Hơn 80% trẻ bị bạo lực trong gia đình và trường học

22/11/2017 - 18:02
Thống kê của Bộ LĐTB&XH cho thấy, trẻ bị bạo lực thân thể chiếm 91,7%. Số trẻ bị bạo lực trong gia đình và trường học chiếm tới 83,3%.

Sáng 22/11 tại Hà Nội, do tổ chức Tầm nhìn thế giới (World Vision) phối hợp cùng Bộ LĐTB&XH đã khởi động sáng kiến toàn cầu chống bạo lực thân thể trẻ em.
Theo Bộ LĐTB&XH, tại tại Việt Nam, trung bình mỗi năm có trên 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại cần được hỗ trợ, can thiệp. Bạo lực, xâm hại trẻ em trở thành vấn nạn toàn cầu. Trên thế giới, khoảng 120 triệu trẻ em gái và 73 triệu trẻ em trai là nạn nhân của xâm hại. Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ trẻ em bị xâm hại cao, với khoảng trên 60% trẻ em từ 2 đến 17 tuổi đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực.

Theo ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH - tính chất các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em với nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình, trường học do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên hoặc bạn bè trong trường học…

“Việt Nam cam kết giải quyết vấn đề bạo lực, xâm hại trẻ em với việc ban hành hệ thống pháp luật và chính sách nhằm phòng ngừa và chấm dứt bạo lực, xâm hại trẻ em. Chúng tôi hi vọng các bên sẽ cùng chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra các giải pháp và tham gia hành động thiết thực để phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em trong gia đình và trường học” – ông Nam nhấn mạnh.

Lễ phát động sáng kiến chống bạo lực thân thể trẻ em diễn ra tại Hà Nội sáng 22/11, với sự tham gia của ca sĩ Hà Anh Tuấn và nhạc sĩ Tạ Quang Thắng cùng các em nhỏ. Ảnh: D.H
 

Theo Báo cáo chuyên đề can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực thông qua đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567 (Cục Trẻ em - Bộ LĐTBXH, tháng 6/2017), giai đoạn từ năm 2012 đến tháng 5/2017, trong tổng số 698 ca trẻ em bị bạo lực có tới 91,7% bị bạo lực thân thể; trẻ em từ 0 đến 10 tuổi chịu bạo lực nhiều nhất, chiếm 56,9%; tỉ lệ trẻ em bị bạo lực trong gia đình là cao nhất (63,2%), đứng thứ hai là trẻ bị bạo lực trong trường học (20,1%).

“Bạo lực thân thể trẻ em là vấn đề không thể được giải quyết bởi bất kỳ một tổ chức hay cá nhân đơn lẻ nào, mà cần sự chung sức của tất cả mọi người”, ông Warren Climenhaga - Giám đốc Chương trình vùng Đông Á, tổ chức World Vision Quốc tế cho biết.

“Đòn roi sẽ chỉ làm chúng cháu sợ sệt, thậm chí trở nên lì và khó bảo hơn. Cháu e rằng sau này chúng cháu sẽ vô thức bắt chước theo bố mẹ, dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề của mình. Cháu mong muốn cha mẹ sẽ dùng lời lẽ để khuyên giải, động viên, khích lệ hơn là dùng đòn roi để dạy bảo con cái”, Lương Thị Quỳnh- Đại sứ Trẻ em của Sáng kiến chia sẻ.

Được World Vision phát động tại hơn 100 quốc gia, sáng kiến toàn cầu 5 năm về chấm dứt bạo lực trẻ em có chủ đề “Chấm dứt bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học”. Mục đích của sáng kiến là tăng cường hợp tác với Chính phủ Việt Nam nhằm tích cực triển khai các giải pháp phù hợp để giảm bạo lực thân thể trẻ em trong gia đình và trường học.

Cùng với đó là thay đổi nhận thức của các nhóm trong xã hội về việc sử dụng hình phạt thân thể với trẻ em trong gia đình và trường học, từ đó cùng hành động để chấm dứt thông lệ này.

Các thông điệp của sáng kiến:

- Trẻ em cần lớn lên trong tình yêu thương, không bạo lực

- Đòn roi không phải là yêu thương

- Đừng thờ ơ với hành vi bạo lực thân thể trẻ em

- Im lặng là tiếp tay cho hành vi bạo lực

- Hãy gọi 111 khi chứng kiến bạo lực thân thể trẻ em

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm