Học sinh lớp 7 vẫn phải vừa dạy vừa dỗ

Gia Linh
04/01/2021 - 11:00
Học sinh lớp 7 vẫn phải vừa dạy vừa dỗ
Dạy thêm cho một nữ sinh lớp 7, cô giáo N.T. L (Hà Đông) than trời vì phải vừa dạy vừa dỗ học sinh. Bởi chỉ cần nói nhẹ một câu, nữ sinh này nước mắt ngắn nước mắt dài và không thể tiếp tục học được.

Cô giáo cho biết, nữ sinh này không có ý thức tự học nên việc dạy vô cùng vất vả. Với học sinh khác, nếu thiếu bài tập về nhà, cô phạt chép lại công thức, làm bài tập để nộp cho cô. Nhưng với nữ sinh này, cô chỉ nhắc một chút là con đã khóc. Sau đó, cả buổi con sẽ không học được gì. Lần nào phản ánh với gia đình, cô cũng nhận được lời nhắn: Con nhạy cảm, ưa nhẹ nhàng. Cô chịu khó tâm lý với con.

Thậm chí, để khuyến khích con học, phụ huynh còn nhờ cô giao cho con bài tập thật dễ để con làm. Để khi cô chấm điểm, con được điểm cao, bố mẹ sẽ thưởng tiền. Vì được nhận tiền thưởng nên nữ sinh này mới hào hứng học. Nhưng cách làm này cô giáo chỉ áp dụng được trong thời gian đầu vì cô muốn dạy cho học sinh kiến thức mới. Không được làm bài tập dễ, không được chấm điểm để được thưởng tiền, nữ sinh này chán nản, không tập trung học.

Thời điểm ôn thi, thấy học sinh không làm bài tập về nhà, cô nhắc nhở thì nữ sinh này không kiềm chế được cảm xúc, cô giáo cảm thấy rất nản khi việc học của học sinh không tiến bộ. Cô nhắn tin với phụ huynh phản ánh, kèm theo lời nhắn bố mẹ cần định hướng lại tính cách cho con, cần để con mạnh mẽ hơn, chịu được áp lực, chấp nhận sự thật và cần biết sửa sai...

Được biết, Bông (tên của nữ sinh) từ nhỏ được bố rất chiều. Khi Bông làm sai, nếu bị mẹ phạt, người bố luôn bệnh vực và không cho mẹ dạy. Bố luôn đáp ứng mọi yêu cầu của con. Chỉ cần con đòi thứ gì, dù không dễ mua, ông bố cũng cố gắng tìm mua về cho con. Lúc nào, người bố này cũng cưng nựng, nhẹ nhàng với con. Những năm tiểu học, khi người mẹ dạy con học, thấy con khóc, người bố lập tức dẫn con đi chơi và không cần học tiếp. Con không phải chịu áp lực gì từ việc học. Con cũng không phải động tay động chân vào các việc trong nhà. Khi bước vào bậc THCS, việc học khó khăn hơn, bạn bè phức tạp hơn, thế nhưng khi gặp việc gì khó khăn, Bông đều không biết giải quyết và chỉ biết khóc.

Theo TS Vũ Thu Hương (Trung tâm Cá siêu quậy), nếu bố mẹ chiều chuộng, làm hộ mọi việc cho con thì con sẽ trở nên lười biếng, ỉ lại. Tương lai, con sẽ là một người thiếu tự tin, ức chế, mệt mỏi, ghen tị với người khác. Con có thể sẽ nhảy việc khắp nơi, không thể trụ lại một nơi lâu được. Con sẽ loay hoay cả đời ở vạch xuất phát, ở chỗ mới bắt đầu công việc. Lúc nào cũng là khởi điểm nên con sẽ không nhận được những thử thách lớn hơn, những trải nghiệm thú vị hơn và cả những quyền lợi nhiều hơn.

"Nếu con mình làm một việc đơn giản mất đến 2 tiếng trong khi người khác chỉ làm trong 15 phút thì bảo sao con được đánh giá là kém. Nếu con làm việc thì ẩu nhưng cả ngày ngồi lo lắng người khác nhận xét gì về mình, loay hoay tạo hình ảnh đẹp để che chắn đi thứ sự thật lỗi bên trong thì liệu rằng con có che mắt được những đôi mắt đầy kinh nghiệm của các sếp hay chỉ làm trò cười cho cả cơ quan. Nếu con làm thì ít, lo bòn rút thì nhiều thì liệu rằng các sếp của con có nhận ra mà để cho con tiếp tục hành xử như vậy hay sẽ "tương kế tựu kế", hành hạ con đến nơi đến chốn?", TS Vũ Thu Hương phân tích.

Việc bố mẹ quá nuông chiều con lúc bé thì tương lai con sẽ phải gánh hậu quả. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, bố mẹ cần rèn tính cách cho con, cần cho con biết làm việc, học cách chấp nhận thất bại, học cách sống, học cách bố trí thời gian biểu, thực hiện theo thời gian biểu, cách giải quyết vấn đề, thực hiện mọi việc nhanh mà hiệu quả, quản lý cảm xúc, điều khiển mọi việc theo ý mình hiệu quả.... là quan trọng.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm