Học sinh người Mông chia sẻ việc ốm không được đi bệnh viện mà phải nhờ thầy cúng

H.Y
09/10/2023 - 15:31
Học sinh người Mông chia sẻ việc ốm không được đi bệnh viện mà phải nhờ thầy cúng

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - giao lưu, chia sẻ với các em học sinh Mông tại Trường THCS Cán Tỷ

Các em học sinh Trường THCS Cán Tỷ (xã Cán Tỷ, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) đã cởi mở chia sẻ về cuộc sống xung quanh mình như việc người ốm không được đưa đi bệnh viện mà phải ở nhà chờ thầy cúng tới.

Sáng 9/10, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã phối hợp cùng Hội LHPN tỉnh Hà Giang, Hội LHPN xã Cán Tỷ (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang); Trường THCS Cán Tỷ tổ chức mô hình truyền thông giới thiệu sách Dự án 8 "Bình đẳng giới và những vấn đề cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em" vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Chương trình có sự tham gia của chính quyền địa phương, Ban Giám hiệu nhà trường và hơn 450 học sinh trường THCS Cán Tỷ. Học sinh tại trường 100% là dân tộc Mông, thuộc các xã đặc biệt khó khăn. Trong đó, hơn 80% thuộc hộ gia đình đặc biệt khó khăn. Xã Cán Tỷ là xã đặc biệt khó khăn, còn nhiều hủ tục lạc hậu, các phụ huynh rất hay xin cho con nghỉ học vì nhà có việc như cúng bái…

Học sinh Mông chia sẻ việc ốm không được đi bệnh viện mà phải nhờ thầy cúng - Ảnh 1.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu bộ sách "Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới" gồm 4 cuốn

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam đã giới thiệu bộ sách "Câu chuyện truyền thông thay đổi định kiến giới và khuôn mẫu giới" gồm 4 cuốn với tựa đề: Em muốn được tới trường; Nhà hai nóc; Việc nhà là của chung; Thì ra mình cũng làm được.

Tại chương trình, bà Khúc Thị Hoa Phượng cũng chia sẻ về những hủ tục còn tồn tại ở các tỉnh Tây Nguyên, như việc chôn chung trong nhà mồ ở gần trường học, chôn con theo mẹ khi mẹ qua đời, tảo hôn, hôn nhân cận huyết...

Học sinh Mông chia sẻ việc ốm không được đi bệnh viện mà phải nhờ thầy cúng - Ảnh 2.

Học sinh trường THCS Cán Tỷ hào hứng tham gia buổi truyền thông

Buổi truyền thông còn có sự góp mặt của Tô Giang, tác giả của 2 cuốn tự truyện "Đường xanh viễn xứ", "Nếu không có ngày mai" nói về việc trồng cây cần sa ở nước Úc, bị bắt vào tù và nỗ lực thay đổi cuộc đời sau khi ra tù. Tác giả Tô Giang đã chia sẻ những câu chuyện thực tế ở Việt Nam, vượt biên để mưu sinh, sai lầm trong nhập cư, sống chui lủi, bị các tổ chức tội phạm lợi dụng, lôi kéo làm việc xấu. Từ câu chuyện của bản thân và thực tế ở Việt Nam hiện nay, tác giả Tô Giang khuyên các bạn học sinh chia sẻ những nguy cơ của việc di cư bất hợp pháp với gia đình, người thân, khi Hà Giang là một tỉnh vùng biên.

Học sinh Mông chia sẻ việc ốm không được đi bệnh viện mà phải nhờ thầy cúng - Ảnh 3.

Nhân dịp này, NXB Phụ nữ Việt Nam và tác giả Tô Giang, đại diện nhà tài trợ đã tặng sách cho thư viện nhà trường

Tham dự buổi truyền thông, các em học sinh của trường đã cởi mở chia sẻ về những gì các em quan sát được trong cuộc sống, như việc người ốm không được đưa đi bệnh viện mà phải ở nhà chờ thầy cúng tới; người chết không được đưa vào quan tài ngay, để làm tang ma trong gần một tuần.

Đặc biệt, các em học sinh cũng đã nhận thức được về khái niệm Bình đẳng giới trong gia đình, kể chuyện chia sẻ việc nhà: mẹ nấu cơm, bố dạy con học, con lớn rửa bát, con thứ trông em... Có bạn chia sẻ về nỗ lực vươn lên trong học tập, lên mạng tìm các kênh học ngoại ngữ để tự học tiếng Anh, tiếng Trung Quốc, tiếng Nhật...

Nhân dịp này, NXB Phụ nữ Việt Nam đã trao tặng tủ sách cho Trường THCS Cán Tỷ, Quản Bạ, tỉnh Hà Giang trị giá 15.000.000 đồng. Tác giả Tô Giang, đại diện nhà tài trợ, gia đình thầy Quế Văn Từ và cô Bùi Phương Chinh (TP. Hồ Chí Minh) đã tặng sách cho thư viện nhà trường trị giá 10 triệu đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm