57,4% tài sản tham nhũng đã được kê biên, phong tỏa, thu hồi

Dũng-Thành-Hoa
12/12/2020 - 12:33
57,4% tài sản tham nhũng đã được kê biên, phong tỏa, thu hồi

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng cùng các đại biểu dự hội nghị toàn quốc phòng chống tham nhũng. Nguồn ảnh: VOV

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho biết, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng chuyển biến tích cực khi tạm giữ, kê biên, phong toả thu hồi gần 68.000 tỷ/118.000, đạt 57,4%. Trong đó, các vụ thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi đạt kết quả thu hồi khá cao.

Sáng nay (12/12), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013- 2020.

Dự Hội nghị còn có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, các lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và gần 700 đại biểu tại Hội trường Bộ Quốc phòng và gần 5.000 đại biểu dự trực tuyến tại hơn 80 điểm cầu.

Báo cáo công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc khẳng định, kết quả phòng chống tham nhũng tiếp tục đạt kết quả tích cực, được nhân dân đánh giá cao.

57,4% tài sản tham nhũng đã được kê biên, phong tỏa, thu hồi - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: N.Bắc

Nhiều vụ án lớn được điều tra, truy tố, xét xử công khai, nghiêm minh, thể hiện không có vùng cấm, không ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bên cạnh đó, việc thu hồi tài sản tham nhũng cũng chuyển biến tích cực khi tạm giữ, kê biên, phong toả thu hồi gần 68.000 tỷ/118.000, đạt 57,4%. Trong đó các vụ thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi đạt kết quả thu hồi khá cao. Theo ông Phan Đình Trạc, với tinh thần quyết tâm cao, không khoan nhượng, xử lý một vài người để cứu muôn người như lời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước dẫn số liệu cho thấy hàng trăm nghìn đảng viên bị xử lý kỷ luật, trong đó Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật 10 tổ chức đảng và hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý. Nhiều cán bộ trong lực lượng vũ trang cả đương chức và nghỉ hưu có vi phạm cũng bị xem xét xử lý. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng. Công tác cán bộ có nhiều đổi mới, dân chủ, chặt chẽ; tình trạng chạy chức, chạy quyền, cục bộ, lợi ích nhóm giảm hẳn.

Nêu các giải pháp về gắn phát hiện và xử lý sai phạm về tham nhũng, kinh tế qua công tác thanh tra, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho rằng cần đảm bảo tiến độ, thời gian ban hành kết luận Thanh tra các vụ việc có dấu hiệu vi phạm đặc biệt nghiêm trọng được Ban chỉ đao Trung ương về phòng, chống tham nhũng giao, dư luận xã hội quan tâm đối với tất cả các đoàn Thanh tra do Thanh tra Chính phủ thực hiện; kiên quyết chuyển điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm; tăng cường công tác thu hồi tài sản ngay trong quá trình Thanh tra. Đặc biệt, nâng cao trách nhiệm nêu gương, về tu dưỡng, rèn luyện đạo đạo của cán bộ, đảng viên làm công tác thanh tra, nhất là người đứng dầu cơ quan tổ chức, đơn vị:

57,4% tài sản tham nhũng đã được kê biên, phong tỏa, thu hồi - Ảnh 2.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng

Trình bày tham luận tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, từ năm 2013 đến nay, các Cơ quan điều tra Công an nhân dân đã khởi tố mới 1. 856 vụ với 4.072 bị can phạm tội về tham nhũng; kết luận điều tra đề nghị truy tố 1.718 vụ, với 4.768 bị can. Nhấn mạnh qua kết quả điều tra, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt nghiêm trong trong thời gian qua, Thượng tướng Lê Quý Vương cho rằng phương châm "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai" có tác dụng răn đe, xử lý dứt điểm, nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng thời gian qua. Kinh nghiệm trong quá trình điều tra cho thấy phải đánh giá đúng bản chất của vụ án, phân hóa vai trò, trách nhiệm của từng đối tượng để quyết định xử lý phù hợp, thấu tình, đạt lý, xử lý nghiêm những người chủ mưu, cầm đầu có hành vi sai phạm vì động cơ vụ lợi, cá nhân.

Nêu rõ thời gian qua Quốc hội đã tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật, trong đó có các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh sự đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội, tăng cường tranh luận, phản biện giám sát để qua đó nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Làm rõ và phát huy cơ chế tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học trong công tác lập pháp và giám sát thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội để phòng chống tham nhũng.

57,4% tài sản tham nhũng đã được kê biên, phong tỏa, thu hồi - Ảnh 3.

Bà Nguyễn Thị Tuyến – Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội - trình bày tham luận tại Hội nghị

Đại diện Thành uỷ Hà Nội phát biểu tham luận, bà Nguyễn Thị Tuyến – Phó Bí thư Thành uỷ cho biết, Uỷ ban Kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Thành phố Hà Nội đã kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 504 tổ chức đảng và 1.624 đảng viên. Qua kiểm tra đã kết luận 328 tổ chức đảng và 1.271 đảng viên có vi phạm; phải thi hành kỷ luật 29 tổ chức đảng, 734 đảng viên. Từ năm 2016 đến 30/6/2020 đã đưa 50 vụ việc, vụ án vào diện Thường trực, Ban thường vụ Thành uỷ chỉ đạo. VKSND tối cao đã phân công Viện KSND thành phố kiểm sát sơ thẩm đối với 28 vụ/218 bị can án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo; xét xử và tuyên án 26 vụ đối với 204 bị cáo.

Ông Ngô Sách Thực – Phó Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam  thì cho biết, thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã chú trọng tuyên truyền vận động nhân dân hiểu, đồng tình, ủng hộ các chủ trương, giải pháp của Đảng và pháp luật của Nhà nước về PCTN. Mặt trận các cấp nâng cao ý thức trách nhiệm, năng lực và hiệu quả việc tham gia góp ý, phản biện xã hội đối với các dự thảo chính sách, pháp luật về PCTN và về các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng nhằm phát hiện, kiến nghị để hạn chế, khắc phục những "khe hở" dẫn đến tham nhũng, lãng phí. Chú trọng việc vận động nhân dân tham gia chủ động, tích cực và có hiệu quả trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức.

Nguồn: VOV
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm