pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng đi mới trong điều trị khối u nguyên bào thần kinh ở trẻ

Nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM) tại Lễ trao giải Cuộc thi Sáng kiến Khoa học năm 2025. Ảnh: NVCC
Với mong muốn tìm ra hướng điều trị hiệu quả hơn, nhóm nghiên cứu của trường Đại học Khoa học Sức khỏe (Đại học Quốc gia TPHCM) đã tiên phong nghiên cứu ứng dụng công nghệ laser sợi quang để cắt khối u. Đề tài không chỉ mang tính đột phá mà còn khẳng định tiềm năng y học chính xác tại Việt Nam.
Giải pháp tối ưu cho khối u nhỏ và sâu Nguyễn Quỳnh Giang, thành viên nhóm, chia sẻ chính những tác động nghiêm trọng của khối u nguyên bào thần kinh lên trẻ em và gia đình đã thôi thúc nhóm hành động. Đây là loại ung thư mô đặc nghiêm trọng, chiếm đến 15% các trường hợp tử vong liên quan đến khối u ở trẻ em.
Tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ thành công trong điều trị lâu dài không cao. Đây không chỉ là con số thống kê khô khan mà là nỗi đau của các gia đình, thôi thúc nhóm tìm kiếm giải pháp mới.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm phát hiện ra vai trò đặc biệt của collagen và hệ miễn dịch, những thành phần chính của vi môi trường khối u. Việc xơ hóa và làm cứng khối u không chỉ gây khó khăn cho điều trị mà còn thúc đẩy tăng sinh và di căn.
Ý tưởng sử dụng phương pháp cắt hủy nhiệt bằng laser sợi quang ra đời từ chính nhu cầu làm thay đổi vi môi trường khối u, gián tiếp kìm hãm sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư.
Đây là phương pháp đã có nhiều nghiên cứu thành công trên các loại u đặc như u gan, u giáp và u thận, nhưng còn khá mới mẻ đối với u nguyên bào thần kinh ở trẻ em. Nguyễn Quỳnh Giang nhấn mạnh: "Nhóm mong muốn tìm lời giải cho câu hỏi: Cắt hủy nhiệt có thể tác động thế nào lên vi môi trường khối u nguyên bào thần kinh? Đó là động lực để chúng tôi bước vào hành trình này".
Điểm đặc biệt trong nghiên cứu của nhóm chính là tập trung vào các khối u nguyên bào thần kinh nhỏ (<5mm), vốn rất khó tiếp cận bằng phẫu thuật truyền thống. Laser sợi quang mang đến giải pháp tiếp cận chính xác, ít xâm lấn và kiểm soát nhiệt độ tốt hơn nhờ khả năng dẫn truyền năng lượng linh hoạt qua các sợi quang mảnh.
Đây chính là khác biệt lớn so với các hệ thống laser truyền thống thường sử dụng ống kính hoặc gương cố định. "Với laser sợi quang, việc tiếp cận các vị trí tổn thương trở nên khả thi hơn mà vẫn hạn chế tối đa tổn thương mô lành. Điều này vô cùng quan trọng khi điều trị khối u ở trẻ em, đối tượng mà cơ thể còn non nớt và nhạy cảm", Quỳnh Giang chia sẻ.
Trong quá trình thực hiện, nhóm đã phải đối diện với nhiều thách thức lớn, điển hình là sự hạn chế về nguồn mẫu mô u nguyên bào thần kinh và chi phí cao khi vận hành hệ thống laser chính xác. U nguyên bào thần kinh là bệnh hiếm, dẫn đến việc tiếp cận mẫu mô tươi hoặc dòng tế bào gặp nhiều trở ngại.
Không nản chí, nhóm đã chủ động hợp tác với các đơn vị cung cấp dòng tế bào, đồng thời thiết kế lại quy trình thí nghiệm để tiết kiệm tối đa nhưng vẫn đảm bảo tính tin cậy và giá trị thống kê.
Đề tài nghiên cứu ứng dụng công nghệ laser sợi quang để cắt khối u của nhóm nghiên cứu trường Đại học Khoa học Sức khỏe đã nhận được Bằng khen Bộ trưởng Bộ GD-ĐT; giải Nhất "Giải thưởng Khoa học và Công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học" lĩnh vực Khoa học Y Dược năm 2023; giải Nhì Hội nghị Quốc tế Tim mạch Lão Khoa 2023, giải Nhì Cuộc thi Sáng kiến Khoa học 2025…
Dùng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa liệu trìnhMột điểm đặc biệt của công trình này là hướng đến cá nhân hóa phác đồ điều trị. Khi phương pháp cắt hủy nhiệt được phát triển toàn diện, các chiến lược điều trị sẽ không còn mang tính "một khuôn cho tất cả" mà được thiết kế riêng cho từng bệnh nhi.
"Chúng tôi sẽ dựa trên kích thước, số lượng khối u, vị trí và cả đường tiếp cận laser tối ưu cho từng bệnh nhi. Đây không chỉ là bước tiến về mặt kỹ thuật mà còn mang lại lợi ích về chi phí và hiệu quả điều trị", Quỳnh Giang khẳng định.
Ngoài laser, nhóm cũng đánh giá cao tiềm năng của AI trong y học chính xác. AI có thể hỗ trợ phân tích hình ảnh, tối ưu hóa liệu trình và đưa ra các dự đoán chính xác dựa trên dữ liệu đa chiều từ gen, mô học đến đáp ứng lâm sàng.
Sự kết hợp giữa laser và AI hứa hẹn sẽ mang đến những đột phá, giúp y học cá thể hóa dần trở thành hiện thực tại Việt Nam. Nguyễn Quỳnh Giang chia sẻ thêm: "Đây không chỉ là nghiên cứu riêng lẻ mà còn là bước đầu mở ra những cơ hội ứng dụng rộng hơn cho các bệnh lý khác. Laser sợi quang có tiềm năng ứng dụng lớn ở nhiều loại khối u, không chỉ u nguyên bào thần kinh".
Không dừng lại ở kết quả ban đầu, nhóm nghiên cứu đã lên kế hoạch phát triển mô hình in vivo tiền lâm sàng trên chuột, đồng thời mở rộng mô hình in vitro với nhiều mức năng lượng và thời gian chiếu khác nhau để tìm ra công suất laser tối ưu.
Đây sẽ là cơ sở quan trọng để triển khai các nghiên cứu ứng dụng lâm sàng trong tương lai. Nhóm nghiên cứu tin rằng, khi hoàn thiện, kỹ thuật này không chỉ mang đến hiệu quả điều trị tốt hơn mà còn giảm gánh nặng kinh tế, giúp nhiều bệnh nhi có cơ hội sống khỏe mạnh và lâu dài hơn.