pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hơn 40 năm chờ được gỡ mác "sống nhờ đất khách"

Con đường nội Khu 20 đã bị xuống cấp theo năm tháng
Không dám xây nhà, không thể vay vốn phát triển sản xuất
Câu chuyện bắt đầu từ tháng 3/1983. Khi ấy, ông Hoàng Văn Lựu vừa xuất ngũ trở về địa phương. Bố mẹ, anh chị em ông đều sinh sống tại xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ). Trong một lần thăm làng, phát hiện diện tích đất không được màu mỡ nhưng rộng rãi, có thể khai khẩn trở thành nơi lưu trú lâu dài, ông Lựu đã đề xuất nguyện vọng của mình với chính quyền xã Hoàng Xá khi đó. Sau khi được chấp thuận, ông Lựu cùng 10 người khác, đều là những thanh niên ưu tú, có sức khỏe, bắt đầu những tháng ngày vỡ đất, khai hoang.
"Hồi đó, đất đai khô cằn, xếp tầng thành từng ruộng bậc thang, khắp nơi đâu đâu cũng chỉ thấy cây sim, cây mua, đồng đất hoang hóa. Thế rồi sau những tháng ngày khai khẩn, mảnh đất ấy trở nên bằng phẳng. 11 người chúng tôi dựng nhà, lập gia đình rồi sinh sống từ đó đến nay. Từ 11 người ấy, bây giờ đã tăng lên 48 hộ với 184 nhân khẩu. Sau này, khi đo đạc mới vỡ lẽ ra diện tích đồng đất chúng tôi khai khẩn lại thuộc địa giới hành chính của xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn", ông Lựu, năm nay 73 tuổi, nhớ lại.
Cảnh sống "hộ khẩu một nơi, người một nẻo" kéo theo nhiều vướng mắc trong cuộc sống. Đầu tiên phải kể đến là vấn đề cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Đây cũng chính là lý do khiến Khu 20 (xã Hoàng Xá), nơi 48 hộ dân đang sinh sống, vẫn còn nhiều căn nhà cấp 4 lụp xụp. Theo ông Lựu, chẳng phải người dân không có tiền để sửa nhà mà vì họ chưa yên tâm khi đất chưa có sổ đỏ.

