Internet vệ tinh - Hy vọng mới cho phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa

Trường Sa
24/05/2025 - 18:03
Internet vệ tinh - Hy vọng mới cho phụ nữ nghèo vùng sâu, vùng xa

Mạng internet vệ tinh sẽ đem đến nhiều cơ hội cho chị em phụ nữ vùng sân, vùng xa

Thực hiện chương trình triển khai đầu tư và cung cấp dịch vụ internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam hứa hẹn giúp cho phụ nữ nghèo ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa có cơ hội kết nối mở rộng không gian phát triển để vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vợ chồng chị Hà Thị Tâm, ở xã Vũ Linh (Yên Bình, Yên Bái) hành nghề đánh bắt cá trên khu vực lòng hồ thủy điện Thác Bà, thời gian làm việc của vợ chồng chị chủ yếu ở trên mặt hồ, nên việc tiếp sóng internet nhiều khi rất khó khăn, bởi lúc có, lúc không, mặc dù cả 2 vợ chồng đều đăng ký sử dụng dịch vụ mạng internet qua điện thoại di động.

Chị Tâm chia sẻ: “Nhiều khi không có mạng internet rất bất tiện trong công việc giao dịch mua bán hàng, có hôm mình đánh bắt được hàng đặc sản, muốn liên hệ để gửi hình ảnh cho người mua, nhưng không thể gửi được, lại phải di chuyển thuyền đến khu vực nào đó có kết nối mạng internet để gửi hình ảnh và chào giá giao dịch với khách hàng”.

Chị Tẩn Mẩy Dung, ở thôn Tà Chải, xã Tả Phìn thị xã Sa Pa, Lào Cai), cho hay: “Nhà tôi nằm sâu ở khu vực cuối thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, cũng thường xuyên gặp khó khăn trong việc kết nối mạng, nên khi có việc cần sử dụng internet đều gặp khá nhiều khó khăn. Người trong làng tôi thường hay nói vui với nhau là đưa điện thoại đi tìm sóng. Nghĩa là cứ cầm điện thoại đi từ điểm này sang điểm khác, đến khi có sóng internet thì dừng lại để thực hiện việc truy cập vào mạng, nên khá bất tiện”.

Internet vệ tinh - Hi vọng mới cho phụ nữ nghèo vùng sâu, cùng xa
- Ảnh 1.

Phụ nữ ở Tây Nguyên truy cập mạng internet

Nếu như trong thời gian tới, quá trình triển khai kết nối mạng internet vệ tinh thành công, thì việc phủ sóng internet sẽ đem lại nhiều cơ hội kết nối cho chị em phụ nữ dù là họ ở bất cứ đâu, dù là vùng sâu, vùng xa, mà hệ thống nền tảng mạng 3g, 4g không thể vươn tới được.

Theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ KH&CN), mạng di động của Việt Nam hiện đã phủ tới 99,8% dân số; tuy nhiên mới chỉ phủ sóng được khoảng 58% diện tích đất liền; 14,5% diện tích lãnh thổ nếu tính cả vùng biển. Cùng với đó, hiện còn 17% hộ gia đình Việt Nam chưa sử dụng dịch vụ cáp quang, trong đó có nhiều hộ ở vùng sâu, vùng xa.

Ở những vùng không có sóng internet (vùng trắng internet) đã gây ra rất nhiều bất cập cho người dân, đặc biệt là với chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số, bởi khi không có sóng internet, họ không thể tiếp nhận và cập nhật các thông tin để phá triền, dẫn đến tụt hậu nhanh chóng so với cộng đồng chung trong xã hội.

Internet vệ tinh - Hi vọng mới cho phụ nữ nghèo vùng sâu, cùng xa
- Ảnh 2.

Phụ nữ người dân tộc Mông ở Sơn La truy cập mạng xã hội

Theo các chuyên gia, việc triển khai dịch vụ Starlink được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả cao, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa SpaceX và các doanh nghiệp viễn thông trong nước, cùng với việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng vì dịch vụ Starlink là phương án tối ưu cho các khu vực lõm sóng tại vùng sâu, vùng xa - nơi mạng 4G, 5G và cáp quang chưa thể phủ tới ở Việt Nam.

Trước mắt, có thể Starlink sẽ cung cấp internet tốc độ cao ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo; những nơi các nhà mạng Việt Nam gặp khó khăn trong việc triển khai hạ tầng cáp quang và 4G, 5G. Tại các khu vực này, khách hàng có thể chọn Starlink thay vì dùng các giải pháp truyền thống như cáp quang, trong khi dịch vụ di động 4G và 5G phủ sóng yếu.

Tuy nhiên, để chị em phụ nữ người dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với dịch vụ internet vệ tinh, thì đòi hỏi phải có cơ chế hỗ trợ, bởi theo ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, giá các gói cước internet cáp quang tại Việt Nam hiện khá rẻ, và đa dạng, chỉ từ vài chục nghìn cho đến vài trăm nghìn đồng/tháng. Trong khi đó, chưa rõ mô hình kinh doanh internet vệ tinh Starlink tại Việt Nam ra sao nhưng ở các thị trường khác, dịch vụ này có giá khoảng 99 USD/tháng (tương đương 2,4 triệu đồng/tháng), chưa kể chi phí thiết bị. "Thông thường, giá của dịch vụ internet vệ tinh bao giờ cũng cao hơn các loại khác.

Kỹ sư tin học Hoàng Đình Nhất (Công ty Bkav) thì đưa ra nhận định: “Tôi cho rằng khi thực hiện khai thác internet vệ tinh, chắc chắn nhà mạng sẽ tính toán đến khả năng chi phí ở mức chấp nhận được cho nhiều người dân, trong đó có cả nhóm người thu nhập thấp, người nghèo, nên đối với những vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa chắc chắn sẽ có những gói cước phù hợp với điều kiện của họ. Và khi họ kết nối với internet, chắc họ sẽ có những nhận thức mới, tư duy mới trong đời sống xã hội cũng như trong phát triển ở nhiều góc độ”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm