Hội hát qua làng - nét văn hóa độc đáo của người Dao Tuyển

Quang Mười
12/02/2024 - 08:10
Hội hát qua làng - nét văn hóa độc đáo của người Dao Tuyển

Phụ nữ người Dao Tuyển chào đón đoàn khách ở các làng khác về Hội hát qua làng

Hàng năm, cứ vào dịp đầu xuân năm mới, người Dao Tuyển ở huyện Bảo Thắng, Lào Cai, lại tổ chức Hội hát qua làng giữa nam và nữ rất tưng bừng.

Theo phong tục truyền thống, cứ vào đầu xuân trai gái các làng người Dao Tuyển hẹn hò nhau hát. Trai làng này đến hát với gái của làng khác và được gọi là hát qua làng đầu xuân "xằng nhằng quai giặng jủng" ( Xằng nhằng: Năm mới; Quai giặng: Qua làng; Jủng: Hát).

Đây là Hội hát đặc trưng nhất của người Dao Tuyển vào đầu năm. Đến với Hội hát trai gái tìm được niềm vui qua câu hát, qua các trò chơi như ném còn, đu dây, đi khà kheo, kéo co, bịt mắt tìm người yêu. Họ đến để cùng nhau hát, cùng nhau đua tài, mỗi người đem theo một ý nguyện tốt đẹp nhất, một tình cảm chân thành nhất để dành cho người mà họ có thể gặp, tâm tình ở hội hát…

Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 1.

Chuẩn bị cho ngày Hội hát qua làng

Hội hát không chỉ đơn thuần là để vui, mà trong ngày hội này họ còn tổ chức làm lễ cúng làng, đuổi ma xấu (Lui mản dọt), cầu cho làng cả năm gặp được những may mắn, sức khỏe, cầu cho mọi người đến với hội sự bình an, cầu cho trai gái nên duyên lứa đôi. Ngày này thực sự là ngày vui của tất cả mọi người chứ không chỉ các chàng trai hay riêng các cô gái, điều này được thể hiện qua câu hát.

Mở lòng xin hỏi thầy đâu đến

Đánh động xóm làng già trẻ vui.

(Chả mừn sẳm say thái hò pâu/ Cành tong chẩu dằm sòng ngai hôn)

Như một thông điệp không hẹn trước, cứ vào cuối năm, trai của làng nào đó sẽ gửi thư cho làng gái để hẹn cuộc hát. Mặc dù cứ vào đầu xuân ai cũng biết sẽ có mở hội như vậy nhưng lá thư còn có ý nghĩa hơn khi nó còn là lời cảm ơn trước, xin phép trước với sự thể hiện tình cảm chân thành và cầu thị cho một cuộc hát thành công. Hội hát đầu xuân mang ba nội dung chính với những ý nghĩa tốt đẹp: Qua làng hát để trai gái tìm hiểu nhau, ném còn hát để cầu cho cho mùa màng tốt tươi, trai gái nên duyên đôi lứa, lên đồng hát để trừ đuổi cái xấu, cầu phúc cho mọi người đến với hội.

Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 2.
Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 3.
Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 4.

Mọi người trở về với ngày Hội hát qua làng

Thay cho việc viết thư, các chàng trai sẽ đổi công, giúp thầy làm nương, lấy củi, phơi gianh, nhặt lá…

Thư hẹn hát phải do thầy làng trai đứng tên gửi cho ba thầy làng gái vì cuộc hát này có được thực hiện hay không là do các thầy làng gái quyết định.

Bức thư gửi làng gái kèm theo 3 điếu thuốc lào, ba đôi đồng xu với ý nghĩa là lời cảm ơn trước, xin phép trước, thể hiện tình cảm chân thành và cầu thị cho cuộc hát thành công.

Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 5.

Nam và nữ đứng hát đối giao duyên với nhau

Nhận thư, các cô gái đem trình với thầy làng của mình để hỏi ý kiến và nhờ viết thư trả lời.

Cũng như bên làng trai khi thầy làng, già làng, chủ làng nhất trí để trai làng khác đến hát thì thầy làng cũng viết thư trả lời giúp các cô.

Lá thư làng gái đáp, nghĩa là ngày hát đã được ấn định không thay đổi. Khoảng thời gian gần một tháng nữa mới đến hội hát, các chàng trai cô gái sẽ có sự chuẩn bị về mọi mặt như: trang phục, thêu thùa những chiếc tua dua gắn vào áo,.. cùng nhau làm những quả còn đủ màu sắc hay luyện những bài hát, làn điệu dân ca và làm đạo cụ các trò chơi như cà kheo, đu dây, dây kéo co…

Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 6.
Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 7.
Đầu xuân người Dao Tuyển mở Hội hát qua làng- Ảnh 8.

Vừa hát đối vừa tung quả còn giao duyên 

Đến ngày hẹn trong thư, những công việc chuẩn bị phải được hoàn tất. Mỗi người góp một ít gạo, củi, rượu, gà, rau rừng, lá bánh…với tinh thần tự nguyện…

Tinh thần đón khách thể hiện tấm lòng nhiệt tình của cả bản làng, chu đáo và trang trọng. Thầy làng, chủ làng, già làng thì cắt giấy trang trí cổng với đôi câu đối:

Kết bạn tình nghĩa mừng năm mới

Tứ hải đồng tâm phú quý hoa

Còn thanh niên thì dựng cây đu, sửa lại những chiếc cà kheo với tinh thần phấn chấn vào hội.

Sáng sớm, làng tổ chức cúng miếu với ý nghĩa đuổi cái xấu, cầu mong sự tốt lành, bình an, tinh thần sáng làng cho mọi người, mọi nhà. Mọi sự chuẩn bị và cúng làng xong cũng là thời điểm trai làng khác từng tốp đến làng gái để tham gia hội hát.

Họ vừa ném còn vừa hát, vừa bày tỏ, vừa khiêm tốn nhưng cũng rất nhiệt tình thể hiện tấm lòng khi tham gia cuộc vui…

Trai gái say sưa hát, say sưa ném còn….khi thời gian đã trưa, họ hát mời nhau ăn cơm, những gói cơm nắm được chuẩn bị từ nhà đem theo đến hội hát. Giờ đây họ đã hiểu nhau phần nào bớt đi sự ngượng ngùng ban đầu khi mới gặp. Bữa cơm thấm đượm tình thân thiết. Và cứ thế họ vừa hát vừa ném còn, câu hát ngày một nồng say, họ đua nhau hát hay, hát gỏi; Những đôi trai gái hát hay, ném còn giỏi lại mời nhau cùng chơi đu, họ đem cho nhau nhiều niềm vui ở những tiếng cười.

Khi màn đêm buông xuống làng tổ chức hát lên đồng, múa hương, múa quạt và mọi người đều có thể tham gia. Họ cầu mong mọi điều tốt cho mình, cho gia đình và bản làng.

Với người Dao Tuyển, còn tình yêu nghĩa là còn tiếng hát qua làng. Bởi tiếng hát này mãi mãi là duyên cớ của tình yêu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm