pnvnonline@phunuvietnam.vn
Học sinh 13 tuổi phải viết giấy báo nợ với trường: Hiệu trưởng nói gì?
Phụ huynh: Theo công văn của Sở thì trường không được thu tiền gửi xe
Sau khi những hình ảnh về việc nhà trường yêu cầu học sinh viết giấy báo nợ tại huyện Hưng Nguyên, Nghệ An được lan truyền trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh không khỏi bức xúc khi biết lý do nhà trường hành động như vậy chỉ vì một số học sinh chưa đóng số tiền 162.000 đồng (tiền gửi xe đạp điện trong năm học 2018-2019).
Đây là một trong những giấy báo nợ được đưa lên majgj xã hội. Tấm giấy báo nợ này có nét chữ học trò với nội dung: "Giấy báo nợ. Kính gửi Ban giám hiệu Trường THCS Hưng Tây. Em tên là Hoàng Minh N. (học lớp 7). Tên cha, mẹ: Bố Hoàng Minh P (số điện thoại…), mẹ Phùng Thị T. Xóm..., xã Hưng Tây. Hiện em đang nợ nhà trường với số tiền là 162.000 đồng, với khoản tiền xe đạp điện năm học 2018-2019. Lí do vì bố mẹ không nạp. Cam kết: Em và gia đình sẽ không nạp. Ký tên: Hoàng Minh N.".
"Chuyện nợ nần là giữa nhà trường với phụ huynh chưa thống nhất được, sao lại bắt các cháu viết giấy báo nợ như ở ngoài xã hội".
Ông Hoàng Minh P. là phụ huynh em N.
Trao đổi về nội dung giấy báo nợ này, ông Hoàng Minh P. là phụ huynh em N. giải thích, không phải gia đình khó khăn, không có 162.000 đồng đóng tiền gửi xe cho con mà do ông thấy "đây là khoản đóng góp vô lý".
Theo ông P., đầu năm học, phụ huynh đã băn khoăn với khoản tiền gửi xe đạp của các cháu. Sau khi biết con và 5 bạn cùng lớp được mời lên phòng họp để viết "giấy báo nợ" tiền gửi xe đạp điện vào cuối tháng 6 vừa qua, ông P. rất bất bình.
Trong khi đó, theo Công văn số 1566 của Sở GD&ĐT tỉnh Nghệ An về việc thực hiện các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục công lập năm học 2018-2019 thì nhà trường được thu khoản tiền gửi xe.
Hiệu trưởng: Nhà trường được thu tiền gửi xe
Trao đổi về nội dung này, ông Nguyễn Văn Quế, Hiệu Trưởng Trường THCS Hưng Tây, cho biết: "Trường chỉ mời các em viết giấy báo nợ chứ không có chuyện bắt ép. Số tiền này chúng tôi dùng để trả cho bảo vệ trông giữ xe và sửa sang lại nhà giữ xe cho học sinh. Giấy báo nợ giúp nhà trường tổng hợp để quản lý, theo dõi dễ hơn. Chúng tôi cũng đã báo cáo sự việc này lên xã, huyện và Phòng GD&ĐT", ông Quế giải thích.
Theo ông Quế, năm học trước (2018-2019) không chỉ em N. mà đến 52 em học sinh nợ học phí và tiền gửi xe. Tiền gửi xe là 500 đồng/ngày, số tiền này nhà trường thu để trả cho bảo vệ trông giữ xe và tu sửa nhà giữ xe tránh nắng, mưa. Đến nay, sau ba lần nhà trường gửi thông báo cho phụ huynh khoản còn nợ (học phí và tiền gửi xe) thì có 30 em đã nộp, còn lại 20 em vẫn chưa nộp.
"Riêng năm học này, trường chưa làm xong sổ sách và rất nhiều em còn nợ tiền học phí và tiền giửi xe. Đó là hai khoản học sinh phải đóng và nhà trường được thu. Số còn lại học sinh đến trường nộp là tiền quỹ hoạt động của hội cha mẹ học sinh (hội phụ huynh thu) và bảo hiểm y tế, quỹ Đội (các em thực hiện kế hoạch nhỏ nộp giấy vụn, vỏ lon bia..). Các khoản khác như tiền xã hội hóa và tiền xây dựng thì chúng tôi cũng không dám kêu gọi phụ huynh và học sinh, bởi biết trước các em sẽ không nộp', ông Quế cho biết.
Theo ông Quế, trường THCS Hưng Tây có hơn 600 học sinh, nhưng năm học 2019-2020, tiền xã hội hóa chỉ có khoảng 30 triệu đồng. Trong khi đó, nhà trường xây dựng nhà vệ sinh cho học sinh đang nợ nhà thầu hơn 60 triệu đồng. Hiện nhà trường rất khó khăn, do có cả những học sinh còn nợ học phí. Trong khi đó, học phí liên quan đến trả lương cho giáo viên. Nhà trường đóng thiếu số tiền phải thu thì bị khiển trách. Các em học sinh không nộp hoặc nợ tiền học phí thì nhà trường không có tiền để hoạt động.