âm thanh” đầy hứng khởi.