Hơn 27% nữ nhà báo Việt Nam bị quấy rối tình dục

23/05/2018 - 15:08
Nghiên cứu Bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam do Viện Báo chí Fojo -Thuỵ Điển Fojo phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) vừa công bố, ghi nhận tình trạng quấy rối tình dục đối với các nữ nhà báo ở mức cao, trên 27%.

Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Viện đào tạo báo chí FoJo, Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam (WeNet) vừa tổ chức Toạ đàm Báo chí về đề tài bình đẳng giới ngày 22/5 tại Hà Nội.

fojo-anh-hoi-thao.jpg
Buổi tọa đàm với sự tham dự của các nhà báo nữ

Theo đánh giá từ Toạ đàm Báo chí về đề tài bình đẳng giới, Ngành báo chí Việt Nam hiện có những điểm mạnh về bình đẳng giới so với nhiều nước trong khu vực, như không có sự chênh lệch về lương giữa nam và nữ. Nữ giới bắt đầu có cơ hội thăng tiến tốt trong ngành báo ở mức quản lý cấp trung. Tuy nhiên, quấy rối tình dục ở trong và ngoài toà soạn là một trong những vấn đề bình đẳng giới lớn nhất mà các nhà báo gặp phải.

 

Nghiên cứu Bình đẳng giới trong ngành báo chí Việt Nam do Viện Báo chí Fojo - Thuỵ Điển Fojo phối hợp với Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) tiến hành vào tháng 9/2017 ghi nhận tình trạng quấy rối tình dục đối với các nhà báo ở mức cao, trên 27%. Trong nhiều trường hợp, thủ phạm bao gồm nguồn tin, đồng nghiệp và cấp trên. Tuy nhiên, ngay trong các nhà báo cũng có cách hiểu chưa thống nhất về các yếu tố cấu thành hành vi quấy rối tình dục. Trong khi đó, hầu hết các Toà soạn chưa có chính sách và đào tạo phòng chống hành vi này.
 
Bà Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI), đồng sáng lập Diễn đàn nhà báo nữ (WeNet), dẫn chứng: "Có một phóng viên của một tờ báo lớn kể cô suýt bị nguồn tin là một người trả lời phỏng vấn cưỡng bức và từ đấy cô không bao giờ đồng ý đến khách sạn để phỏng vấn. Một nữ phóng viên truyền hình tỉnh mím chặt môi nói rằng cô rất nhiều lần suy nghĩ đến chuyện bỏ việc do bị quấy rối. Các nữ phóng viên ở các tỉnh khác, đôi khi phủ nhận chuyện bị quấy rối, nhưng lại nói rằng họ có luật bất thành văn là bao giờ cũng đi hai người đến các huyện, và không bao giờ vào phòng nghỉ trưa một mình... Đa số đều sẽ im lặng chịu đựng một mình vì ngại tai tiếng và cũng không giải quyết được gì."
fojo-hoi-thao-4.jpg
Theo báo cáo từ BTC Tọa đàm, tỉ lệ bị quấy rối tình dục đối với các nhà báo là trên 27%

“Vai trò của nhà báo nữ đã tiến một bước rất dài trong ngành báo chí. Các nhà báo nữ đã không còn khó xin việc do định kiến của các Toà soạn đối với nhà báo nữ như trước kia. Tuy nhiên, các buổi thảo luận nhóm với các nhà báo do FoJo và MDI tiến hành cho thấy nạn quấy rối, đối với cả nhà báo nữ và nhà báo nam, là một lực cản ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc và sức khoẻ tinh thần của một bộ phận nhà báo”, Trần Lệ Thùy, Giám đốc Trung tâm Sáng kiến Truyền thông và Phát triển (MDI) và đồng sáng lập Diễn đàn Nhà báo nữ Việt Nam (WeNet), nhận định thêm.

 

Trong thời gian tới, MDI và WeNet sẽ tích cực hỗ trợ các nhà báo trong việc tăng cường bình đẳng giới trong toà soạn và hỗ trợ đưa thông tin báo chí có hiểu biết về bình đẳng giới, phòng chống và giảm thiểu hậu quả các hành vi bạo lực, quấy rối đối với nhà báo. Các hoạt động của MDI và WeNet sẽ nhằm đến các mục tiêu như tăng cường nâng cao nhận thức trong ngành báo chí truyền thông về quấy rối và quấy rối tình dục; đào tạo nhà báo, cả nam và nữ, về như thế nào là quấy rối và cách đối phó; chấm dứt việc đổ lỗi cho nạn nhân bên trong ngành báo chí truyền thông và trong nội dung trên các phương tiện thông tin đại chúng; Hỗ trợ kỹ thuật đối với các Toà soạn để thiết lập các cơ chế, chính sách nội bộ chống quấy rối.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm