pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hợp tác xã có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động
Các HTX có vai trò quan trọng trong giải quyết việc làm tại địa phương
Diễn đàn sự kiện nằm trong Tháng hành động vì Hợp tác xã năm 2024 nhằm mục đích phân tích đánh giá các vấn đề trong khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã (HTX), góp phần tăng cường cam kết và đầu tư thực hiện công bằng xã hội trong sản xuất kinh doanh tiếp cận các nguồn lực tìm kiếm thị trường.
Đánh giá về vai trò, vị trí của kinh tế tập thể, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam khẳng định: "Trong bối cảnh thế giới ngày càng phức tạp và đa dạng, việc thúc đẩy tiến bộ công bằng xã hội trở thành mục tiêu không chỉ quan trọng mà còn là cốt lõi của sự phát triển bền vững. Tại điểm giao giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội, HTX nổi lên như một mô hình kinh doanh có khả năng thúc đẩy cả sự phát triển kinh tế - xã hội và công bằng xã hội; và là một nhân tố quan trọng, đóng vai trò không thể phủ nhận trong việc xây dựng một xã hội công bằng và phát triển toàn diện.
Kinh tế tập thể, HTX với các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết cùng với các giá trị đầy tính nhân văn như trung thực, cởi mở, trách nhiệm với xã hội, quan tâm đến cộng đồng đã phát triển và lan tỏa tới toàn thế giới.
Tuy không phải là khu vực tạo ra nhiều lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế nhất, nhưng kinh tế tập thể, HTX có vai trò, vị trí quan trọng trong giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho thành viên, người lao động, tạo sự ổn định xã hội, góp phần cho tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia".
Tại Diễn đàn, các đại biểu đến từ Liên minh HTX Việt Nam, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Hội LHPN Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, đại diện các HTX đã trình bày các tham luận liên quan đến: Vai trò của hệ thống Liên minh HTX Việt Nam trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã; Luật HTX năm 2023 với vấn đề công bằng xã hội trong khu vực kinh tế tập thể, HTX; vai trò của phụ nữ, nông dân trong phát triển kinh tế tập thể, HTX; Thực hiện công bằng xã hội và Luật HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, phi nông nghiệp…
Hội LHPN Việt Nam dành nhiều nguồn lực cho công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể
Tham luận về vai trò của phụ nữ trong phát triển kinh tế tập thể, Th.s Trần Thị Thu Hà, Phó Trướng Ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN Việt Nam cho biết: Với chức năng là tổ chức chính trị xã hội đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đoàn kết, tập hợp đông đảo các tầng lớp phụ nữ, Hội LHPN Việt Nam luôn nhận thức sâu sắc về vai trò, trách nhiệm nòng cốt của tổ chức Hội trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia phát triển kinh tế tập thể.
Khu vực kinh tế tập thế, hợp tác xã đã tạo được nhiều kết quả đáng khích lệ, góp phần thực hiện an sinh xã hội, tạo việc làm và làm rõ nét hơn về ý nghĩa chính trị xã hội và ý nghĩa nhân văn sâu sắc khi các thành viên tham gia HTX, tổ hợp tác được gắn kết, sẻ chia, tương trợ cùng phát triển.
Các cấp Hội đẩy mạnh công tác giám sát, phản biện xã hội và triển khai các hoạt động lồng ghép bình đẳng giới trong các chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình, đề án, dự án có liên quan tại cấp trung ương và địa phương gắn với nhu cầu việc làm của phụ nữ, nhất là đối với nhóm phụ nữ các khu vực khó khăn có nhu cầu chuyển đổi mô hình kinh tế.
"Điểm sáng của Hội LHPN Việt Nam trong những năm qua là các cấp Hội dành nhiều nguồn lực cho công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tập thể, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Do đó, các đề án, chương trình mục tiêu quốc gia, các nguồn lực xã hội do Hội thực hiện đều nhằm hướng đến thành lập các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã dành cho hội viên, phụ nữ có mong muốn thoát nghèo, đặc biệt là phụ nữ khu vực miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.
Nhiều mô hình hợp tác xã đã phát triển theo hướng chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ, đạt tiêu chuẩn VietGap, PGS nhằm đáp ứng nhu cầu cao của thị trường về thực phẩm an toàn. Các HTX nông nghiệp do phụ nữ tham gia quản lý đã tạo việc làm ổn đinh cho các thành viên và một số lao động thời vụ, giúp nhiều gia đình, địa phương thoát nghèo như mô hình hợp tác xã sản xuất chè sạch, hợp tác xã trồng cây dược liệu, hợp tác xã trồng sả, hợp tác xã miến dong...
Các mô hình hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị được các địa phương đề xuất dựa trên nhu cầu của hội viên, trong đó chủ yếu chế biến, sản xuất sản phẩm nông nghiệp phát huy được tiềm năng thể mạnh của từng địa phương. Cũng trong chương trình OCOP, các cấp Hội đã vận động phụ nữ tham gia tích cực với kết quả 39% chủ thể của OCOP do phụ nữ đăng ký thực hiện", bà Trần Thị Thu Hà nhấn mạnh.
Chỉ tính riêng trong hơn 7 năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ 12 và 13, các cấp Hội đã hỗ trợ thành lập mới gần 1.200 HTX do phụ nữ tham gia quản lý và 10 nghìn tổ hợp tác, trong đó có trên 60% là các HTX nông nghiệp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn.