Hội LHPN Việt Nam và Lào trao học bổng, thăm mô hình kinh tế ở Gia Lai

06/04/2018 - 23:15
Chiều 6/4, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam của đoàn đại biểu Hội LHPN Lào, lãnh đạo Hội LHPN hai nước đã đến thăm mô hình sản xuất kinh tế và trao học bổng cho trẻ em ở làng Mrong Ngó, xã Ia Ka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai.
dsc_3669.JPG
Đồng bào dân tộc xã Ia Ka, huyện Chư Păh chào đón đoàn đại biểu Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Lào

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch Hội LHPN Lào In-La-Văn Kẹo- bun- phăn cùng các thành viên trong đoàn đã nghe báo cáo và tham quan mô hình CLB dệt thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng do Hội LHPN xã Ia Ka tổ chức.

Chị Rơ chăm H’Ken, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka, cho biết: Được thành lập từ năm 2010, đến nay CLB đã có 59 thành viên là những phụ nữ người dân tộc Jơrai trong xã. CLB do Chủ tịch Hội LHPN xã làm Chủ nhiệm, 4 chi hội trưởng của 4 làng là thành viên Ban chủ nhiệm. Hàng tháng, Ban chủ nhiệm CLB tổ chức sinh hoạt, phân bổ số lượng sản phẩm cho các thành viên để tiến hành sản xuất tại gia đình – tranh thủ thời gian rảnh rỗi hoặc làm ban đêm. Sau khi sản phẩm hoàn thành, các thành viên báo cho Ban chủ nhiệm, các thành viên Ban chủ nhiệm làm vai trò đầu mối giới thiệu với du khách để tiêu thụ.

dsc_3687.JPG
Chị Rơ chăm H’Ken, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Ka, báo cáo với đoàn về mô hình CLB dệ thổ cẩm kết hợp du lịch cộng đồng của chị em phụ nữ trong xã.

 

Một tấm thổ cẩm có giá từ 500.000 – 700.000 đồng; một bộ đồ thổ cẩm may sẵn có giá từ 1-1,5 triệu đồng; 100.000-300.000 đồng một chiếc túi xách, ví… Bình quân mỗi năm, CLB bán được trên 700 sản phẩm, sau khi trừ chi phí có thu nhập 45 triệu đồng. Phần lãi được chia cho các thành viên theo số lượng sản phẩm.

Từ việc tổ chức sản xuất, Hội LHPN địa phương đã “nâng cấp” thành mô hình du lịch cộng đồng. Du khách đến với địa phương không chỉ chiêm ngưỡng, mua sắm các sản phẩm thổ cẩm tinh xảo, độc đáo, mà còn được giới thiệu, thưởng thức các sản phẩm ẩm thực của người dân địa phương, với hơn 10 mặt hàng khác nhau như rượu ghè, cơm lam, lá mì, cà đắng… 

Bên cạnh đó, CLB còn chú trọng đến việc truyền nghề cho thế hệ trẻ. Từ năm 2015 đến nay đã đào tạo được 10 em biết dệt những mẫu hoa văn cơ bản.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá cao mô hình sáng tạo, vừa góp phần phát triển kinh tế cho chị em phụ nữ, vừa góp phần bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc.

hoi-phu-nu.JPG
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Bùi Thị Hòa thăm hỏi các gia đình đồng bào dân tộc ở làng Mrong Ngó, xã Ia Ka. 

 

Còn Chủ tịch Hội LHPN Lào In-La-Văn Kẹo- bun- phăn bày tỏ khâm trước sự khéo léo, óc sáng tạo của những phụ nữ dân tộc thiểu số Việt Nam. Bà cho rằng, phụ nữ Lào có nhiều điều có thể trao đổi, học hỏi từ mô hình này.

Nhân dịp đến thăm xã Ia Ka, đoàn công tác của Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Lào đã trao tặng 31 suất học bổng (mỗi suất trị giá 1 triệu đồng) cho các học sinh nghèo hiếu học của xã.

dsc_3701.JPG
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam và Chủ tịch Hội LHPN Lào trao học bổng cho các em học sinh dân tộc thiểu số.

 

Trước đó, đoàn đã đến thăm Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, một trong những doanh nghiệp ở tỉnh Gia Lai làm ăn hiệu quả, có mối quan hệ mật thiết với nước bạn Lào, đồng thời cũng là đơn vị có chính sách khá tốt đối với lao động nữ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm