Hơn 53.000 lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài năm 2017

24/01/2018 - 10:56
Năm 2017 là năm thứ 4 liên tiếp nước ta vượt mức hơn 100.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Riêng với lao động nữ đạt tới 53.340 lao động trong năm qua, tập trung ở các thị trường có mức lương khá.
lao-dong-nu-di-lam-viec-tai-nhat-ban.png
Lao động nữ đi làm việc ở Nhật Bản

 

Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH, vừa tổ chức hội nghị công tác năm 2017. Theo số liệu thống kê, năm 2017 cả nước đưa đi được 134.751 lao động (trong đó, có 53.340 lao động nữ, chiếm 39,6%); vượt 28,3% so với kế hoạch năm.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: Đây là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm. Trong đó, các thị trường truyền thống duy trì ổn định số lao động Việt Nam đi làm việc. Đặc biệt, năm qua thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động, trong đó có hơn 24.000 lao động nữ. Thị trường này có sức hút lớn với người lao động nữ, cụ thể như chương trình tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật có mức lương hấp dẫn là 130.000 - 140.000 yên/tháng (khoảng 28 triệu đồng); mức lương của ứng viên hộ lý: 140.000 - 150.000 yên/tháng (khoảng 30 triệu đồng). Ngoài mức lương trên, ứng viên sẽ nhận các khoản phụ cấp tương ứng với thành tích công việc. 

 Còn các thị trường khác có đông lao động nữ đi làm việc như Đài Loan (Trung Quốc) có 23.530 người; Hàn Quốc là 473 người; Ả rập - Xê út là 3.447 người...

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, không ít thị trường có nhu cầu tuyển dụng cho ngành, nghề mới mà lao động Việt Nam có khả năng đáp ứng tốt như điều dưỡng, hộ lý, lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản... Trên thực tế, thị trường Châu Âu đang có nhu cầu tiếp nhận nhiều lao động nước ngoài, trong đó thị trường Rumani, Ba Lan, Na Uy…

nu-dieu-duong-di-nhat-ban.jpg
Thị trường Nhật Bản có sự tăng trưởng vượt bậc với 54.504 lao động, trong đó có hơn 24.000 lao động nữ

 

Tuy vậy, hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài vẫn diễn biến phức tạp. Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho rằng: Việc tuân thủ pháp luật về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tại một số doanh nghiệp còn yếu kém. Vi phạm phổ biến là doanh nghiệp không trực tiếp làm mà cho người khác sử dụng giấy phép để tuyển dụng lao động, thu tiền trái phép; đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động; lao động Việt Nam bỏ hợp đồng, cư trú và làm việc bất hợp pháp tại một số thị trường trọng điểm…

Khắc phục tình trạng này, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho biết: Sẽ kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài không đúng quy định, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan nghiêm túc thực hiện Thông tư về Quản lý, vận hành và khai thác cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm