Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng chế độ thai sản

Minh Châu
12/11/2022 - 16:34
Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng chế độ thai sản

Ông Andre Gama - Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam - phát biểu tại hội thảo

Trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng chế độ thai sản trong quá trình tổng kết sửa đối Nghị quyết 15-NQ/TW, tham gia góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi), đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào Danh mục dịch vụ được BHYT chi trả.

Ngày 11/11, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức Hội thảo góp ý Dự thảo tài liệu "Vai trò của Hội LHPN trong công tác thực hiện các chính sách An sinh xã hội". Dự buổi hội thảo còn có đại diện Chương trình An sinh xã hội (ASXH), Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam và nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ASXH nói chung và BHXH nói riêng. 

Phát biểu tại Hội thảo, bà Bùi Thị Hồng - Ủy viên Đoàn Chủ tịch, Trưởng Ban Tổ chức, TƯ Hội LHPN Việt Nam - nhấn mạnh: Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một trụ cột chính của hệ thống ASXH. Việc thực hiện chính sách BHXH góp phần ổn định cuộc sống của người lao động, trong đó có lao động nữ, trợ giúp họ khi gặp các rủi ro về ốm đau, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp… sớm trở lại trạng thái sức khỏe ban đầu, góp phần tích cực vào việc ổn định xã hội, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã tích cực đề xuất nhiều chính sách BHXH, mang lại lợi ích thiết thực cho phụ nữ như giảm số năm đóng BHXH cho cán bộ nữ cấp cơ sở, nâng tuổi nghỉ hưu đối với một bộ phận cán bộ nữ. 

Trung ương Hội LHPN Việt Nam thành lập nhiều đoàn giám sát dự án Luật trong đó có nội dung về BHXH, BHYT. Một số tỉnh Hội được mời tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra của BHXH tỉnh. Qua giám sát đã phát hiện kịp thời những sai sót, tồn tại để kiến nghị bổ sung, điều chỉnh, đảm bảo quyền lợi cho người lao động là nữ nói riêng và người dân nói chung.

Trong giai đoạn 2015-2020, Trung ương Hội LHPN Việt Nam và BHXH Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp công tác. Sau 5 năm thực hiện, công tác phối hợp đã đạt được kết quả tích cực (riêng cấp TƯ Hội đã tổ chức tuyên truyền, đối thoại tại 31 tỉnh/thành cho 11.510 người.)

Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng chế độ thai sản - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Diệu Hồng - Chuyên gia Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) - tham gia đóng góp ý kiến

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Hồng cũng chỉ ra những hạn chế và tồn tại như năng lực cán bộ Hội các cấp trong tham mưu về các chính sách cho cán bộ Hội LHPN các cấp (trong đó có chính sách về BHXH), kỹ năng truyền thông về BHXH, BHYT cho cán bộ, hội viên phụ nữ còn hạn chế. 

Hiện nay, có khoảng 15 nghìn cán bộ Hội chuyên trách cần được nâng cao nhận thức về công tác bảo hiểm để tự bảo vệ mình và mong muốn trở thành các tuyên truyền viên về công tác bảo hiểm, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia BHXH. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra về thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho cán bộ hội, hội viên phụ nữ ở nhiều địa phương còn chưa được thực hiện thường xuyên, còn nhiều bất cập.

Bà Hồng cho biết, trong thời gian tới, Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất tham mưu chính sách ASXH nói chung và chính sách BHXH nói riêng như đề xuất mở rộng chế độ thai sản trong quá trình tổng kết sửa đối Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 1/6/2012 về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đang được Bộ LĐTB&XH tổng kết, tham mưu xây dựng Nghị quyết thay thế và dự kến trình Ban Chấp hành TW vào tháng 5/2023. Ngoài ra, còn tham gia góp ý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Luật BHYT (sửa đổi), đề xuất đưa sàng lọc ung thư cổ tử cung vào Danh mục dịch vụ được BHYT chi trả.

Các cấp Hội tiếp tục tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH trong công tác tuyên truyền đối thoại chính sách BHXH, BHYT với hội viên, phụ nữ. Thành lập, tham gia nhiều đoàn giám sát về chính sách BHXH, BHYT.

Trưởng Ban Tổ chức TƯ Hội LHPN Việt Nam chia sẻ: "Để làm được điều này cần có sự chung tay của các cấp, các ngành, địa phương, tổ chức, của cán bộ, hội viên, phụ nữ trong cả nước". Bên cạnh đó, TƯ Hội LHPN Việt Nam giao nhiệm vụ tham mưu về công tác cán bộ và các chính sách cho cán bộ Hội LHPN các cấp (trong đó có chính sách về BHXH), thường xuyên theo dõi, tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống Hội. Hàng năm tổ chức các hoạt động truyền thông về BHYT, BHXH cho các bộ, hội viên phụ nữ.

Hội LHPN Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mở rộng chế độ thai sản - Ảnh 2.

Bà Hà Thanh Vân - Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam - có nhiều ý kiến tâm huyết tại buổi tập huấn

Chia sẻ tại hội thảo, ông Andre Gama - Giám đốc Chương trình ASXH, Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam cho rằng, hệ thống ASXH trong đó có BHXH ở Việt Nam đã phát triển trong nhiều thập kỷ qua và đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên diện bao phủ thực tế của ASXH, bao gồm BHXH vẫn còn thấp và phần lớn dân số Việt Nam, đặc biệt phụ nữ chưa được hưởng lợi từ hệ thống BHXH và thiếu sự đảm bảo về thu nhập ở những giai đoạn quan trọng của cuộc đời. 

Khoảng trống trong diện bao phủ, các chế độ và quyền lợi không đủ và rào cản trong tiếp cận đã ảnh hưởng đến một số nhóm xã hội nhiều hơn những nhóm khác khiến an sinh xã hội kém hiệu quả hơn trong việc giảm bất bình đẳng và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Xét ở khía cạnh bình đẳng giới, các chương trình BHXH và trợ giúp xã hội hiện hành chưa đủ để đảm bảo ASXH thỏa đáng cho phụ nữ ở khía cạnh an toàn thu nhập. Trong khi diện bao phủ của các chương trình trợ giúp xã hội rất nhỏ hẹp, diện bao phủ bảo hiểm xã hội ở Việt Nam còn thấp.

Bà Bùi Thị Hồng ghi nhận và cảm ơn những ý kiến đóng góp của các đại biểu và tin rằng, qua buổi hội thảo, các đại biểu sẽ được cung cấp thông tin về giới trong chính sách ASXH từ đó nâng cao chất lượng tham mưu lồng ghép trong đề xuất, xây dựng và thực hiện chính sách ASXH nói chung và  BHXH nói riêng.

Đồng thời, giúp Hội LHPN Việt Nam nâng cao năng lực cán bộ Hội các cấp trong tham mưu về các chính sách ASXH cho phụ nữ, nâng cao năng lực thanh kiểm tra thực hiện chính sách BHXH, BHYT cho cán bôj, hội viên phụ nữ ở địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm