pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hoạt động kinh doanh trong nhà ở: Khó cấm nhưng cần quản lý chặt, tăng cường phòng cháy, chữa cháy
Nhà ở có kết hợp hoạt động kinh doanh mà mô hình thường thấy tại các thành phố. Ảnh minh họa
Cháy nổ trở thành nỗi ám ánh thường trực
Trong nhóm dân cư của một khu tập thể thuộc phường Nam Đồng (quận Đống Đa, Hà Nội), những tranh luận, tranh cãi về vấn đề an ninh, an toàn phòng cháy, chữa cháy đã diễn ra suốt 3 năm nay mà chưa đi đến hồi kết. Bắt đầu tư việc xe máy để tràn ngập lối đi ở cầu thang, dân cư kêu rất nhiều nhưng do thiếu chỗ gửi xe nên vẫn chưa thể giải quyết được.
Tiếp đến, một số hộ ở tầng 1 tiến hành kinh doanh hoặc cho thuê kinh doanh, với 1 hộ dân cho thuê cửa hàng sửa xe máy, 1 hộ mở dịch vụ ăn uống với món gà nướng lu, 2 bếp gas cỡ lớn hoạt động cả ngày lẫn đêm. Với hàng sửa chữa xe máy, hàng xóm tầng trên phản ánh rằng tiếng ồn ào, rồi nguy cơ xăng, dầu xe chảy ra có thể gây cháy, việc để rất nhiều xe của khách để sửa phía dưới cũng nguy hiểm. Đường dây diện trong khu đã cũ, chằng chịt, việc một hộ kinh doanh tiến hành bố trí bếp nấu ngay dưới đường điện có thể dẫn đến nguy cơ mất an toàn.
"Nhà của tôi, tôi tiến hành kinh doanh đã đăng ký đầy đủ, dựa vào điều luật nào mà đòi cấm tôi?" - đó là ý kiến phản bác của chủ hộ kinh doanh với cộng đồng dân cư. Khi xảy ra mâu thuẫn, cộng đồng mời cả công an khu vực vào giải quyết nhưng đồng chí cán bộ công an khu vực cũng đành nói rằng những vấn đề này cộng đồng dân cư nên cùng nhau bàn bạc để thống nhất, công an phường chỉ kiểm tra, đôn đốc việc tuân thủ các quy định phòng cháy, chữa cháy và các vấn đề về an ninh trật tự trên địa bàn dân cư.
Tại một khu nhà cho thuê nằm tại địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội), người thuê nhà cũng mâu thuẫn nhau về vấn đề tận dụng mặt bằng để kinh doanh. Tầng 1 phía quay ra mặt ngõ được cho thuê làm cửa hàng chuyên làm móng. Trên tầng 3, có 2 nữ sinh thuê nhà ở và khởi nghiệp kinh doanh bằng bán quần áo online. Những người thuê nhà còn lại đã ý kiến về vấn đề này, do khu nhà thuê khá nhỏ, nếu xảy ra cháy với những hóa chất làm móng ở tầng 1 hay kho vải vóc, quần áo ở tầng 3 đều sẽ rất nguy hiểm.
Sau những vụ việc cháy nhà gây hậu quả thương tâm xảy, cháy nổ đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực. "Cháy nổ - ai cũng sợ, nhưng sống thì vẫn cần phải sống, mỗi mét vuông đất ở cái thành phố chật trội này là một mét vuông để kiếm sống mưu sinh", ông Tuấn - chủ một cửa hàng vật liệu điện trên phố Tây Sơn (Q.Đống Đa) - cho biết. Ngay sau khi vụ cháy ở Định Công Hạ xảy ra, ông Tuấn đã phải rà soát, kiểm tra lại an toàn ở cửa hàng của mình. Ngay gần nơi ông kinh doanh, một cửa hàng chăn ga gối đệm nằm sát bên một cửa hàng chuyên sửa chữa điện lạnh, nguy cơ cháy nổ luôn thường trực. Tại khu vực này, hầu hết các nhà mặt phố đều tiến hành hoạt động kinh doanh.
Khó cấm nhưng cần tăng cường quản lý
Sau vụ cháy xảy ra tại Trung Kính, ý kiến về việc nghiêm cấm nhà cho thuê trọ đông người kết hợp kinh doanh đã được đưa ra. Vụ cháy làm 4 người chết ở Định Công Hạ mới đây nằm tại ngôi nhà là nhà riêng 6 tầng có kinh doanh vật liệu điện.
Một cán bộ quản lý cấp quận chia sẻ: "Hiện tại thì ai cũng lo trên địa bàn mình xảy ra cháy. Chính quyền, công an quận, các cơ quan đoàn thể đều tăng cường truyên truyền công tác phòng cháy, chữa cháy, sát sao đến từng tổ dân phố. Thực sự rất khó để có thể quản lý, bởi các mô hình nhà ở trong cộng đồng dân cư là vô cùng đa dạng, nhà ở riêng lẻ của người dân, chung cư mini, khu nhà ở cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà kết hợp kinh doanh và cho thuê để ở... Trong mỗi khu nhà, chủ nhà trực tiếp kinh doanh hoặc người thuê mặt bằng để kinh doanh, người dùng nhà thuê của mình để tiến hành các hoạt động kinh doanh khác nhau. Mức độ nguy cơ, nguy hiểm trong một loại hình này, với các sản phẩm kinh doanh khác nhau, cũng rất khó để đánh giá cụ thể được ngay. Theo tôi khó có thể cấm, việc nên làm là quản lý chặt hơn, người dân tự có ý thức hơn trong công tác phòng cháy chữa cháy.
Về vấn đề này, luật sư Diệp Năng Bình cho biết ý kiến: "Chúng ta không thể cấm người dân kinh doanh trong chính ngôi nhà của mình. Nhà ở là sở hữu hợp pháp của người dân, người dân được phép tổ chức các hoạt động kinh doanh, miễn là hoạt động kinh doanh này không vi phạm pháp luật. Hoạt động kinh doanh này bao gồm cả cho thuê nhà ở. Các chủ nhà trọ, chủ khu nhà cho thuê tại các thành phố lớn cũng góp phần vào việc tạo ra chỗ ở cho người dân. Người lao động có thu nhập hạn chế, sinh viên các trường đại học, họ biết ở đâu nếu không có những khu nhà trọ, nhà ở như thế này. Chúng ta chưa xây được nhà ở xã hội nhiều nhưng cứ thấy cháy lại đòi cấm là điều bất hợp lý. Cái cần thiết nhất hiện tại là phải xiết chặt tuân thủ các quy định về phòng cháy chữa cháy, mỗi mô hình nhà ở đều có những quy định riêng về vấn đề phòng cháy chữa cháy cần tuân thủ theo và phải tuân thủ chặt".
Sau khi liên tiếp các đám cháy xảy ra, ý kiến từ phía Hiệp hội bất động sản Việt Nam cũng là cần tăng cường công tác quản lý. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), cho rằng cần kiểm tra, rà soát các khu nhà trọ, nhà cho thuê, nhà ở kết hợp kinh doanh, nếu không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy thì yêu cầu khắc phục ngay, nếu không khắc phục, không chấp hành thì cần có biện pháp xử phạt, thậm chí rút giấy phép kinh doanh.
Bộ Xây dựng cũng đã đưa ra khuyến nghị chủ các công trình nhà ở nhiều tầng, nhiều căn hộ, nhà ở kết hợp kinh doanh phải tuân thủ đầy đủ các quy định, quy chuẩn về an toàn trong xây dựng.