pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hội LHPN TP Đà Nẵng: 1,5 tỷ đồng cho “Tuần lễ Siêu thị 0 đồng”
Hội LHPN TP Đà Nẵng trao các phần quà thiết yếu trong “Tuần lễ Siêu thị 0 đồng”.
Đi siêu thị không tốn tiền
Thấu hiểu được những khó khăn đối với người dân và chị em hội viên phụ nữ bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 và mong muốn góp phần chung tay cùng chính quyền thực hiện công tác phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội, "Tuần lễ Siêu thị 0 đồng" đã ra đời. Tuần lễ Siêu thị 0 đồng" được thực hiện từ tháng 10/2021-01/2022, chia làm 4 đợt, với số lượng 5.000 phiếu quà (mỗi phiếu quà trị giá 300.000 đồng) với tổng kinh phí 1,5 tỷ đồng. Mỗi tháng, Hội LHPN thành phố sẽ tổ chức 1 đợt.
Tại siêu thị 0 đồng, Hội LHPN TP Đà Nẵng đã chuẩn bị hơn 30 mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm thiết yếu phục vụ người dân như: nước tương, nước mắm, dầu ăn, gạo, mỳ chính, trứng, sữa, rau xanh… Đặc biệt, siêu thị dành nguyên một gian hàng để băng vệ sinh (BVS) dành cho chị em phụ nữ. Đây là món quà được tặng bằng chính sự chu đáo, tinh tế của người cán bộ Hội và bằng sự thấu hiểu giữa những người phụ nữ với nhau. Theo bà Hoàng Thị Thu Hương, Chủ tịch Hội LHPN TP Đà Nẵng, không riêng gì "Tuần lễ Siêu thị 0 đồng", mà từ đầu năm đến nay, Hội LHPN thành phố tổ chức nhiều phiên chợ 0 đồng dành cho phụ nữ nghèo. Trong mỗi phần quà, hội viên phụ nữ đã nhận đều có BVS cho phụ nữ và trẻ em gái vị thành niên. Điều này thể hiện sự quan tâm, sâu sát của các cấp hội, đáp ứng nhu cầu cấp thiết cho chị em khi thành phố phong tỏa.
Chị Nguyễn Thị Thanh Minh (phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), cho biết: "Nhìn những gian hàng BVS trong "Tuần lễ Siêu thị 0 đồng" mà tôi cảm thấy rất xúc động trước sự quan tâm chu đáo, chi tiết của Hội LHPN TP Đà Nẵng. Mùa dịch vừa qua, tôi tham gia đi chợ giúp dân nên tôi hiểu được đây là mặt hàng cần thiết, nhưng tế nhị nên chị em khó nói, khó nhờ mua hộ. Thời điểm đó, mọi người mua hàng gì cũng khó chứ nói gì BVS, có lúc đặt cả tháng không mua được gói BVS nào cho chị em. Cũng may phía Hội LHPN TP đã kịp thời hỗ trợ, nhiều chị em cảm thấy rất vui mừng. Theo tôi, dịch bệnh là điều không một ai mong muốn, nhưng nếu trong thời điểm phải "chung sống" với dịch, cần bổ sung BVS, bỉm, tã vào mặt hàng thiết yếu cung cấp cho phụ nữ, trẻ em".
Đẩy mạnh ngăn chặn bạo lực, xâm hại
Không chỉ hỗ trợ về vật chất, nhu yếu phẩm mà trong thời gian vừa qua, các cấp Hội trên địa bàn TP Đà Nẵng đã kích hoạt các hoạt động khẩn cấp hỗ trợ phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái. Trong đó, kết hợp hỗ trợ hàng ngàn suất quà cho gia đình hội viên phụ nữ và cung cấp hàng ngàn tài liệu tuyên truyền phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng phòng ngừa bạo lực trên cơ sở giới trong bối cảnh dịch bệnh với thông điệp "Mỗi phụ nữ hãy tự bảo vệ mình và lên tiếng khi bị bạo lực". Song song đó, Hội LHPN TP Đà Nẵng cũng đồng hành với UN Women trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, bảo đảm tối đa phụ nữ không chịu nạn bạo hành trong bối cảnh dịch bệnh. Các cấp Hội hiểu được rằng, Covid-19 khiến nhiều người phải ở nhà, thất nghiệp, mất việc làm, giảm thu nhập. Từ những lo lắng về dịch bệnh, thiếu lương thực thực phẩm dẫn đến căng thẳng kéo dài trong gia đình, khiến mâu thuẫn phát sinh và có thể gây ra tình trạng bạo lực, xâm hại. Trong đó, phụ nữ yếu thế, trẻ em gái là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của đại dịch.
Bà Elisa Fernandez, Trưởng Đại diện Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam, chia sẻ: "Những dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái trước bạo lực, xâm hại như dịch vụ chăm sóc y tế, tư pháp, hành pháp, các dịch vụ xã hội như tư vấn tâm lý, đường dây nóng, nhà tạm lánh, các cơ quan điều phối các dịch vụ này cũng cần được xem là dịch vụ thiết yếu trên tuyến đầu chống dịch, nhằm bảo đảm an toàn cho phụ nữ và trẻ em".