Hoạt động của tòa án phải tạo được niềm tin của người dân vào công lý

BT
21/12/2020 - 15:50
Hoạt động của tòa án phải tạo được niềm tin của người dân vào công lý

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hoạt động của tòa án phải có trọng trách đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý.

Sáng ngày 21/12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị triển khai công tác tòa án năm 2021 của Tòa án nhân dân Tối cao (TANDTC).

Trong nhiệm kỳ, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, số lượng các vi phạm, tội phạm, tranh chấp, khiếu kiện ngày càng tăng tỉ lệ thuận với quy mô dân số và nền kinh tế, đặc biệt, số lượng các vụ việc phải thụ lý, giải quyết tăng mạnh (mỗi năm tăng trung bình khoảng 10%) song tòa án các cấp đã triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung mọi nguồn lực để cố gắng giải quyết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với kết quả là trong nhiệm kỳ 2016-2020, tỉ lệ giải quyết án đạt cao (trên 97%) vượt chỉ tiêu Quốc hội giao (so với nhiệm kỳ trước, số vụ việc đã thụ lý tăng 35%, đã giải quyết tăng 33%).

Hoạt động của tòa án phải tạo được niềm tin của người dân vào công lý - Ảnh 2.

Thủ tướng cho biết, trong nhiệm kỳ, Nhà nước đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng 78 trụ sở tòa án mới khang trang, hiện đại, với tổng kinh phí đầu tư gần 5.400 tỷ đồng. Đến nay, cơ bản các toà án đã có trụ sở làm việc đáp ứng yêu cầu xét xử.

Bên cạnh đó, vẫn còn những tồn tại, hạn chế, nổi lên là tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm mặc dù đã có nhiều tiến bộ và năm sau đạt tỉ lệ cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Thời gian giải quyết nhiều vụ án kinh doanh, thương mại, yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp còn kéo dài, chất lượng giải quyết chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân và doanh nghiệp. Những hạn chế này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường đầu tư kinh doanh của nước ta, ảnh hưởng tới vị trí xếp hạng của Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh và chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Thủ tướng cho rằng, chúng ta phải tiếp tục cải cách, đổi mới để nền tư pháp Việt Nam phát triển hiện đại, bắt kịp với các nền tư pháp tiến bộ trên thế giới. Đây là thử thách lớn đối với hệ thống tòa án, phải xác định cải cách tư pháp chính là động lực phát triển để nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tòa án.

Hoạt động của tòa án phải có trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân. Qua đó, đem lại lẽ phải, sự công bằng cho xã hội, tạo được niềm tin của người dân vào công lý, vào nền tư pháp. Trong đó, mỗi bản án phải là những án văn mẫu mực thể hiện tập trung, rõ nét nhất quyền tư pháp của tòa án. Mỗi bản án phải là những chuẩn mực pháp lý, chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực xã hội có tác dụng giáo dục pháp luật, định hướng hành vi của người dân và của cả xã hội, qua đó khuất phục tội phạm, thuyết phục người dân và xã hội đồng thuận, tuân thủ. Để làm được điều này, hoạt động tòa án phải thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự bình đẳng trước pháp luật, tăng cường tính công khai, minh bạch, vô tư, độc lập trong việc ra phán quyết.

Bảo đảm quyền con người, quyền công dân, oan, sai mới được loại trừ, vi phạm mới được khắc phục và tòa án mới thực sự giữ vị trí là trung tâm của hệ thống tư pháp.

Tòa án cần tập trung nâng cao chất lượng, tính khả thi, chính xác của các phán quyết. Khi phát hiện các bản án sai sót phải kiên quyết khắc phục, nhận khuyết điểm, sửa chữa. Qua công tác xét xử, tòa án cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, đơn vị trong công tác quản lý, những kẽ hở của cơ chế, chính sách hay khiếm khuyết của pháp luật để chủ động tham mưu cho Ðảng, Quốc hội, kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan áp dụng biện pháp khắc phục, phòng ngừa.

Cấp uỷ, tổ chức đảng và đảng viên trong hệ thống tòa án phải quán triệt công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là "phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực".

Đẩy nhanh tiến độ, đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm theo phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ".

Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng thông qua việc chú trọng truy tìm, kịp thời áp dụng các biện pháp đồng bộ để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng cho Nhà nước ngay từ giai đoạn xét xử và thi hành án.

Bản án xét xử tội phạm tham nhũng phải góp phần kiềm chế, ngăn chặn tham nhũng, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, qua đó, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy tòa án theo hướng khoa học, hiện đại, tinh gọn, bảo đảm tính ổn định, phù hợp với thực tế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với vị trí là trung tâm của hoạt động tư pháp. Phấn đấu xây dựng TAND xứng đáng trở thành "Thành trì bảo vệ công lý" đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và sự mong đợi của nhân dân...

Nguồn: VGP
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm