pnvnonline@phunuvietnam.vn
Hướng tới sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp hoạch định chính sách
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng diễn ra từ ngày 25/1 - 2/2/2021 tại Thủ đô Hà Nội có 1.587 đại biểu chính thức tham dự, trong đó có có 222 đại biểu là nữ, chiếm tỷ lệ 13,99%. Ảnh: TTXVN
1. Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ - Một mục tiêu quan trọng của phát triển toàn cầu
Ngày nay, thế giới càng nhận thức sâu sắc rằng, với hơn ½ dân số, phụ nữ là tác nhân quan trọng của sự phát triển xã hội và khẳng định rằng, nếu không có sự tham gia bình bẳng của phụ nữ ở các cấp lãnh đao, ra quyết định thì mục tiêu bình đẳng, phát triển và hòa bình không thể đạt được.
Ở vị trí lãnh đạo, tiếng nói của đại diện phụ nữ được xem xét trong quá trình ra quyết định góp phần đảm bảo các chính sách được toàn diện, bao trùm, đáp ứng lợi ích công bằng của các thành viên trong xã hội. Dưới góc độ quản trị nhà nước, với những phẩm chất: Gần gũi, lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ và hợp tác, lãnh đạo nữ đóng góp xây dựng nền công vụ dân chủ, trách nhiệm giải trình và hiệu quả.
Bình đẳng giới tham gia chính trị đã được ghi nhận trong nhiều văn bản quốc tế quan trọng như: Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW, điều 7),1979; Tuyên bố và cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995) nhấn mạnh sự tham gia và vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội;Trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs), 2015, mục tiêu 5 "Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái" ghi rõ "Đảm bảo sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của phụ nữ và cơ hội bình đẳng trong vai trò lãnh đạo ở tất cả các cấp ra quyết định trong đời sống chính trị, kinh tế và công cộng" (mục tiêu 5.5)
Ở Việt nam, bình đẳng giới đã được khẳng định trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946 và trong hệ thống luật pháp, chính sách của Đảng và Nhà nước, như: Chỉ thị số: 37-CT/TW năm 1994 của Ban Bí thư về "Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới; Luật bình đẳng giới (2006), Điều 11 về " Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị"; Nghị quyết 11 – NQ/TW (2007) của Bộ chính tri về "Công tác Phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" với những chỉ tiêu giới tham chính; Quyết định Số: 2282/QĐ-TTg (2020) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình "Tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ vào các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030.
2. Phụ nữ đã đạt được bước tiến đáng khích lệ ở vị trí lãnh đạo, và quản lý (tham chính)
Trên thế giới{1}: Đến năm 2022 đã có 22 phụ nữ đứng đầu Nhà nước và Chính phủ (năm 1960 chỉ có 1 nữ); Phụ nữ chiếm 26,5% trong Nghị viện thế giới (con số này chỉ đạt 17,8% năm 2008); Tỷ lệ nữ Bộ trưởng 23,7%, (so với năm 2006 là 9,9%)
Ở Việt nam, với hệ thống luật pháp, chính sách tiến bộ về bình đẳng giới được thực hiện, công tác cán bộ nữ có chuyển biến tích cực, đội ngũ cán bộ nữ tăng về số lượng và chất lượng.
Cấp Trung ương {2}: Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26%, (khóa trước là 26,8%), đạt mốc tối thiểu đảm bảo tiếng nói ảnh hưởng của phụ nữ ở nghị trường Quốc hội; Lần đầu tiên có nữ chủ tịch Quốc hội (Khóa IV), có nữ là Trưởng ban tổ chức TƯ, thường trực Ban Bí thư, Bộ trưởng bộ Nội vụ vàThống đốc Ngân hàng Nhà nước; Nữ thành viên Chính phủ đầu khóa đạt 7,4% ( khóa XIV là 3,7%).
-Cấp tỉnh {3} Tỷ lệ nữ trong cấp ủy Đảng, HĐND và UBND đều tăng, Tỷ lệ nữ thường vụ và Bí thư đạt 12,89% và 11,11% (khóa trước chỉ đạt 10,67% và 4,7%); Nữ chủ tịch, phó chủ tịch HĐND đạt tỷ lệ 20,63% và 29,72% (khóa trước chỉ là 12,7% và 26,23%); Tỷ lệ nữ chủ tịch và phó chủ tịch UBND đạt 3,7% và 12,16% (tỷ lệ này so với trước chỉ là 0% và 8,18%)
- Cấp Huyện và Xã: Tỷ lệ nữ cấp ủy cũng tăng, khóa hiện tại nữ cấp ủy huyện đạt 20,1%; Cấp ủy xã 25,6% đạt chỉ tiêu đề ra (25%); Tỷ lệ nữ HĐND Huyện và Xã đạt cao 29% và 29,8%.
Về trình độ chuyên môn: 100% nữ ủy viên TW Đảng, nữ ĐBQH, có trình độ từ đại học và trên đại học; Nữ đại biểu HĐND cấp Tỉnh và Huyện cơ bản có trình độ từ đại học trở lên và gần 50% nữ đại biểu HĐND xã có trình độ đại học.
3. Khoảng cách giới tham chính còn khá lớn
Mặc dù phụ nữ tham chính có chuyển biến tích cực, song, tỷ lệ nữ tham chính còn khá thấp, tăng chậm, có những vị trí giảm hoặc không có lãnh đạo nữ. Đó là vấn đề còn trăn trở.
Ở cấp trung ương:
Trong Đảng {4}: Tỷ lệ nữ ủy viên TW Đảng khá thấp, tăng chậm, khóa IX đạt 8,22%, đến khóa XIII mới chỉ đạt 9,5% (khóa trước đạt 10,0%); Tỷ lê nữ Ban Bí thư tăng lên, cũng chỉ đạt 18,18%; Tỷ lệ nữ ủy viên Bộ Chính trị giảm sâu, chỉ đạt 5.6% (khóa trước15,8%);
Trong Quốc hội {5}: Tỷ lệ nữ UVTV Quốc hội giảm nhiều, từ 29,4% (khóa trước) xuống 16,67% (khóa hiện tại); Đặc biệt, khóa trước có nữ chủ tịch và phó chủ tịch QH, khóa hiện nay không còn nữ giữ 2 vị trí này.
Trong Chính phủ {6}: Tỷ lệ nữ thành viên chính phủ đầu khóa là 7,4%, đến nay số nữ thành viên đã tăng thêm1, cũng chỉ đạt 11,11%.
Ở cấp tỉnh {7}: Còn nhiều tỉnh không có nữ lãnh đạo thường trực (bí thư, phó bí thư) tỉnh ủy, nữ lãnh đạo chủ chốt (chủ tịch, phó chủ tich) HĐND và UBND tỉnh, thậm chí không có nữ lãnh đạo chủ chốt trong cả tỉnh ủy, HĐND và UBND:
- 43 tỉnh (68,25%) không có nữ lãnh thường trực tỉnh ủy;
- 40 tỉnh (63,5%) không có nữ lãnh đạo chủ chốt UBND tỉnh);
- 22 tỉnh (35,0%) không có nữ lãnh đạo chủ chốt HĐND tỉnh
- 14 tỉnh (22,22%) tỉnh không có nữ lãnh đạo chủ chốt HĐND và UBND tỉnh;
- 13 tỉnh (20,63%) không có nữ lãnh đạo thường trực tỉnh ủy và lãnh đạo chủ chốt HĐND và UBND tỉnh.
Đối với cấp Huyện và Xã:
Tỷ lệ nữ bí thư cấp Huyện và Xã chỉ đạt dưới 10,0% và 12,0%; Tỷ lệ nữ chủ tich HĐND Huyện và Xã đạt dưới 6% và 4%, tỷ lệ nữ chủ tịch UBND Huyện và Xã dưới 4% và 6% (khóa 2016-2021)
4. Thu hẹp khoảng cách giới tham chính, chặng đường dài phía trước còn nhiều thách thức
Cốt lõi của bình đẳng giới là vấn đề quyền lực và hệ thống gia trưởng. Trong lịch sử, chế độ gia trưởng là một hệ thống cấu trúc và ý thức hệ duy trì đặc quyền của nam giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hóa và xã hội. Hệ thống gia trưởng được củng cố bởi niềm tin, giá trị, thái độ về sự ưu việt của nam giới và sự phụ thuộc, thấp kém, ít có khả năng lãnh đạo của phụ nữ. Điều này tạo nên mặc định "Quyền lực chính trị thuộc về nam giới", cấu trúc quyền lực do nam giới chi phối, dẫn đến phân biệt đối xử đối với phụ nữ trong tuyển dụng, thăng chức và lãnh đạo. Hệ tư tưởng gia trưởng thường duy trì định kiến giới, gắn phụ nữ với các vai trò giới truyền thống, khiến phụ nữ gặp khó khăn trong cân bằng giữa công việc gia đình và công việc xã hội.
Do vậy, để thu hẹp khoảng cách giới tham chính, điều quan trọng không chỉ thay đổi luật pháp, chính sách mà phải tiếp tục thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi vốn duy trì những khuôn mẫu, định kiến giới và hệ tư tưởng gia trưởng, cản trở phụ nữ tham chính.
5. Chiến lược thúc đẩy bình đẳng giới tham chính
Bình đẳng giới tham chính không chỉ là vấn đề về quyền phụ nữ mà là một yêu cầu chiến lược, nhằm phát huy tài năng, trí tuệ của phụ nữ góp phần xây dựng xã hội phồn vinh và hạnh phúc cho mọi người. Bình đẳng giới tham chính không thể đạt được, nếu tách rời việc bảo đảm quyền kinh tế, văn hóa và xã hội của phụ nữ.
Để đạt được bình đẳng giới tham gia lãnh đạo, đòi hỏi cách tiếp cận đa diện, thời gian, sự cam kết và sự hợp tác bền vững của các bên liên quan trong thực hiện những chiến lược sau:
Một là, Nâng cao nhận thức, thay đổi thái độ và hành động vì bình đẳng giới
Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của lãnh đạo và nhân dân về bình đẳng giới, tầm quan trọng của bình đẳng giới tham chính; Xóa bỏ khuôn mẫu giới, định kiến giới cản trở sự tiến bộ của phụ nữ; Loại bỏ hệ tư tưởng gia trưởng và cấu trúc quyền lực "Thiên vị nam hơn nữ", coi thường khả năng tham gia lãnh đạo, quản lý của phụ nữ.
Hai là, Hoàn thiện chính sách, luật pháp về bình đẳng giới trên nguyên tắc bình đẳng thực chất, không phân biệt đối xử và thực hiện những chính sách thúc đẩy bình đẳng giới tham chính:
Hoàn thiện và thực hiện hiệu quả hệ thống chỉ tiêu giới tham chính
Thực hiện chỉ tiêu giới là một biện pháp tạm thời, hữu hiệu thúc đẩy thu hẹp khoảng cách giới tham chính. Hệ thống chỉ tiêu giới bao gồm chỉ tiêu nữ đạt được ở các vị trí lãnh đạo, ra quyết định; Chỉ tiêu nữ đưa vào quy hoạch và chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ. Chỉ tiêu giới hàm ý cả số lượng, chất lượng (tránh cơ cấu hình thức) và cần mang tính ràng buộc, phải thưc hiện.
b) Tiếp tục rà soát, mở rộng thực hiện tuổi nghỉ hưu đến 60 đối với cán bộ nữ
Tuổi nghỉ hưu đối với nữ như hiện hành đã khiến nhiều cán bộ nữ tài năng phải dừng bước ở vị tri hiện tại, không được tái bổ nhiệm hoặc không được qui hoạch vào vị trí cao hơn. Điều này thiệt thòi cho xã hội và là một nguyên nhân hạn chế tỷ lệ nữ lãnh đạo, quản lý. Do vậy cần tiếp tục xem xét, mở rộng tuổi làm việc đến 60 đối với cán bộ nữ, trong đó có cán bộ nữ cấp vụ, phó chủ tịch HĐND, UBND cấp Tỉnh.
c) Tạo nguồn cán bộ nữ, coi trọng cả về số lượng và chất lượng
Xây dựng môi trường thân thiện, không phân biệt đối xử tại nơi làm viêc, tạo cơ hội để mọi cá nhân trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức bộc lộ năng lực, khả năng lãnh đạo và cần phát huy dân chủ trong phát hiện, giới thiệu phụ nữ tiềm năng đưa vào quy hoạch cán bộ nguồn.
d) Thực hiện chính sách thúc đẩy bình đẳng giới trong đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm cán bộ nữ,
Áp dụng chính sách linh hoạt đối với nữ về tuổi quy hoach, tuổi và thời điểm đi đào tạo, bồi dưỡng, tuổi bổ nhiệm lần đầu và tái cử; Có chính sách tạo thuận lợi cho cán bộ nữ hoc tâp, làm việc…
Ba là, Huy động nguồn lực đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho phụ nữ tham chính.
Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phụ nữ tiềm năng, cán bộ nữ trẻ, dân tộc thiểu số, tránh chỉ tập trung bồi dưỡng phụ nữ trước kỳ bầu cử; Phát triển chương trình cố vấn, hỗ trợ cán bộ mới. Phát huy vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ và các tổ chức phụ nữ tham gia đào tạo bồi dưỡng phụ nữ Điều quan trọng như Bác Hồ nhắc nhở "Phụ nữ phải vươn lên không ngừng học tập, quyết tâm khắc phục khó khăn, tự tin, tự lực, tự cường, không tự ti chỉ chờ Đảng, Chính phủ ra chỉ thị" {8}
Bốn là, Tăng cường hệ thống hỗ trợ giúp phụ nữ cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Phát triển những cơ sở chăm sóc trẻ em (nhà trẻ, mẫu giáo); Củng cố mạng lưới y tế cơ sở chăm sóc sức khỏe nhân dân; Phát triển các dịch vụ hỗ trợ gia đình; Sắp xếp công việc linh hoạt đối với phụ nữ; Mở rộng những chính sách thúc đẩy nam giới chăm lo việc gia đình….
Năm là, Đảng xem xét, sớm ban hành chỉ thị "Tăng cường công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới"
Công tác cán bộ nữ là một bộ phận quan trọng trong chiến lược cán bộ của Đảng. Ban Bí thư đã ra chỉ thị số: 37-CT/TW (1994) về "Một số vấn đề công tác cán bộ nữ trong tình hình mới".
Ngày nay, thời đại cách mạng công nghiệp 4,0 đem đến những điều kỳ diệu cho nhân loại, tăng cơ hội bình đẳng và trao quyền cho phụ nữ, song cũng tạo những thách thức đối với phụ nữ lãnh đạo.
Trước yêu cầu "Đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ; tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược {9}; Vì tầm quan trọng của bình đẳng giới tham chính, vì tỷ lệ nữ ở vị trí lãnh đạo, ra quyết định còn khá thấp, không tương xứng với tiềm năng của phụ nữ; Hơn nữa phụ nữ luôn phải đối mặt với nhiều thách thức trong tham chính. Do vậy, việc ban hành chỉ thị của Đảng về "Tăng cường công tác cán bộ nữ trong thời kỳ mới" có ý nghĩa đặc biệt quan trọng: Tạo chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, hành động và cam kết trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu trong công tác cán bộ nữ; Tạo niềm tin để phụ nữ nỗ lực nâng cao năng lực bản thân và thúc đẩy xã hội và gia đình khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ tham chính; Đồng thời, tăng cường trách nhiệm ban Tổ chức TW, Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan và Hội Liên hiệp Phụ nữ trong triển khai và giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác cán bộ nữ, nhằm tăng tỷ lệ và nâng chất lượng cán bộ nữ ở vị trí lãnh đạo, quản lý ở các cấp hoạch định chính sách.
Tài liệu tham khảo
{1} Báo cáo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) và Liên minh Nghị viện thế giới (UPI),2022
{2} Cổng thông tin điện tử 63 tỉnh thành về kết quả bầu cử đại biểu QH và HĐND các cấp, 2021
{3} phunuvietnam.vn/ty-le-can-bo-nu-trong-3-cap-uy-dang-nhiem-ky-2020-2025; moha.vn>bau-cu; Cổng thông tin điện tử 63 tỉnh về kết quả đại hội Đảng và bầu cử QH và HDND các cấp.
{4} tulieuvankien.dangcongsan.vn
{5} quochoi.vn>thong-tin-bau-cu
{6} chinhphu.vn>thanh-vien-chinh-phu
{7} cổng thông tin điện tử 63 tỉnh/thành về kết quả đại hội Đảng và bầu cử chức danh lãnh đạo HĐND, UBND Tỉnh/thành)
{8} Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, tập 12, tr.301
{9} Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc Khóa XIII, 2021;