pnvnonline@phunuvietnam.vn
Home Credit trao vốn khởi nghiệp cho phụ nữ Bạc Liêu
Theo đó, số vốn 150 triệu đồng đã được Home Credit trao cho Tổ hợp tác đan cây năng tượng ở ấp Trung Hưng 2, xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu) và Tổ hợp tác đan lục bình ở ấp Vàm, xã Ninh Quới (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu).
Chị Nguyễn Thị Mẳn - Tổ trưởng Tổ hợp tác đan lục bình ở ấp Vàm, xã Ninh Quới - cho biết, bản thân chị và hơn 40 thành viên trong tổ rất phấn khởi khi nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ Home Credit. Theo chị Mẳn, trước đây, do rất hạn chế về nguồn vốn nên công việc của tổ nhiều lúc bị gián đoạn, chật vật. Có rất nhiều chị muốn được làm việc liên tục nhưng không có vốn để mua nguyên liệu.
"Giờ đây, với nguồn vốn hỗ trợ, chị em đã có thể mua nguyên liệu để dự trữ, làm sản phẩm. Tôi tin tưởng nguồn vốn sẽ giúp cho công việc của chị em ngày càng ổn định. Từ đó giúp thu nhập, cuộc sống của các thành viên trong tổ ngày càng phát triển hơn", chị Mẳn chia sẻ.
Vấn đề thiếu vốn cũng là "bài toán" trong suốt thời gian qua với các thành viên tổ trưởng Tổ hợp tác đan cây năng tượng ấp Trung Hưng 2, xã Vĩnh Hưng. Chị Lê Thị Nở, Tổ trưởng Tổ hợp tác đan năng tượng ấp Trung Hưng 2, xã Vĩnh Hưng (huyện Vĩnh Lợi, Bạc Liêu), cho biết, Tổ hợp tác đan năng tượng được thành lập vào năm 2021. Nhưng từ đó đến nay, do thiếu vốn nên công việc của các thành viên trong tổ hết sức bếp bênh, dẫn đến thu nhập, hiệu quả chưa đạt được như mong đợi. Lần này, với sự hỗ trợ vốn từ Home Credit sẽ giúp cho các thành viên trong không phải còn lo nghĩ đến việc thiếu nguyên liệu nữa.
"Với số vốn được trao, chúng tôi sẽ mua thêm nguyên liệu như cây năng tượng, lục bình, khuôn… để dự trữ sản xuất, mở rộng mô hình. Việc duy trì, phát triển mô hình sẽ góp phần giúp cho phụ nữ không phải đi làm ăn xa, tăng tỉ lệ thu hút, tập hợp hội viên", chị Nở nói.
Đồng hành cùng phụ nữ phát triển kinh doanh
Chị Phạm Thị Bích Liên, Trưởng bộ phận Vận hành Tiếp thị và Phát triển Bền vững Home Credit Việt Nam, cho biết, hiện nay 70% người dân Việt Nam chưa thể tiếp cận được với vốn vay ngân hàng cũng như các nguồn vốn vay ở dịch vụ tài chính truyền thống. Trong đó phụ nữ, nhất là phụ nữ ở vùng sâu vùng xa, phụ nữ yếu thế, phụ nữ dân tộc thiểu số là những đối tượng cần được đặc biệt quan tâm trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Với sứ mệnh là một công ty tài chính số bền vững, Home Credit muốn giúp khách hàng làm chủ cuộc sống và sống vui như mong đợi. "Chúng tôi đã triển khai các chương trình, cùng phối hợp với Hội LHPN trên khắp cả nước để có thể hỗ trợ vốn cho phụ nữ có nguồn vốn tài chính đáng tin cậy để có thể làm chủ cuộc sống và sống vui hơn", chị Liên nói và kỳ vọng nguồn vốn được trao sẽ như là một nguồn động lực cho phụ nữ để họ có thể sử dụng một cách hiệu quả, kinh doanh và đạt được hiệu quả dài lâu. Từ đó, giúp người phụ nữ có được cuộc sống như mong muốn.
Bà Phan Thị Sang, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu, cho biết, với vai trò của mình, Hội LHPN tỉnh sẽ duy trì, bảo tồn nguồn vốn để hỗ trợ tốt nhất cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế bền vững. Bên cạnh đó, Tỉnh Hội cũng sẽ chỉ đạo các cấp Hội ở địa phương làm sao hỗ trợ cho chị em trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bạc Liêu cũng mong muốn Home Credit sẽ tiếp tục quan tâm đến hội viên, phụ nữ tỉnh Bạc Liêu trong việc hỗ trợ nguồn vốn góp phần tăng nguồn lực, tăng thu nhập cho Hội viên, đồng hành cùng Hội LHPN tỉnh thực hiện tốt công tác giảm nghèo đối với phụ nữ khó khăn, phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với việc hỗ trợ nguồn vốn cho 2 Tổ hợp tác dịp này, theo bà Phan Thị Sang, đây là hoạt động thí điểm để tạo việc làm cho Hội viên, tiến tới sẽ thành lập Hợp tác xã để hỗ trợ phụ nữ địa phương nhiều hơn.
Dịp này, Home Credit đã trao 72 suất học bổng cho học sinh mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.