Phát biểu tại hội nghị giao ban hoạt động ủy thác năm 2018 diễn ra chiều ngày 18/1, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho rằng, với phương thức cho vay ủy thác gắn kết 04 nhà (Ngân hàng, chính quyền, tổ chức CTXH và Tổ tiết kiệm và vay vốn) đã chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến hàng triệu người nghèo và các đối tượng chính sách khác, giúp đỡ họ biết sử dụng vốn vay, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Về phía các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác gồm Hội LHPNVN, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu Chiến binh, Đoàn TNCSHCM, phối hợp cùng NHCSXH triển khai thực hiện các Chương trình tín dụng, các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất lượng tín dụng.
Theo NHCSXH, tính đến 31/12/2018, toàn hệ thống NHCSXH có tổng dư nợ cho vay là 187.792 tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội là 186.883 tỷ đồng (chiếm 99,52%).
Năm 2018, Hội LHPNVN vẫn tiếp tục giữ vững “5 nhất” trong hoạt động này so với các tổ chức chính trị - xã hội khác.
Cụ thể, Hội LHPNVN có Tổ tiết kiệm và vay vốn lớn nhất với 68.354 tổ (trong tổng số 181.710 tổ);
Số hộ vay vốn đông nhất với 2.584 hộ (trong tổng số 6.634 hộ vay);
Tổng dư nợ chiếm cao nhất là 73.266 tỷ đồng (trong tổng số 186.883 tỷ đồng); Tổng dư nợ tăng mạnh nhất với 6.622 tỷ đồng so với năm 2017;
Đặc biệt là tỷ lệ nợ quá hạn luôn đạt thấp nhất, chỉ có 0,3% - đây là con số rất có ý nghĩa bởi cho thấy ý thức hoàn trả nợ và hiệu quả sử dụng vốn vay của phụ nữ luôn cao hơn.
Đến nay, toàn quốc có gần 6,7 triệu hộ gia đình được vay vốn NHCSXH theo phương thức ủy thác cho vay qua các tổ chức CTXH với mạng lưới 181.710 Tổ TK&VV.
Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp 0,5 triệu hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo, hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh tạo việc làm cho gần 245 nghìn lao động; giúp gần 6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 51 nghìn học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập… |