Tôi buồn quá, chị Thanh Tâm ơi!
Ba tôi mất khi tôi mới lên 4. Ký ức tuổi thơ chỉ giúp tôi nhớ được mẹ đã khóc rất nhiều, nhất là về đêm. Nước mắt mẹ ướt nhèm khuôn mặt tôi. Những năm thơ ấu của tôi nặng nề trôi qua cùng với nỗi nhọc nhằn vất vả và nỗi côi cút của hai mẹ con. Khi tôi tròn 9 tuổi, mẹ tôi khi đó 34 tuổi, qua câu chuyện của mẹ với người đàn ông hay đến thăm mẹ con tôi, tôi hiểu mẹ tôi muốn đi bước nữa. Nỗi sợ hãi vô cùng vì bị mất ba, giờ lại có người sắp cướp nốt mất mẹ khiến tôi trở nên hung dữ khác thường.
Tôi sẵn sàng cầm gậy lao vào đánh người đàn ông ấy khi tôi tỏ ra hỗn hào với ông và bị mẹ mắng. Rồi người đàn ông ấy không đến nữa nhưng lại có những người khác. Với ai, tôi cũng cố tình thể hiện sự hỗn láo trước mặt mẹ và xua đuổi họ đi. Có lần không chịu được sự hỗn láo của tôi, mẹ đã đánh tôi. Tôi đã thẳng thừng tuyên bố: “Mẹ đi lấy chồng ngày nào thì con sẽ chết ngay ngày đó”. Và mẹ ôm tôi, cả hai mẹ con cùng khóc...
Giờ tôi đã lập gia đình và đang làm thủ tục sang Mỹ định cư cùng gia đình chồng. Còn mẹ tôi mới 50 tuổi mà tóc đã bạc trắng, mẹ cũng chẳng thèm quan tâm, chẳng thèm ra hiệu nhuộm lại tóc cho đen. Tôi mua thuốc về xin nhuộm cho mẹ nhưng mẹ cũng từ chối, mẹ nói chẳng để làm gì. Đến tận bây giờ, tôi mới thấy ngày xưa tôi đã mắc sai lầm lớn biết bao khi hung hãn ngăn cản không cho mẹ đi bước nữa. Tôi hối hận và thương mẹ vô cùng. Mẹ sẽ sống ra sao khi tôi từ bỏ mẹ mà ra đi?
Tôi cố nhớ lại và tìm hiểu về những người đàn ông năm xưa đã đến với mẹ. Rất may là còn lại một người chưa xây dựng gia đình, đang ẩn dật ở nơi cách nhà tôi cả trăm cây số... Tôi tìm đến nhà ông, tự giới thiệu về mình và thành thật xin lỗi ông vì những gì tôi đã làm trước đây. Suốt 2 ngày ở lại với ông, tôi hy vọng sẽ thuyết phục được ông trở về với mẹ tôi. Hiểu nỗi lòng của tôi, ông tỏ ra rất xúc động và dường như quá khứ mười mấy năm về trước lại dội về trong tim ông.
Cuối cùng ông đồng ý cùng tôi trở về gặp mẹ tôi để nối lại tình xưa nghĩa cũ, nếu mẹ tôi còn chấp nhận ông. Nhưng mọi cố gắng cũng như hy vọng chuộc lỗi của tôi đã bị dập tắt.
Suốt một tuần ở lại nhà tôi, bác Nam đã thất vọng nói với tôi: “Mẹ con khác xưa nhiều quá. Bác chẳng còn biết làm gì để thức tỉnh tình cảm ngày xưa mẹ con đã dành cho bác. Có lẽ số phận mãi mãi không cho bác và mẹ con được sống bên nhau dù cả hai đều cô đơn”. Tiễn bác Nam về rồi, lòng tôi buồn tê tái, ngổn ngang bao nỗi lo.
Như hiểu tâm trạng của tôi, mẹ tôi nói: “Con đừng quá lo cho mẹ, cứ yên tâm mà qua bên đó sum họp với nhà chồng. Đừng lo gì cho mẹ. Mẹ còn khỏe mạnh, lại còn bà con họ hàng, xóm giềng quây quần. Với lại mẹ đã xin quy y cửa phật rồi, mùng một ngày rằm mẹ sẽ lên chùa giúp sư thầy đèn nhang cũng thanh thản, nhẹ nhõm trong lòng”.
Chị Thanh Tâm ơi! Ngày xa mẹ càng đến gần, lòng tôi càng thêm tê tái. Tôi chợt nghĩ hay là tôi hủy cuộc hôn nhân này để được ở lại bên mẹ? Mặc dù không giống như nhiều người khác, tôi kết hôn không vì tính toán, thực dụng, không bị ép gả mà hoàn toàn xuất phát từ tình yêu. Nhưng tôi sợ lại làm mẹ đau lòng vì duyên phận của mình.
Thực lòng, tôi chỉ muốn mẹ đi bước nữa với bác Nam để có nơi nương tựa, để mẹ được vui. Tôi phải làm gì bây giờ thưa chị Thanh Tâm? Thanh Mai (Đà Nẵng)
Thanh Mai thân mến!
Khi tác thành cuộc hôn nhân này cho chị, mẹ chị đặt tương lai, hạnh phúc của chị lên trên hết. Và bà cũng đã xác định cho cuộc đời còn lại của mình trước mắt. Thật là đáng thương cho cảnh ngộ một người mẹ như mẹ chị, cả đời hy sinh vì tình yêu và hạnh phúc dành cho con. Nhưng nếu bây giờ chị thay đổi mọi thứ vì mẹ như chị nói trong thư, có khác nào chị lại phạm tiếp một sai lầm nữa, đẩy mẹ vào tình trạng phải lo lắng, day dứt vì chị. Sai lầm ngày thơ ấu đã không còn cơ hội để sửa chữa, giờ chị cứ dằn vặt mãi cũng chẳng ích gì.
Chị nên nhờ những người thân trong họ hàng, nhờ bà con hàng xóm, những người bạn già của mẹ chị quan tâm giúp đỡ. Tốt nhất là kiếm được một người thân nào trong họ về sống cùng mẹ chị, hoặc là một người giúp việc lo cho mẹ khi già yếu. Chị nên cố gắng tiết kiệm tiền bạc để có thể về thăm mẹ. Sự có mặt của con cháu dù ít ỏi cũng sẽ là liều thuốc hữu hiệu nhất của tuổi già.
Điều quan trọng nhất là dù có ở rất cách xa mẹ về khoảng cách địa lý nhưng tấm lòng và tình cảm của chị phải luôn cận kề bên bà. Bà phải cảm nhận được rất rõ điều đó. Thực lòng, tôi cũng cảm thấy rất xót xa cho cảnh ngộ tiến thoái lưỡng nan của mẹ con chị.
Hy vọng một ngày nào đó gia đình chồng chị lại muốn trở về nơi quê cha đất tổ, để chị có thể vẹn cả đôi đường.