Một tin buồn đến với ai hâm mộ Huyền Trang nói riêng và làng thể thao nói chung. Sáng ngày hôm nay 23/7, hoa khôi đá cầu Huyền Trang đã qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác.
Một năm trước đây, căn bệnh ung thư vú hiểm nghèo mà Huyền Trang mắc phải có chuyển biến tích cực. Sau hai năm kiên trì điều trị, Huyền Trang có thể trở về nhà bên gia đình và người thân.
Thế nhưng, niềm vui ngắn chẳng tày gang, trở về bên gia đình chưa được bao lâu, Huyền Trang lại đón nhận hung tin. Căn bệnh ung thư vú quái ác di căn sang xương. Và lần này, Huyền Trang đã không thể gượng dậy và gục ngã trước sự trở trêu của số phận.
Trước đó, nếu không có "phát hiện" của báo giới cũng như những người hảo tâm, có lẽ chị đã thực sự chìm vào vào quên lãng của cái sự "bạc" trong thể thao.
Huyền Trang sinh năm 1985 ở phố Cát Linh, ngay gần đại bản doanh của thể thao Hà Nội, nên chuyện đến với thể thao từ khá sớm. Trang theo tập karatedo tại Trung tâm Thể thao Hà Nội trên phố Trịnh Hoài Đức chỉ để cho khỏe, nhưng lại mê, rồi đến với đá cầu bất chấp sự ngăn cản của gia đình.
14 tuổi có mặt trong đội tuyển đá cầu Hà Nội, rồi Trang nhanh chóng trở thành trụ cột không thể thay thế của đội tuyển đá cầu quốc gia từ năm 2000 đến 2007. Trong quãng thời gian ấy, Huyền Trang đã bước lên đỉnh cao với 2 HCV nội dung đồng đội nữ và đôi nữ tại SEA Games 22 năm 2003 ngay tại Việt Nam, 2 HCV tại Giải vô địch thế giới năm 2005.
Không chỉ có tài năng, Huyền Trang còn nổi bật với khuôn mặt xinh xắn và năm 2007, khi giã nghiệp để bước lấy chồng, sinh con, ai cũng mừng cho nữ hoa khôi thể thao này.
Cũng chỉ 1 năm, cuộc hôn nhân tưởng như viên mãn ấy chẳng thể cứu vãn, để nuôi con, Trang cũng đã trở lại với đá cầu, nhưng rồi căn bệnh ung thư quái ác đã đánh gục chị. Xuất hiện những cơn đau ở ngực, sau nhiều lần xét nghiệm, Trang bị phát hiện ung thư vú và đã di căn vào xương.
Khi mới phát hiện bệnh, vừa điều trị, chị vừa tranh thủ thời gian tham gia đá cầu "phủi", tới tháng 5/2015, khi tái khám chị mới biết bệnh tình đã ở giai đoạn nặng và một thời gian sau, Trang bị liệt hai chân, mọi sinh hoạt đều phải nhờ tới người thân.
Chẳng hề oán trách, chỉ mong khỏi bệnh để đỡ làm khổ bố mẹ và ước thêm một lần thi đấu đỉnh cao nữa, chỉ có điều đã giải nghệ, đã bước ra khỏi ánh hào quang năm nào, khó khăn dồn lại đã trở nên quá sức.
Báo giới và những người hâm mộ cùng tổ chức kêu gọi quyên góp ủng hộ, phía ngành thể thao cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên. Chỉ có điều, cuộc chiến cuộc đời đã trở nên quá sức với Trang...
Giá mà những trường hợp như Huyền Trang và rất, rất nhiều những trường hợp xót xa khác đã thực sự chìm trong quên lãng, ai cũng muốn ước, ước họ có nhiều hơn sự đãi ngộ sau khi giã từ sự nghiệp, có nhiều hơn sự sẻ chia.