pnvnonline@phunuvietnam.vn
Phong tục ăn Tết của người Dao họ ở Tây Bắc
Thiếu nữ Dao họ đón xuân
Tết trong quan niệm của người Dao họ là thời gian cả gia đình, cộng đồng nghỉ ngơi, sum họp sau một năm lao động sản xuất và báo cáo tổ tiên mọi thành quả, mọi chuyện vui, buồn xảy ra trong năm. Đồng thời là sự chào đón một năm mới, với nhiều niềm vui, ước nguyện những điều may mắn trong cuộc sống, trong lao động sản xuất sẽ đến với gia đình, với cộng đồng mình.
Để đón Tết được đầy đủ, ngay từ giữa tháng Chạp, các gia đình người Dao họ đã chuẩn bị lo lương thực, thực phẩm làm đồ cúng lễ và phục vụ ăn Tết cho gia đình. Công việc chuẩn bị được phân công cho các thành viên trong gia đình, phụ nữ thì lo làm bánh trái, lương thực, thực phẩm, đàn ông thì dọn dẹp nhà cửa, trang hoàng bàn thờ tổ tiên.
Phụ nữ người Dao họ làm bánh gù trong ngày Tết
Theo phong tục của người Dao họ, từ những ngày trước Tết, các gia đình thường tổ chức làm mâm cỗ tất niên để cúng báo tổ tiên về những thành quả năm qua. Người Dao họ cho rằng, những việc lao động sản xuất trong gia đình đều có sự phù trợ của tổ tiên, nên việc tổng kết năm cũ phải cúng báo để tạ ơn tổ tiên đã luôn dõi theo và phù hộ cho gia đình.
Sắp sửa lễ vật trên bàn thờ tổ tiên
Các gia đình sẽ mổ lợn để ăn Tết, nhà nào có điều kiện và đông người sẽ mổ từ 2 - 3 con, để làm 2 - 3 mâm cơm cúng Tết. Lợn sau khi mổ làm sạch sẽ được cắt làm 3 phần: đầu, 2 đùi trước và 2 đùi sau; cùng 6 chiếc bánh gù, 3 chén nước, 1 chén rượu và 1 bát hương, tiền giấy (giấy bản) được đặt lên bàn cúng. Thầy trong lễ cúng Tết phải là thầy cúng hay người lớn tuổi có uy tín trong cộng đồng. Trước sự có mặt đông đủ của mọi thành viên trong gia đình, thầy cúng thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn để xua đi tất cả những điều rủi ro, không may mắn trong năm cũ, đồng thời mời ông bà, tổ tiên và những người đã khuất về ăn Tết, cầu xin sức khỏe, may mắn và sự bình an cho tất cả mọi người, xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, trâu bò, lợn gà khỏe mạnh.
Bánh gù truyền thống của người Dao họ
Thầy cúng Bàn Văn Sang, ở thôn Khe Mụ, xã Sơn Hà (Bảo Thắng, Lào Cai), cho biết: “Nội dung bài cúng ngày tất niên như sau: "Hôm nay là ngày gia đình làm cơm tất niên chào năm cũ, báo cáo tổ tiên tam đại về chứng giám hưởng lễ vật, tạ ơn tổ tiên đã dõi theo và phù hộ cho con cháu trong gia đình được một năm mạnh khỏe, làm ăn may mắn, mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, cho cuộc sống được no ấm”.
Do tập quán đoàn kết cộng đồng dân tộc nên các gia đình thường tổ chức ăn tất niên lệch ngày nhau, để mời anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng cùng dự bữa cơm tất niên cho đầy đủ và chan hòa tình nghĩa, thêm đoàn kết gắn bó giữa các thành viên trong làng bản với nhau.
Những nghi thức trong đêm giao thừa
Đêm giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Dao họ cũng có những phong tục, nghi thức rất độc đáo. Cụ thể, vào đêm giao thừa, những người phụ nữ trong gia đình sẽ ngồi dệt vải hoặc ngồi thêu thùa ở giữa nhà, để con cháu là nữ có thể học theo bà và mẹ.
Còn người đàn ông trong gia đình thì mang sách cổ ra đọc, những người con trai, cháu trai ngồi đọc theo, nếu ai biết chữ rồi có thể tự đọc, các cuốn sách dùng để đọc trong đêm giao thừa thường là sách gia phả, sách dạy đạo lý làm người, với các nội dung hiếu nghĩa, biết kính trên nhường dưới làm điều hay lẽ phải, tránh làm những việc ác, việc vi phạm pháp luật.
Khi đồng hồ đã điểm giờ sang ngày mới, tức là những giờ khắc đầu tiên của một năm mới, ông chủ nhà sẽ mang một ống tre đã được chuẩn bị trước để đi lấy nước. Khi đi, ông chủ nhà sẽ mang theo một ít gạo, muối, tiền vàng mã, nén hương… ra phía bờ suối, hoặc nguồn nước gần nhà, để làm nghi thức xin nước đầu năm.
Khi ra đến nơi lấy nước, ông chủ nhà sẽ đốt đèn bày biện lễ vật gồm gạo, muối, tiền vàng mã, sau đó sắp tay làm lễ cúng khấn tới thần nước, thần thổ địa, cầu một năm mới được phù hộ những điều may mắn cho cả gia đình, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi bội thu. Sau khi cúng khấn, ông ta sẽ rắc gạo muối, đốt hóa vàng mã và dùng ống tre lấy đầy nước mang về nhà đặt dưới chân bàn thờ của gia đình.
Xuất hành hướng Đông hái lộc đầu năm mới
Ngày mùng 1 Tết, khi trời còn mờ sáng, ông chủ nhà sẽ xuất hành bằng cửa chính, đi về hướng Đông, gặp cây đầu tiên thì sẽ hái một nhánh lộc, đem về nhà đặt lên bàn thờ trong nhà, để cầu mong năm mới vạn sự như ý, mọi thành viên trong gia đình đều được bình an.
Khi trời đã sáng hẳn, cũng là lúc gia đình chuẩn bị xong xuôi để đón khách xông nhà. Người Dao họ rất coi trọng việc xông nhà đầu năm nên người được gia đình mời đến xông nhà cũng phải được chọn lựa kỹ như: tuổi tác, lối sống… phải phù hợp với gia đình, gia đình nào chưa có người đến xông nhà thì tuyệt đối không ai được tự tiện đến chơi.
Những trò chơi dân gian truyền thống trong ngày Tết
Sau khi xong hết các thủ tục hái lộc, xông nhà thì các gia đình con cháu, lần lượt đi đến nhà bố mẹ, ông bà để chúc năm mới tới ông bà, bố mẹ, thể hiện đạo hiếu trong gia đình.
Suốt những ngày Tết Nguyên đán, ngoài việc thăm hỏi, chúc Tết theo phong tục thì người Dao họ còn tụ tập ở khu trung tâm của thôn bản, hoặc nhà văn hóa thôn để tổ chức hat giao duyên, chơi trò chơi như đu quay, bập bênh, ném còn…
Đây cũng chính là dịp để những chàng trai, cô gái Dao họ gặp gỡ, tìm hiểu rồi ướm lời nhau qua những lời hát tỏ tình, giao duyên. Nhiều đôi đã nên nghĩa vợ chồng cũng từ những khoảnh khắc gặp gỡ trong ngày xuân như thế.