Ông Hoàng Văn Lựu là một trong những người khai hoang Khu 20
Ông Nguyễn Tiến Sơn (70 tuổi) là một trong những người vào khai khẩn vùng đất này cùng với ông Lựu. Căn nhà - nơi sinh sống của cả gia đình ông Sơn - đã được xây dựng gần 40 năm và có dấu hiệu xuống cấp. Kinh tế khá giả, các thành viên trong gia đình ông Sơn đều muốn xây lại căn nhà nhưng sau nhiều lần bàn bạc, ông Sơn vẫn chần chừ bởi đất chưa có sổ đỏ, nhỡ đâu có chuyện gì thì mất trắng.
Vài năm trở lại đây, người dân Khu 20 đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng chăn nuôi, trồng cây ăn quả nên cần nhiều vốn để đầu tư, mở rộng diện tích trồng cây. Tuy nhiên, do không có sổ đỏ nên không có ngân hàng nào phê duyệt cho bà con vay vốn. "Chúng tôi chỉ dám sản xuất nhỏ lẻ, được đồng lãi nào mới dám đầu tư sản xuất nên kinh tế không phát triển nhanh được. Đó cũng là vướng mắc quan trọng nhất ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của bà con", ông Nguyễn Văn Trung (46 tuổi), một cư dân Khu 20, chia sẻ.
Vướng mắc đủ đường
Việc "ở nhờ" trên đất của huyện khác cũng khiến cuộc sống của 48 hộ dân tại Khu 20 gặp phải nhiều vướng mắc khác. Trong đó có vấn đề điện lưới. Việc Điện lực huyện Thanh Thủy không thể kéo điện tới Khu 20 khiến các hộ dân ở đây phải bỏ tiền túi ra để trồng cột, kéo dây từ trạm biến áp thuộc quyền quản lý của Điện lực huyện Thanh Sơn để sử dụng. Thế nên mới dẫn đến câu chuyện hi hữu, đó là người dân huyện Thanh Thủy nhưng lại đóng tiền sử dụng điện cho Điện lực huyện Thanh Sơn. Một vấn đề khác cũng không kém phần nan giải là vấn đề học tập của trẻ. Ông Hoàng Văn Du (66 tuổi, người dân Khu 20) cho biết, đa số trẻ bậc tiểu học, trung học cơ sở của Khu 20 đều học tại các trường trên địa bàn xã Cự Đồng, chỉ một số ít học trên địa bàn xã Hoàng Xá. Lý do là bởi Khu 20 gần với xã Cự Đồng hơn.
"Từ xã Hoàng Xá, muốn tới Khu 20 phải di chuyển qua một con đường bê tông. Đường ở vị trí thấp, khi có mưa lớn thường ngập nên việc đi lại của các cháu gặp khó khăn. Vậy nên, nếu muốn đến trường học tại Hoàng Xá, các cháu chỉ có thể đi đường vòng dài hơn 10km. Tuy nhiên, do người dân Khu 20 đều có gốc ở xã Hoàng Xá nên nếu có mưa, hầu như tất cả các cháu học tại các trường trên địa bàn xã sẽ ở nhờ luôn nhà họ hàng. Còn nếu học nhờ tại xã Cự Đồng thì đường đi sẽ thuận tiện hơn. Tuy nhiên, những khoản đóng góp lại cao hơn so với người dân địa phương", ông Du chia sẻ.
Theo bà Phùng Thị Lý (67 tuổi), vấn đề nơi chôn cất người đã khuất một thời cũng khiến người dân ở Khu 20 đau đầu. Nguyên nhân là bởi xã Cự Đồng không cho người dân Khu 20 chôn cất người đã khuất tại nghĩa trang địa phương. Vậy nên, khi có đám hiếu, buộc lòng người dân phải đưa về nghĩa trang xã Hoàng Xá để chôn cất. "Năm 2002, chính quyền 2 xã đã thống nhất cấp cho người dân Khu 20 một diện tích đất để phục vụ việc chôn cất người đã khuất", bà Lý cho biết.

Bà Phùng Thị Lý mong muốn những vướng mắc tại Khu 20 sẽ sớm được giải quyết
Cũng theo bà Lý, mặc dù chính quyền 2 địa phương đã tổ chức nhiều cuộc họp dân để bàn bạc, giải quyết vấn đề tại Khu 20 nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi chính quyền xã Hoàng Xá muốn chính quyền xã Cự Đồng tiếp nhận 184 nhân khẩu hoặc cắt phần đất mà người dân Khu 20 đang sinh sống về xã Hoàng Xá thì chính quyền xã Cự Đồng lại bảo lưu quan điểm chỉ tiếp nhận phần đất chứ không nhận người của Khu 20 về xã để quản lý.
Đại diện chính quyền xã Hoàng Xá (huyện Thanh Thủy) xác nhận có sự việc tất cả nhân khẩu thuộc Khu 20 hiện sinh sống trên địa giới hành chính thuộc khu Quyết Tiến (xã Cự Đồng, huyện Thanh Sơn). Thế nhưng về mặt hành chính, tất cả số nhân khẩu này lại đang thuộc sự quản lý của chính quyền xã Hoàng Xá.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Bá Bào, Trưởng phòng Nội vụ huyện Thanh Thủy, cho biết, mặc dù người dân Khu 20 mong muốn chỉnh lý phần diện tích họ đang sinh sống về xã Hoàng Xá quản lý nhưng qua các cuộc đối thoại, làm việc, xã Cự Đồng vẫn giữ nguyên quan điểm thực hiện đường địa giới hành chính theo Bản đồ 364 (tức Chỉ thị 364-CT năm 1991 của Chính phủ về việc giải quyết những tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính tỉnh, huyện, xã), nghĩa là giữ đúng mốc giới cũ.
Trong khi việc sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp đang được triển khai, người dân Khu 20 kỳ vọng đây sẽ là dịp để sau nhiều năm, họ có thể thoát khỏi cái mác "sống nhờ trên đất khách".